Vào ngày 31/12, Cộng đồng ASEAN được thành lập, sẽ tạo nên một thị trường đơn nhất với năm yếu tố được lưu chuyển tự do giữa 10 nước bao gồm vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề.
Sự dịch chuyển “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động các nước ASEAN vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước.
Cơ hội dịch chuyển lao động có chất lượng
Báo cáo “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” do Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á thực hiện dự báo: Khi ra đời, Cộng đồng Kinh tế ASEAN có quy mô GDP 2.200 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người 3.100 USD/năm, nhưng chênh lệch rất lớn, từ 1.000 USD/người/năm (Campuchia, Myanmar) đến 50.000 USD/người/năm (Singapore).
Chênh lệch quá lớn về thu nhập có thể là nguyên nhân thúc đẩy di chuyển lao động trong khối. Việc này một mặt tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, song mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn cho lao động thiếu kỹ năng.
Trong khi đó, các nước ASEAN mới cho phép lao động thuộc 8 ngành (kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sỹ, bác sỹ, y tá, điều tra viên và du lịch) được quyền di chuyển tìm việc làm sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành, thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Đây là những lao động thuộc nhóm lao động có chất lượng, được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn từ những tác động của việc hình thành Cộng đồng ASEAN về tăng trưởng việc làm, nâng cao năng suất lao động, nhất là năng suất lao động ngành công nghiệp... Số lượng việc làm tạo thêm ở Việt Nam khá cao (đến năm 2025 là 6 triệu, chiếm 9,5% tổng số việc làm tạo thêm ở Cộng đồng ASEAN) nhưng chất lượng làm việc chưa cao, 65% việc làm mới là dễ bị tổn thương (cao nhất trong khu vực).
Việt Nam có lực lượng lao động khá dồi dào, tăng đều qua các năm từ 51,4 triệu người năm 2011 lên tới 53,7 triệu người năm 2014, nhưng tốc độ tăng có xu hướng giảm dần từ 1,1% năm 2011 xuống 0,5% năm 2014. Lực lượng lao động của Việt Nam tương đối trẻ, khoảng 50,2% lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15-39, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng chứng chỉ vẫn còn ở mức thấp (18,7% năm 2014) mặc dù đã tăng 3,1% từ năm 2011 đến nay.
Tính đến thời điểm quý 1/2015, lực lượng lao động Việt Nam là 53,644 triệu người, chiếm 76,9% dân số trong độ tuổi lao động. Số lao động có việc làm là 52,427 triệu người, thất nghiệp khoảng 1,217 triệu người và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng chứng chỉ là 20,8%.
Chất lượng lao động của Việt Nam cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 50% trong vòng 10 năm trở lại đây (theo cách tiếp cận và cách tính của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước làm chủ được khoa học công nghệ, một số người đã đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều lao động sang các nước ASEAN, đặc biệt là Malaysia với hàng nghìn chỉ tiêu mỗi năm, làm nhiều loại ngành nghề khác nhau. Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp Việt Nam đã mở chi nhánh, hoạt động khá hiệu quả tại Lào, Campuchia cũng cho thấy khả năng hội nhập nhanh chóng của lao động Việt Nam trong ASEAN gắn với dòng di chuyển thương mại, vốn đầu tư, dịch vụ.
Tại các cuộc thi nghề ASEAN, Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình với nhiều thứ hạng cao (3 lần xếp thứ Nhất trong 10 lần Kỳ thi Tay nghề ASEAN được tổ chức và luôn được công nhận đứng trong top 3 nước dẫn đầu về chuyên môn). Tất cả những điều này cho thấy tiềm năng đáng kể của lao động Việt Nam trong việc sẵn sàng tham gia Cộng đồng chung ASEAN.
Nhân lực ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn đó những thách thức đối với Việt Nam. Do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, do vậy tỷ lệ lao động tham gia thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%. Chất lượng, cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Đại đa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa qua đào tạo.
Mặc dù lao động đã qua đào tạo (học nghề chính quy và thường xuyên, phi chính thức, học nghề dưới 3 tháng và học nghề tại doanh nghiệp) có tăng lên nhưng vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 38% tổng lực lượng lao động.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng: Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế, có khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển trong khu vực. Nếu lấy thang điểm là 10, Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm - xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác.
Sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ, cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam chưa cao.
Chẳng hạn, chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, rất ít lao động Việt Nam học các thứ tiếng Thái Lan, Lào, Campuchia hoặc tiếng của các nước ASEAN khác, do đó khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới khó khăn. Song song với đó, còn những áp lực trong vấn đề quản lý lao động nước ngoài, vấn đề tiếp cận với thị trường lao động ngoài nước do hạn chế về tiếng Anh là rất lớn.
Vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động cũng cần có sự phân tích và nhận dạng đúng để có giải pháp khắc phục đối với lao động Việt Nam. Những hạn chế của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Khi chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN, ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, người lao động còn cần có ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác để có cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia khác của Cộng đồng. Nếu không ý thức được điều này, lao động Việt Nam sẽ thua ngay trên “sân nhà” bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề với nhiều quốc gia trong ASEAN.
Nhận định về nguyên nhân của vấn đề này, ông Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: Hiện 47% lực lượng lao động Việt Nam vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất, thu nhập thấp. Khoảng 3/5 lao động Việt Nam đang làm các công việc dễ bị tổn thương. Nhìn chung, năng suất và mức tiền lương của Việt Nam khá thấp so với các nền kinh tế trong ASEAN như: Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Nguồn nhân lực có chất lượng thấp và năng lực cạnh tranh chưa cao, có nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là do công tác đào tạo hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực, chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người, dạy nghề.
Mặt khác, hệ thống thông tin của thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều yếu kém, hạn chế, như: Bị chia cắt giữa các vùng miền; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu các đối tác trên thị trường lao động, đặc biệt là người sử dụng lao động và người lao động.
Hệ thống chỉ tiêu về thị trường lao động tuy đã ban hành nhưng chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và khó so sánh với quốc tế, do đó chưa đánh giá được hiện trạng của cung - cầu lao động, các “nút thắt” về nhu cầu nhân lực trong nước. Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu mô hình dự báo thị trường lao động tin cậy và nhất quán, thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác thống kê, phân tích, dự báo.
Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nhân lực Việt Nam
Để góp phần giải quyết các vấn đề của thị trường lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, nhất là khi Cộng đồng ASEAN được hình thành, ông Tào Huy Bằng, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, các cấp, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với việc làm. Bản thân người lao động cần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ASEAN.
Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp; tập trung dự báo thị trường ngắn hạn và dài hạn; phát triển, kết nối thị trường lao động với các nước trong khu vực; mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam cần đổi mới cơ cấu giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và đổi mới đào tạo; gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp...
Ngoài ra, hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam, trong đó có giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Chuẩn bị cho việc công nhận lẫn nhau về trình độ đào tạo, tạo cơ hội chuyển dịch lao động giữa các nước ASEAN và thế giới, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc phát triển nguồn nhân lực; trong chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước thời kỳ 2011-2020, cần chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực của bộ, ngành, địa phương; cần coi đầu tư đào tạo nghề nghiệp là đầu tư cho phát triển, ưu tiên đầu tư trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, ngành; hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội...
Theo ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, điều quan trọng nhất là bản thân người lao động cần được trang bị kỹ về trình độ chuyên môn, kiến thức. Kiến thức ở đây bao gồm cả kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức về nước mà người lao động định đến làm việc, cũng như môi trường làm việc, văn hóa xã hội của nước đó, để khi người lao động di chuyển sang có thể hòa nhập ngay với xã hội và môi trường công việc.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp để định hướng, giúp cho người lao động hiểu được muốn làm việc tại các nước ASEAN, cần tự định hướng và có sự chuẩn bị chu đáo về kiến thức, trình độ chuyên môn.../.
TTXVN