Đảng Dân chủ của Thái Lan đang ở trong tình thế phản đối hay ủng hộ bầu cử đều không có lợi.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) ngày 23/12
bắt đầu nhận danh sách đăng ký ứng cử viên cho cuộc tổng tuyển cử vào
ngày 2/2 năm tới. Tuy nhiên, đến nay các bên tại Thái Lan vẫn bất đồng
sâu sắc về việc tiến hành cải cách chính trị và tổ chức tổng tuyển cử
sớm. Phe đối lập đã tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới và kêu gọi
người biểu tình tiếp tục xuống đường cản trở việc đăng ký ứng cử viên.
Các nhà phân tích nhận định đảng Dân chủ
đối lập đang ở vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và sẽ gặp nhiều bất
lợi hơn nếu họ tẩy chay cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Theo tin từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan, hơn 30 chính đảng, trong đó có đảng
Vì nước Thái cầm quyền của Thủ tướng tạm quyền Yingluck sáng 23/12 đã
đăng ký danh sách ứng cử viên hạ nghị sỹ. Thủ tướng tạm quyền Yingluck
vẫn là ứng cử viên số 1 của đảng Vì nước Thái.
Cho đến nay, cách thức thực hiện tiến
trình cải cách tại Thái Lan đang trở thành nguyên nhân gây bế tắc chính
trị hiện nay ở nước này khi mỗi bên đều muốn bảo vệ và áp đặt quan điểm
của mình đối với phía kia. Phe đối lập yêu cầu trước tiên là cải cách và
sau đó mới tổ chức tổng tuyển cử, trong khi chính phủ tạm quyền của Thủ
tướng Yingluck kiên quyết tổ chức bầu cử theo kế hoạch và sau đó mới
tiến hành cải cách.
Trong một động thái nhằm xoa dịu làn
sóng biểu tình, Thủ tướng tạm quyền Yingluck đã đề xuất thành lập một
Hội đồng cải cách sau bầu cử. Hội đồng này sẽ bao gồm đại diện của tất
cả các giới trong xã hội, trong đó có các học giả, các chính đảng và các
nhóm chính trị.
Theo bà Yingluck, Hội đồng này sẽ có 2
năm để hoàn tất cải cách. Trả lời phỏng vấn báo chí tại tỉnh Udon Thani,
Đông bắc Thái Lan ngày 22/12, Thủ tướng Yingluck nêu rõ: “Chính phủ đã
và đang làm tất cả những gì có thể bao gồm cải cách và giải tán Hạ viện.
Chúng tôi không cố níu kéo quyền lực, song nhiệm vụ của chúng tôi là
bảo đảm bầu cử được tổ chức đúng kế hoạch”.
Theo chủ tịch đảng Vì nước Thái cầm
quyền Charupong Ruangsuwan, bất chấp việc Đảng Dân chủ đối lập có tham
gia bầu cử hay không, đảng Vì nước Thái vẫn nhất quyết sẽ tham gia bầu
cử và dường như các đảng nhỏ cũng có động thái tương tự.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan sau cuộc gặp Thủ
tướng Yingluck đã nhất trí sẽ thực hiện tiến trình chuẩn bị bầu cử theo
kế hoạch mặc dù họ vẫn lo ngại rằng phong trào biểu tình hiện nay có thể
sẽ gây cản trở cho việc đăng ký ứng cử viên.
Trong khi đó, phong trào biểu tình do cựu nghị sĩ đảng Dân chủ Suthep đứng đầu, tuyên bố không chấp nhận kế hoạch trên, đồng thời tuyên bố sẽ ngăn chặn cuộc bầu cử.
Giao thông tại nhiều khu vực ở Bangkok
ngày 22/12 bị tê liệt do hàng chục nghìn người biểu tình xuống đường để
ngăn cản việc đăng ký danh sách ứng cử viên. Một người biểu tình cho
rằng: “Chúng tôi không phản đối bầu cử, song chúng tôi cần tiến hành cải
cách trước tiên để đưa đất nước ổn định và phát triển như trước đây”.
Ông Suthep tuyên bố kế hoạch của người
biểu tình là buộc Thủ tướng Yingluck từ chức để lựa chọn một Hội đồng
nhân dân cùng một thủ tướng mới thực hiện cải cách chính trị theo ý họ.
Các cuộc biểu tình có thể tiếp tục kéo dài nhiều tháng nữa nếu các yêu
cầu của họ không được chấp nhận.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc bầu cử
sắp tới đang đưa Đảng Dân chủ vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trong trường hợp đảng này tẩy chay bầu cử mà các đảng khác vẫn tham gia
tranh cử thì Đảng Dân chủ sẽ bị mất các quyền lợi và vai trò chính trị
trên chính trường Thái Lan. Còn nếu tham gia bầu cử, họ sẽ làm “mất
lòng” những người biểu tình phản đối chính phủ đang xuống đường đòi
ngưng việc bỏ phiếu.
Hồi năm 2006, việc Đảng Dân chủ tẩy chay
bầu cử đã dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị và sau đó là một cuộc đảo
chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Tuy nhiên, các nhà quan
sát cho rằng động thái tương tự lần này sẽ làm đảng này gặp nhiều rủi ro
cho vị thế của mình trong tương lai. Đảng Dân chủ chưa bao giờ chiến
thắng trong một cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan từ năm 1992 đến nay./.
Ngọc Khương/VOV -