Thứ Tư, 27/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 16/6/2011 14:51'(GMT+7)

Công nghệ thông tin, điểm tựa cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống ở Đài viễn thông Bắc Ninh (Tập đoàn Bưu chính viễn thông) Ảnh : Đăng Hồng

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống ở Đài viễn thông Bắc Ninh (Tập đoàn Bưu chính viễn thông) Ảnh : Đăng Hồng

Việc ứng dụng CNTT trong xã hội phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ðã có hơn một phần tư dân số Việt Nam sử dụng in-tơ-nét, gần một phần hai số hộ gia đình có điện thoại cố định, trung bình mỗi người dân có hơn một điện thoại di động, phần lớn cán bộ, công chức cấp trung ương và cán bộ, công chức cấp tỉnh có máy tính, và phần lớn có kết nối in-tơ-nét. Nhiều dịch vụ công đã được thực hiện trực tuyến. Thực tế phát triển cho thấy CNTT là lĩnh vực mà nước ta có khả năng bắt kịp với các nước tiên tiến trong thời gian ngắn, và cũng là lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển các ngành khác mạnh nhất. CNTT trên thực tế đã trở thành điểm tựa cho sự đột phá về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của nước ta.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án 'Ðưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT' trong Quyết định số 1755/2010/QÐ-TTg. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa X tại Ðại hội XI của Ðảng cũng nhấn mạnh phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ tự động, nâng cao năng lực nghiên cứu - ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ði kèm theo các chính sách nêu trên là quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức nhằm thực hiện các phương châm và giải pháp nêu trong các chính sách trên thực tế. Từ đó tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển CNTT ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế, sự phát triển CNTT chưa trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và chưa là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước như tinh thần của Chỉ thị 58-CT/T.Ư đã nêu. CNTT thường chỉ được nhấn mạnh trong những văn bản chính sách hay pháp lý có liên quan trực tiếp đến ngành CNTT chứ ít được đề cập thỏa đáng trong các tài liệu chính sách hay chiến lược phát triển của các ngành công nghiệp khác như du lịch, hàng hải, hàng không, y tế, nông nghiệp, và nhiều ngành khác. Mức độ áp dụng CNTT trong quản lý nhà nước cũng như trong nhiều ngành kinh tế, dịch vụ xã hội ở các cấp còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mức độ ứng dụng CNTT trong nhân dân còn chưa cao. Ở các bộ, ngành và địa phương chưa có sự thống nhất dành cho sự phát triển CNTT, coi CNTT như động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Trong các ngành kinh tế, CNTT là ngành kinh tế vượt trội so với trình độ phát triển chung của đất nước, là ngành có nhiều tiềm năng đuổi kịp các nước phát triển nhất. Ðể biến tiềm năng đó thành hiện thực, CNTT cần có vị trí đặc biệt, cơ chế đặc biệt, và cách tiếp cận sáng tạo không ngừng. Những điều này chỉ có thể có được với sự nỗ lực chung của nhà nước, các hiệp hội, các doanh nghiệp, và toàn xã hội. Cần có sự thống nhất coi CNTT vừa như một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa như một ngành công nghiệp hiện đại có tốc độ tăng trưởng mạnh và có nhiều triển vọng phát triển.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất