Thứ Tư, 27/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 27/4/2016 20:32'(GMT+7)

Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số ở vùng tái định cư Mường Lay

Nghệ thuật Xòe Thái" là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nghệ thuật Xòe Thái" là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Thị xã Mường Lay, được thành lập theo Nghị định 25/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ, nằm ở phía Bắc tỉnh Điện Biên, có 03 đơn vị hành chính trực thuộc, có 49 tổ dân phố, bản với quy mô dân số 11.176 người, có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, có 73,5% là dân tộc Thái, 18% Kinh, 6,5% Mông, còn lại là các dân tộc: Hoa, Thổ, Dao, Tày, Nùng, Mường.

Thị xã Mường Lay, khi xây dựng Thủy điện Sơn La là một công trường lớn, để thực hiện việc di dân, tái định cư khỏi vùng lòng hồ thủy điện Sơn La cho gần 3.600 hộ dân tại các khu tái định cư. Trong quá trình xây dựng và phát triển, thị xã Mường Lay đã bị các yếu tố khách quan tác động, ảnh hưởng đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số như: Khi thực hiện công tác di dân, tái định cư tại vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, thì các giá trị văn hóa vật thể như: Bản làng, cây cối, hoa màu, cảnh quan, đồng ruộng, mồ mả...của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây, đã bị chìm ngậy trong lòng hồ. Khi đến nơi ở mới cũng gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, theo đó là các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và các phong tục tập quán cũng bị ảnh hưởng, mai một. 

Vượt lên những khó khăn, thách thức ấy, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và của tỉnh Điện Biên. Hiện nay, Mường Lay đang dần hình thành vóc dáng phát triển của một Đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng trên bến, dưới thuyền mang đậm nét văn hóa các dân tộc thiểu số. Để người dân yên tâm định cư ở nơi ở mới, biết giữ gìn, bảo tồn được các giá trị văn hóa. Thị ủy Mường Lay, đã chỉ đạo xây dựng Đề án: bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020. Qua công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 29/30 bản, trong đó có 25 bản dân tộc Thái trắng, 04 bản dân tộc Mông các di sản văn hóa còn lại, công tác bảo tồn được đánh giá cao so với mặt chung toàn tỉnh. Hiện nay, thị xã Mường Lay có hai di sản văn hóa dân tộc là "Nghệ thuật xòe Thái" và "Lễ Kin pang then" của người Thái trắng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, "Lễ Kin pang then" được Tỉnh Điện Biên lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hiện công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc, đã được gắn với Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đến nay, Mường Lay có 34/49 tổ dân phố, bản có Đội văn nghệ và thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa đáp được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là các Đội văn nghệ còn tham gia giữ gìn những bài hát, điệu múa dân tộc, trong đó có 9 điệu múa của người Thái cổ; 100% xã, phường có Quy ước trong việc cưới, việc tang và lễ hội, một số hủ tục lạc hậu trong đời sống đang dần được loại bỏ, có 38/49 tổ dân phố, bản và 2.421 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa. Các môn thể thao dân tộc được lưu giữ và tổ chức thi đấu trong các ngày hội của dân tộc như: Tung còn, Tó má lẹ, đi cà kheo, đánh Tù lu, đẩy gậy...từ đó đã tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc về các nét văn hóa trên địa bàn Thị xã. 

Bên cạnh đó, là việc lưu giữ bảo tồn tiếng Thái và chữ Thái trong Nhân dân, cũng được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc đặc biệt quan tâm, thời gian qua Thị xã đã tổ chức học tiếng Thái và chữ Thái, tại trường Tiểu học Lay Nưa và đã mở được 22 lớp cho 552 học sinh; sưu tầm được 3 bộ sách bằng chữ Thái trong đó còn lưu giữ được rất nhiều cách hướng dẫn thực biện các phong tục tập quán được người Thái Mường Lay lưu giữ qua bao đời nay đã bị mai một hoặc không còn tồn tại trong Nhân dân. Từ năm 2015, Mường Lay đã phục dựng và tổ chức thành công Lễ hội đua thuyền đuôi én, bước đầu đã thu hút được đông dảo Nhân dân hưởng ứng và thu hút khách du lịch đến với thị xã. Công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đã góp phần nâng mức hưởng thụ văn hóa trong nhân dân, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, giai đoạn 2010 -2015 với bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 10%/năm so với hộ nghèo hiện có, Đảng bộ thị xã phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 2.500.000đ/người/tháng.

Đồng chí Lò Thị Minh Phượng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Mường Lay cho biết: "Trước sự tác động của xu thế hội nhập đã làm cho các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Thị xã đang đứng trước nguy cơ mai một. Do vậy, công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung tay của toàn xã hội. Để thực hiện việc này, trước hết Thị xã sẽ quyết tâm thực hiện có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, để thị xã Mường Lay sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách trong vòng cung du lịch Tây Bắc trong một thời gian không xa".

Đến Thị xã Mường Lay hôm nay, là đến với mảnh đất vùng ngã ba sông, đang chuyển mình trong phát triển kinh tế - xã hội, là nơi được lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Thiểu số. Đây sẽ là yếu tố quan trọng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, để Mường Lay đẩy mạnh phát triển Kinh tế - xã hội trong thời gian tới./. 

Khánh Toàn - Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Điện Biên


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất