Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 22/4/2016 11:10'(GMT+7)

PGS. TS. Nhà văn Văn Giá: Nói đến nhà văn, phải nói bằng tác phẩm

PGS. TS. Nhà văn Văn Giá.

PGS. TS. Nhà văn Văn Giá.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện trước thềm hội thảo với PGS. TS. Nhà văn Văn Giá, Trưởng Khoa Viết văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Phó trưởng ban tổ chức hội thảo.

- Dễ nhận thấy nhiều cuộc hội thảo văn chương quy mô thời gian gần đây nặng về phần “hội” mà nhẹ về phần “thảo”, ai nấy đều đọc tham luận dài lê thê, ít tranh biện, đối thoại, “xong xuôi tất cả lại về” sau khi nghe kết luận “hội thảo thành công tốt đẹp”. Với hội thảo quy mô lần này, phía Ban tổ chức đã lên những ý tưởng khả dĩ như thế nào nhằm hướng đến hàm lượng tính hiệu quả ở mức cao nhất, thưa ông?

PGS. TS. Nhà văn Văn Giá: Chúng tôi cũng lường trước chuyện này, nên tìm cách tổ chức thế nào đó vừa đạt chất lượng, vừa tránh được những nhược điểm cần tránh. Thứ nhất, yêu cầu các diễn giả lên trình bày tham luận chỉ nói vắn tắt vấn đề trọng tâm, lô-gích vấn đề được triển khai thông qua các luận điểm chính, không cần diễn giải cụ thể, không cầm bản tham luận rồi đọc tràng giang đại hải (vì đã in trong kỷ yếu rồi). Thứ hai, mỗi tham luận được chọn trình bày, chúng tôi đã đặt một người đọc trước để phản biện. Trong vai trò này, người (được giao) phản biện sẽ có ý kiến trao đổi đầu tiên, sau đó mới là các ý kiến thảo luận, phát biểu nảy sinh tại hội thảo. Chúng tôi khuyến khích đối thoại trực tiếp trên tinh thần trí thức, tôn trọng lẫn nhau, lấy tiêu chí học thuật làm trọng.

- Ông có thể nói về “tính quan niệm” của cái tên mà hội thảo lần này lựa chọn đặt: “Thế hệ nhà văn sau 1975”?

PGS. TS. Nhà văn Văn Giá:

Đặt tên hội thảo là “Thế hệ nhà văn sau 1975”, chúng tôi muốn nhấn mạnh đây là câu chuyện của thế hệ… Thứ nhất, thế hệ nhà văn sau 1975 là thế hệ tiếp nối và khác với thế hệ trước 1975, vẫn thường hay gọi là thế hệ nhà văn chống Mỹ, cứu nước. Thứ hai, xoáy vào thế hệ ngay sau 1975, tức những người cầm bút và trưởng thành từ năm 1975 trở đi. Thứ ba, do hội thảo cần phải có tính tập trung cao, nên không thể kéo dài sang những người viết và trưởng thành sau những năm 70 (của thế kỷ trước) cho đến tận bây giờ được, mà chỉ dồn trọng tâm vào thế hệ tiếp liền với thế hệ trước 1975. Nếu xét độ tuổi, “thế hệ nhà văn sau 1975” mà hội thảo hướng tới đa phần sinh vào thập niên 50, 60 của thế kỷ 20. Thế hệ này, nhiều người vẫn quen gọi là thế hệ hậu chiến. Chúng tôi không sử dụng từ “hậu chiến”, mà lấy cách diễn đạt “sau 1975” cho nó… trung tính hơn.

 - Về thành tựu của thế hệ nhà văn sau 1975, ông tâm đắc với thành tựu nào nhất?

PGS. TS. Nhà văn Văn Giá: Nói đến nhà văn, phải nói bằng tác phẩm. Nhà văn được gọi là nhà văn chỉ khi có tác phẩm, nhất là tác phẩm sáng giá. Sau 1975, thành tựu đi trước là văn xuôi. Nó được khẳng định bởi hàng loạt các tác phẩm xuất hiện liên tục của các nhà văn như: Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Nhật Ánh… Sau văn xuôi là thơ, bộ ba cách tân thơ đầu tiên vào những năm 1989-1992 đó là Dương Kiều Minh với tập "Củi lửa" (1989), Nguyễn Lương Ngọc với "Từ nước", "Ngày sinh lại" (1991), rồi đến Nguyễn Quang Thiều với "Sự mất ngủ của lửa" (1992). Tiếp nối những thành tựu này, còn khá nhiều cây bút khác hợp thành gương mặt thế hệ như chúng tôi đã tạm liệt kê trong thư mời viết tham luận, và danh sách đó còn cần được mở rộng ra hơn thế nữa. 

- Một tiến sĩ văn học trẻ đã viết rằng: “Nghe ti vi bàn về văn học Đổi mới, thấy hóa ra văn học nước nhà đáng lạc quan quá đi mất. Một nền văn học cái gì cũng có, trào lưu gì cũng có, đề tài gì cũng có…”. Bên cạnh chủ âm đồng ca thành tựu thì những-tiếng-nói-khác mà ông mong đợi cất lên một cách thẳng thắn, chân thành, đầy thiện chí xây dựng tại hội thảo lần này là gì, thưa ông?

PGS. TS. Nhà văn Văn Giá: Tôi hy vọng hai điều. Thứ nhất, thế hệ nhà văn sau 1975, nhiều người gọi là thế hệ hậu chiến, cần được ghi nhận là lực lượng chính làm nên công cuộc cách tân và đổi mới văn học. Nói như vậy, không phải là nói lấy được, cũng không phải là xem nhẹ ai, mà có cơ sở thực tiễn của nó như đã thấy. Ai cũng hiểu rằng, để có sự đổi mới văn học mạnh mẽ và nhiều thành tựu đến vậy của thế hệ hậu chiến, phải có những khởi động, cựa mình, chúng tôi gọi là khúc dạo đầu cho công cuộc đổi mới. Đó là các nhà văn lớp chống Mỹ, cứu nước: Với văn xuôi có Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu...; với thơ có Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Thi Hoàng, Trúc Thông… Ấy là chưa kể đến lực lượng làm lý luận-phê bình, dịch thuật, xuất bản, và rộng ra là bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa nữa. Một số trong những gương mặt vừa kể cũng tham gia vào trào lưu đổi mới kéo dài, nhưng rõ ràng, họ không còn là lực lượng chủ lưu nữa, mà phải nhường cho thế hệ kế tiếp. Thứ hai, bên cạnh những thành tựu, đóng góp, cũng cần chỉ ra giới hạn, hạn chế của thế hệ nhà văn sau 1975, và thực tế cũng cho thấy họ đang bị/được các thế hệ 7X, 8X, 9X thay thế dần. Đó là quy luật tất yếu của sự kế thừa, không gì và không ai có thể ngăn cản được.

- Một nhà nghiên cứu đã đưa ra hình dung văn học sau 1975 như mặt cắt ngang của một thân cây, với cấu trúc như sau: 1 - Vòng trong cùng, giữ vị trí trung tâm, thuộc về hệ hình văn học tiền-hiện đại; 2-Vòng kế tiếp thuộc về hệ hình văn học hiện đại; 3-Vòng ngoài cùng, giữ vị trí bên lề, thuộc về hệ hình văn học hậu-hiện đại. Có nghĩa là, văn học Đổi mới đã đổi mới không đồng bộ về quan niệm nghệ thuật, và hệ hình văn học hiện đại chưa chiếm giữ được vai trò chủ đạo…

PGS. TS. Nhà văn Văn Giá: Đấy cũng chỉ là một cách hình dung thôi. Ở Việt Nam, do đặc thù, không có một khuynh hướng nào triệt để, mà bao giờ cũng đan xen, hỗn dung, tái hợp và tích hợp. Nếu xét về tính chất (hay dấu hiệu) thì có khá nhiều trường hợp vừa thế này, vừa thế khác.

- Tại buổi tọa đàm “Văn học 30 năm Đổi mới” do Báo Văn Nghệ vừa tổ chức, rất nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, chủ thể khởi động, khai phóng, tạo trường ảnh hưởng, góp phần lớn làm nên diện mạo, sức vóc của văn học Đổi mới đa phần là các nhà văn mặc áo lính. Chẳng biết ông có đồng tình?

PGS. TS. Nhà văn Văn Giá: Điều đấy thì hẳn nhiên rồi. Đất nước mình chiến tranh liên miên, ai cũng có liên quan ít nhiều đến cuộc chiến. Nhưng tôi tin, nếu còn sống, những "cánh chim báo bão” như nhà văn Nguyễn Minh Châu sẽ không muốn định vị mình chỉ là nhà văn quân đội. Đơn giản, các ông là nhà văn-nhà văn của đất nước này, dân tộc này. Thế thôi!

- Trân trọng cảm ơn PGS. TS. Nhà văn Văn Giá!

(Theo: Thiên Thai/Báo QĐND)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất