Thứ Năm, 10/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 9/10/2010 18:11'(GMT+7)

Cộng đồng doanh nhân là nhân tố quan trọng phát triển nền kinh tế đất nước

Hội nghị được chủ trì bởi TS Vũ Văn Lộc, Chủ tịch VCCI; PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Phạm Hồng Chương, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Được biết, trong nhiều năm qua, VCCI – tổ chức quy tụ của giới doanh nhân cả nước - đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy các quan điểm, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Hội nghị doanh nhân toàn quốc lần này là một trong nhiều hoạt động tiếp nối đó.

Thông qua Hội nghị lần này, VCCI muốn phát huy tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, chào mừng Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2010), chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò dẫn đầu của đội ngũ doanh nhân trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế đất nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với xã hội; tăng cường sức mạnh liên kết cộng đồng doanh nhân trong tiến trình hội nhập và phát triển.

45 tham luận của các học giả, các nhà nghiên cứu và các doanh nhân đã tập trung vào hai phần chính: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân" và phần thứ hai “Góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI”.

Hy vọng ở sự phát triển đột phá của lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân

TS Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc

Trong phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc cho biết: Thực tiễn của quá trình đổi mới và hội nhập đã làm sáng tỏ tư tưởng của Bác Hồ về doanh nghiệp, doanh nhân.

TS Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định: Sự nghiệp dân giàu, nước mạnh đòi hỏi phải xây dựng lực lượng xung kích hùng hậu là đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân có ý chí khao khát làm giàu cho mình và cho đất nước, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đầu tư phát triển kinh doanh, có ý thức tôn trọng pháp luật, có tầm nhìn chiến lược và tư duy năng động, sáng tạo.

Theo TS Lộc, mục tiêu phải đạt trong thời gian tới là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành hệ thống doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng vai trò quyết định trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 tạo được bước chuyển về chất lượng và cơ cấu doanh nghiệp; tăng tỷ trọng các doanh nghiệp lớn và vừa, và có được một số doanh nghiệp đạt tầm cỡ khu vực và thế giới.

Qua các phần trình bày của các đại biểu, hầu hết đều bày tỏ tin tưởng và hy vọng rằng, gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh, các nghị quyết của Đảng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển đột phá của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp chống đói nghèo, làm giàu cho bản thân và cho đất nước.

Kiến nghị những giải pháp thiết thực phát triển doanh nghiệp, doanh nhân

Theo Đại tá Phùng Danh Thắm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thái Sơn Group (Bộ Quốc Phòng), để xây dựng được những tên tuổi lớn trong tầng lớp doanh nghân và doanh nghiệp cần một quá trình với nhiều yếu tố khách quan và quá trình đó phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đường hướng phát triển doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới. Do vậy, văn kiện Đại hội đề cập đến lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân cần nhấn mạnh vào mục tiêu xây dựng và phát triển tầng lớp doanh nhân. Trong đó, đáng chú ý là: thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nhân; khẳng định tiếng nói của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng giản gọn, xóa bỏ những thủ tục bất hợp lý, phiền hà…, đẩy mạnh cải cách hành chính, quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của doanh nhân trên các mặt: trách nhiệm với người tiêu dùng, cộng đồng, người lao động, đối tác, nhà nước… đồng thời có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân khẳng định thương hiệu và tên tuổi trên trường quốc tế và trở thành thương hiệu quốc gia.

Chia sẻ ý kiến đóng góp cho văn kiện, ông Nguyễn Đại Lai, chuyên gia kinh tế chỉ ra: tại mục I, trong dự thảo Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020, phần đánh giá những mặt hạn chế, yếu kém còn quá kiệm lời. Do đó nên bổ sung thêm theo hướng cụ thể hóa những mặt yếu kém nhất đã nêu như: tăng trưởng kém chất lượng, văn hóa-xã hội còn bức xúc, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề... Với những yếu kém mang tính vật cản lớn nhất như đã liệt kê trong dự thảo, nên chỉ rõ nguyên nhân cụ thể từ thành phần kinh tế nào gây ra, từ trên xuống hay từ dưới lên. Cách diễn đạt trong văn kiện đều bộc lộ một phương pháp nói định tính, chung chung kiểu văn phong nghị quyết, giao nhiệm vụ hơn là văn phong chiến lược kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Đại Lai đã phân tích: tình hình kinh tế Việt Nam sở dĩ còn lạc hậu như hiện nay sau gần 40 năm giải phóng và hơn 20 năm xâm nhập kinh tế thị trường là ở chỗ phân biệt đối xử, sự không minh bạch và thiếu công bằng quá lâu đối với các chủ thể (thể nhân và pháp nhân) của nền kinh tế. Chính vì vậy, về quan điểm phát triển, trong văn kiện chính thức cũng nên nêu rõ việc giải bài toán về tạo môi trường công bằng, bình đẳng, nghiêm minh... chứ không phải bằng phân biệt, càng không nên phân biệt không tương xứng giữa các thành phần kinh tế do chính mô hình cũ đã tạo ra. Ông Lai khẳng định: “Một trong những nghịch lý là chúng ta luôn luôn hô hào về việc “coi khoa học – công nghệ là động lực”; “coi giáo dục – đào tạo là quốc sách”; “coi hiền tài là nguyên khí quốc gia”... Nhưng trên thực tế, cả 3 chủ trương rất đúng đắn nói trên chủ yếu còn nguyên là niềm mong ước, là “chủ trương” trong tư duy chứ chưa biểu hiện đáng kể trong hành động”. Chính vì vậy, ở tầm quốc gia, theo ông Lai, cần phải thành lập Quỹ phát triển khoa học – công nghệ (KH-CN) quốc gia để tạo cú hích và thường xuyên đỡ đầu cho các lực lượng nghiên cứu KH-CN phát triển, để ngày càng có nhiều nhà khoa học đầu đàn, nhiều tổng công trình sư tài năng, có uy tín và có khả năng làm cho nước ta sớm có đủ sức tiếp cận và sáng tạo công nghệ mới ở mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, đáp ứng cho chiến lược phát triển kinh tế đất nước thời kỳ hậu WTO; Ở cấp doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích mở Quỹ phát triển KH-CN để khoa học, công nghệ đi được nhiều hơn vào cuộc sống.

Bìa sách “Bác Hồ với doanh nghiệp và doanh nhân VN” do VCCI tuyển chọn và giới thiệu. NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 2003

Trong khi đó, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam thì cho rằng dự thảo Báo cáo chính trị là văn kiện rất toàn diện, được nghiên cứu công phu. Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được nêu trong Dự thảo là phù hợp với các quy luật kinh tế khách quan, yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực trạng của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong Dự thảo vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm: một số nhận định còn chung chung, chưa đủ sức thuyết phục. Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong 5 năm tới chưa được chứng minh với đầy đủ căn cứ khoa học. Dự thảo đã nêu ra khá nhiều lĩnh vực cần ưu tiên và tập trung phát triển, song chưa chỉ rõ, trong số những lĩnh vực đó, lĩnh vực nào, ngành nào là ưu tiên và tập trung hơn? Mục tiêu "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" chưa có tư duy đột phá, vẫn đi theo lối mòn từ những thập kỷ trước… Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, cần có nghị quyết về tập trung sức giải quyết, tháo gỡ ngay những "nút thắt" về an sinh xã hội; nghị quyết về nâng cao phẩm chất, đạo đức và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; trong quản lý kinh tế, cần khắc phục ngay tình trạng thiếu nghiêm minh trong việc sử dụng vốn của Ngân sách nhà nước; thúc đẩy nhanh hơn nữa sự hình thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Những nội dung liên quan tới chính sách phát triển kinh tế, vấn đề thể chế và những chủ trương, giải pháp phát triển doanh nghiệp được đề cập chính yếu tại Hội nghị và phần lớn đều nêu lên nhiều giải pháp thiết thực góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng sắp tới.

TV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất