Riêng khu vực Đại Nội (Huế), hiện có khoảng 1.500 cây xanh được quản lý bằng công nghệ GIS. Nhìn trên sơ đồ, thể hiện vị trí của cây ở các vị trí cụ thể và nếu muốn biết thông tin về loại cây nào ở vị trí nào, chỉ cần một công cụ Info trên phần mềm Microsoft để thể hiện thông tin của cây xanh đó, dùng công cụ này kích vào sẽ biết được cây tên gì, chu vi, chiều cao, khoảng cách giữa hai cây kế tiếp nhau...
Huế được xem là thành phố của cây xanh, nhất là khu vực các phường xung quanh Đại Nội. Hệ thống cây trồng ở đây rất phong phú, nhiều chủng loại và loại, bao gồm các nhóm cây cho bóng mát thường, nhóm cây bóng mát cho hoa đẹp, nhóm cây ăn quả cho bóng mát cho đến nhóm cây gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế. Trong đó, nhóm cây cho bóng mát chiếm đa số như lim sẹt, bàng, bồ hòn, nhội, vông đồng, cây muối, phượng vĩ... Có nhiều cây là cổ thụ với độ tuổi khoảng trên 50 năm tạo cho Ðại Nội - Huế những nét rất cổ kính.
Riêng khu vực Đại Nội, hiện có khoảng 1.500 cây xanh được quản lý bằng công nghệ GIS. Nhìn trên sơ đồ, thể hiện vị trí của cây ở các vị trí cụ thể và nếu muốn biết thông tin về loại cây nào ở vị trí nào, chỉ cần một công cụ Info trên phần mềm Microsoft để thể hiện thông tin của cây xanh đó, dùng công cụ này kích vào sẽ biết được cây tên gì, chu vi, chiều cao, khoảng cách giữa hai cây kế tiếp nhau...Tiện lợi của việc ứng dụng mô hình này là giúp Công ty công viên cây xanh Huế quản lý hệ thống cây xanh. Từ đó, Thừa Thiên - Huế tính toán xây dựng mật độ cây xanh trên từng tuyến đường sao cho phù hợp, đến kế hoạch tỉa cây trong mùa mưa. Công tác chăm sóc và trồng thêm cây luôn được chú trọng, thường trồng bổ sung, trồng xen vào những khoảng trống, thay vào những vị trí những cây xấu, cây đã chết. Đặc biệt, đối với các tuyến đường mới thành lập, hoặc các tuyến đường cần phải mở rộng để có những quyết sách phù hợp trong việc di dời hoặc trồng mới cây xanh.
Bên cạnh đó, Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học (Đại học Huế) cũng đã giúp thành phố Huế xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về hệ thống thu gom chất thải. Đây được xem là cơ sở để đánh giá hiện trạng hệ thống thu gom chất thải và cung cấp dữ liệu, quy trình để nâng cao công tác quản lý chất thải. Ứng dụng GIS sắp xếp lại hệ thống thu gom chất thải tại tiểu khu quy hoạch Nam Vỹ Dạ, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế), nơi có 71% thùng rác quá tải; 10% chứa ít rác; 53% đặt không hợp lý và hư hỏng 47%, cho thấy, cần thêm 18 thùng rác mới; điều chỉnh 10 vị trí; giữ nguyên 17 thùng; qua đó giải quyết được vấn nạn đổ rác ra bên ngoài thùng rác.
Ứng dụng công nghệ GIS sắp xếp lại hệ thống thu gom chất thải cho cả khu vực Nam sông Hương, nơi có 239 thùng rác với tỷ lệ 6 thùng rác/km2, đã khắc phục được bất cập trong thu gom chất thải ở khu vực có thùng rác quá tải, rác đổ ra vỉa hè, lề đường, bờ sông...Ứng dụng GIS sắp xếp lại hệ thống thu gom chất thải giúp đánh giá được chi tiết hiện trạng hệ thống thu gom và sắp xếp lại hệ thống thùng rác ở nhiều khu vực đối với thành phố Huế, nhằm xây dựng thành phố ngày một xanh, sạch, đẹp.../.
Theo TTXVN