Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 23/5/2013 10:17'(GMT+7)

Công nhân đi học

(Ảnh minh hoạ: Báo Thanh niên))

(Ảnh minh hoạ: Báo Thanh niên))

Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, phong trào công nhân đi học ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu… rất sôi nổi. Theo Quỹ Hỗ trợ công nhân ở TP Hồ Chí Minh, do nhu cầu của công việc và để đáp ứng với thời đại công nghiệp tiên tiến, phong trào công nhân đi học năm nay đã tăng gấp 3 lần so với năm 2010.

Thời gian qua, suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động lớn đến nền kinh tế nước ta, làm cho nhiều doanh nghiệp phải giải thể, hoặc phải thu hẹp sản xuất. Điều này cũng khiến rất nhiều công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, thiếu việc làm. Nhưng không vì thế mà nhu cầu đi học để mở mang kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người lao động lại giảm đi. Đó là một điều vô cùng đáng mừng. Việc người công nhân tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi, tiết kiệm những đồng tiền ít ỏi để đến các lớp học ngoại ngữ, các lớp học nghề nâng cao, khiến xã hội phải trân trọng. Tinh thần hiếu học của công nhân không chỉ là tinh thần vượt khó để trang bị thêm cho họ những kiến thức về khoa học-kỹ thuật, hiểu biết ngoại ngữ, mà còn bổ sung cho các doanh nghiệp, cho xã hội một lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập của đất nước.

Tuy nhiên, công nhân đến trường là con đường đầy gian nan, thử thách. Họ phải vượt qua những trở ngại về áp lực thời gian làm việc, sắp xếp công việc gia đình và lo tiền đóng học phí. Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ công nhân TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình “Tiếp sức công nhân đến trường”, hỗ trợ công nhân vay vốn đi học với lãi suất 0%, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí giúp công nhân đến trường với số tiền hàng chục tỷ đồng. Quỹ còn phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức Hội thảo “Hãy là người doanh nghiệp cần”, cung cấp cho công nhân những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích trong công việc, xác định mục đích sống, định hướng tương lai… Ngoài Quỹ Hỗ trợ công nhân ở các tỉnh, thành phố, một số doanh nghiệp tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng có nhiều cách giúp công nhân đi học như tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ một phần kinh phí, liên doanh với những cơ sở dạy nghề để tổ chức các lớp học tại công ty.

Tiếp sức công nhân đến trường không chỉ là một việc làm cần thiết, là một phương pháp tích cực để chống thất nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân, mà còn là một việc làm đầy tính nhân văn. Để có nhiều công nhân được đến trường, rất cần sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và trường học, cơ sở dạy nghề, tạo điều kiện cho công nhân được đào tạo, đào tạo lại và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ. Với sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường và cá nhân người học, chắc chắn công nhân sẽ có điều kiện tốt để học tập./.

Lê Phi Hùng (QĐND)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất