Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 24/4/2009 18:4'(GMT+7)

Công nghiệp phần mềm Việt Nam: Thách thức lớn lên - cơ hội giảm dần

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA phát biểu tại hội thảo

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA phát biểu tại hội thảo

Nguy cơ "giậm chân tại chỗ"

Đã có lúc các DNPM VN lạc quan với mức độ tăng trưởng của mình. Thậm chí nhiều lúc ngành CN này còn tỏ ra lạc quan thái quá với việc đặt ra những mục tiêu xa vời hơn những gì có thể đạt được. Tuy nhiên, con số tăng trưởng 30% của những năm trước đây cũng đã là một thành công.

Nhưng theo các chuyên gia, thành công này cũng chỉ dừng lại ở những con số. Đó là việc các DNVN tăng trưởng về doanh thu, gia tăng số lượng những hợp đồng. Tóm lại đây chỉ là thành công về mặt gia công sản phẩm từ các đơn hàng nước ngoài. Trong khi đó những công nghệ nguồn, tăng trưởng nhân lực, nghiên cứu - những vấn đề cốt lõi cho sự tăng trưởng bền vững thì hầu như không có gì.

Chính vì thế, đến năm 2008 thì CNPM VN bắt đầu gánh chịu hệ lụy của sự tụt hậu và khủng hoảng kinh tế. Thay cho kỳ vọng 30% tăng trưởng hằng năm; năm 2008, tỉ lệ này chỉ là dưới 20%. Nhưng bi quan hơn, hầu hết các chuyên gia cho rằng năm 2009 này, tỉ lệ này chỉ là 10%. Cá biệt, không ít chuyên gia cho rằng DNPM VN sẽ không tăng trưởng trong năm 2009 này.

Sở dĩ có những nhận định bi quan này là bởi có quá nhiều những dự án bị hủy bỏ. Bên cạnh đó, cũng có không ít khách hàng và thị trường... biến mất trong danh sách xuất khẩu của VN. Thậm chí dù chưa đầy 4 tháng trôi qua, nhiều DNPM phải điều chỉnh giảm mục tiêu 2 - 3 lần.

"Ngắn" có nuôi được "dài"?

Có thể trả lời ngay rằng: Năm 2009 này, CNPM VN gần như không có cơ hội, triển vọng gì để phát triển và tăng trưởng. Vì thế, chính sách "lấy ngắn nuôi dài" đã được tính đến. Các chuyên gia và DN cho rằng: Một mặt DNVN phải cơ cấu lại để vượt khó; bên cạnh đó, vẫn cần nâng cao năng lực nguồn nhân lực, cầm cự chờ cơ hội.

Tuy nhiên, ngay cả với thách thức này thì DNVN đã không dễ vượt qua. Nhiều DN cho rằng liệu "ngắn" có nuôi được "dài", khi mà lấy đâu ra tiền để "nuôi quân"? Một thực tế là ngay cả "đại gia" FPT cũng đã phải sa thải không ít lao động.

Nhưng, một lo ngại sâu xa hơn là trong khi VN đặt mục tiêu "tăng quân" cho CNPM để chuẩn bị cho tương lai; thế nhưng khi không nhìn thấy đầu ra việc làm, số đông nhân lực trẻ đã chuyển hướng  theo học những lĩnh vực khác. Điều này xem ra rất khác biệt bởi trong khi CNPM VN giảm sút; song Trung Quốc, Ấn Độ lại vẫn duy trì sự tăng trưởng ngoạn mục gần 30%. Đặc biệt, đây cũng đang là những thị trường nhân lực lớn, cạnh tranh trực tiếp với VN. Lý do để có được điều này là ngoài nguồn nhân lực dồi dào, các quốc gia này còn biết lấy thế mạnh "giá rẻ" trong ngắn hạn nhằm duy trì sức mạnh dài hạn.

Với tất cả những thách thức này, các chuyên gia và DN cho rằng CNPM của VN chỉ có thể đứng vững, chờ cơ hội khi có được sự hậu thuẫn chắc chắn từ Chính phủ. Cụ thể, ngoài vấn đề trước mắt là cải cách hành chính, bảo hộ bản quyền, chính sách khuyến khích sản xuất tiêu dùng nội địa, chi 980 tỉ đồng hỗ trợ CNPM... thì vấn đề mấu chốt vẫn là chiến lược đào tạo, thậm chí là "xuất khẩu" nhân lực CNPM.

Các chuyên gia nhận định, nếu không duy trì được nguồn lực này, CNPM VN không chỉ suy giảm trước mắt, mà sẽ còn đánh mất cơ hội trong tương lai.

Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất