Hiện lực lượng này có gần 7.000 binh sỹ, gần 700 cảnh sát và 2.000 nhân viên dân sự.
Chiều cùng ngày, Hội đồng Bảo an cũng đã tiến hành các cuộc tham vấn khẩn cấp về tình hình Nam Sudan để xem xét những đề nghị của ông Ban Ki-moon và dự kiến công bố một quyết định trong ngày 24/12.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cho biết quân đội nước này đã triển khai khoảng 150 lính thủy đánh bộ tới một căn cứ ở vùng Sừng châu Phi để sẵn sàng cho khả năng tiến hành các đợt sơ tán công dân Mỹ tiếp theo khỏi quốc gia châu Phi này.
Theo đó, nhóm phản ứng nhanh thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã được điều từ Căn cứ Không quân Moron tại Tây Ban Nha tới một căn cứ thủy quân lục chiến ở Djibouti, qua đó cho phép Mỹ có thể triển khai quân tới Nam Sudan nhanh hơn một khi được yêu cầu.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 23/12 thông báo cung cấp 50 triệu euro viện trợ nhân đạo cho Nam Sudan nhằm tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra ở nước này.
Cũng trong ngày 23/12, Ai Cập đã quyết định cử một đặc phái viên đến Nam Sudan trong nỗ lực giúp chính phủ nước này thu hẹp khoảng cách với lực lượng nổi dậy ủng hộ cựu Phó Tổng thống Riek Machar, vốn giao tranh dữ dội với quân đội chính phủ trong những ngày gần đây, đồng thời xem xét triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Nam Sudan đang phải sơ tán do bạo lực.
Phát biểu ngày 23/12, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir khẳng định quân đội nước này đã lên kế hoạch giành lại quyền kiểm soát các khu vực bị các lực lượng chống đối chiếm giữ, trong đó có các khu vực quan trọng giàu dầu mỏ.
Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc gặp với giới chức Mỹ cùng ngày, ông Salva Kiir tuyên bố sẵn sàng đàm phán với cựu Phó Tổng thống Riek Machar mà không có các "điều kiện tiên quyết" nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay.
Về phần mình, ông Riek Machar, người bị cáo buộc âm mưu tiến hành đảo chính tuần qua, cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với chính phủ, song yêu cầu Tổng thống Salva Kiir trước tiên phải trả tự do cho các đồng minh chính trị của ông này.
Cựu quan chức này cũng cho biết các tay súng nổi dậy đang kiểm soát các mỏ dầu tại các bang Unity và Upper Nile nước này. Tuy nhiên, Chính phủ Nam Sudan khẳng định sẽ không chấp nhận yêu sách đòi thả các chính trị gia bị bắt giữ liên quan đến “âm mưu đảo chính bất thành.
Trong khi đó, giao tranh tiếp tục leo thang giữa quân đội Nam Sudan và lực lượng nổi dậy tại nhiều khu vực ở nước này trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước khác đang nỗ lực sơ tán công dân khỏi các địa điểm xảy ra xung đột.
Họ cũng đồng thời bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng có thể đưa quốc gia non trẻ nhất thế giới này quay lại thời kỳ nội chiến trước đây khi chưa tách khỏi Sudan.
Theo ước tính, hàng trăm người đã thiệt mạng và hơn 20.000 người đã phải sơ tán khỏi thủ đô Juba kể từ khi bạo lực bùng phát hơn một tuần qua./.
(TTXVN)