Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 9/7/2018 14:54'(GMT+7)

Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 chủ yếu là sự tăng trưởng vượt trội của ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đà tăng trưởng tốt của khu vực dịch vụ (trong đó ngành bán buôn bán lẻ là yếu tố giữ vai trò then chốt).

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, GDP ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp 2,63 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.  Như vậy, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm gần 2,4% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu gặp thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Liên quan tới vấn đề cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các giải pháp đối phó của Việt Nam về vấn đề này, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, hiện tại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới bắt đầu, có rất nhiều dự báo về ảnh hưởng tới Việt Nam. “Rất nhiều dự báo về cuộc chiến thương mại này. Có ý kiến cho rằng đó là cơ hội tới hàng hóa của Việt Nam, nhưng tôi khẳng định đây không thể là cơ hội. Nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Rất có thể Mỹ sẽ áp dụng chính sách này đối với các nước xuất siêu sang Mỹ. Thuận lợi hay không cần phải nghiên cứu thêm, nhưng thách thức đối với xuất khẩu là thấy rõ”- ông Chinh nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Chinh, giải pháp để đảm bảo xuất khẩu của Việt Nam đó là thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: Tổ chức tốt nguồn hàng, thị trường xuất khẩu và làm tốt khâu tổ chức xuất khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã báo cáo lên Thủ tướng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, trong đó Bộ đã có đánh giá chung và đã có những đề xuất ban đầu. Đây không chỉ là cuộc chiến cạnh tranh thương mại đơn thuần, đồng thời cảnh báo Mỹ không chỉ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà còn chủ động áp dụng nhiều chính sách về thuế và rào cản thương mại với cả các đồng minh của mình. “Diễn biến của chính sách này rất khó lường. Từ cuộc chiến này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu. Chúng ta cần định hướng rất rõ, nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Bộ trưởng cũng cảnh báo việc Mỹ áp hàng chục sắc thuế với hàng hóa Trung Quốc hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ chảy vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. “Hoàn toàn có nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào nội địa Việt Nam. Chúng ta cần đặt ra vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này. Không chỉ là Bộ Công Thương, mà còn là cơ quan Thuế, Hải quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng... Cần xem lại luật cạnh tranh, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh./.

 VŨ DUNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất