1. Phải thường xuyên phòng và chống kẻ địch “nội xâm”
Đặc biệt quan tâm vấn đề đạo đức cách mạng và rèn luyện đạo đức cách mạng, ngay từ những năm 1925 - 1927, khi chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng cho lớp cán bộ cốt cán đầu tiên của Đảng. Không phải ngẫu nhiên, Người yêu cầu người cách mạng: “Tự mình phải “hoà mà không tư”, “cả quyết sửa lỗi mình”, “vị công vong tư”, không hiếu danh, không kiêu ngạo”, “ít lòng ham muốn về vật chất”, v.v..; Đối người phải “với từng người thì khoan thứ”, “có lòng bày vẽ cho người”, “hay xem xét người”, và làm việc phải “phục tùng đoàn thể”[1]. Theo Người, sự rèn luyện và nêu gương đạo đức cách mạng, trong đó có phòng và chống chủ nghĩa cá nhân là một trong những yêu cầu quan trọng để xây dựng một Đảng Mácxít chân chính.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là vết tích xấu xa của xã hội cũ, “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”[2]. Đó là thứ vi trùng mẹ, đẻ ra nhiều bệnh khác, trái với đạo đức cách mạng và chừng nào nó còn lại trong mình, dù thật ít, chừng đó, nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Người chỉ ra một số biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như kiêu ngạo, quan liêu, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, kiêu ngạo, chia rẽ, địa phương chủ nghĩa, ưa dùng những người cánh hẩu với mình,v.v.. coi đó là những vi khuẩn thâm nhập vào “cơ thể Đảng”, là “kẻ địch nội xâm” trong Đảng, làm suy thoái cơ thể Đảng, làm giảm đi nguồn sức mạnh nội lực, sự đoàn kết thống nhất của Đảng và biến Đảng trở thành xa lạ, đối lập với nhân dân.
Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, đã có những cán bộ, đảng viên được giao trọng trách đảm nhiệm những vị trí trọng yếu trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về đạo đức, lối sống, ngày càng rời xa nhân dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng.Tiên lượng trước những thuận lợi cùng khó khăn trong quá trình xây dựng chế độ xã hội mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngay từ những ngày đầu nước nhà mới giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã tuyên bố chống lại những thói hư, tật xấu, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, xây dựng một Chính phủ liêm khiết với đội ngũ cán bộ là “công bộc của dân”. Tuy nhiên, trong thực tế, do sa vào chủ nghĩa cá nhân, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức đã có những biểu hiện: ngại gian khổ, khó khăn, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, ngày càng xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh... Họ luôn “dùng của công làm việc tư”, “ham địa vị, hay lên mặt”, chỉ ưa người khác “tâng bốc mình, khen ngợi mình”, “ưa sai khiến người khác”, “không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn làm thế nào thì làm thế ấy”, “tỏ ra khinh thường kỷ luật của Đoàn thể, làm rối loạn hàng ngũ của Đoàn thể”,v.v.. Theo lời Người, đó là những người chưa cần, kiệm, liêm, chính; chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”; “họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của riêng mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”[3]. Họ là những người “tự thấy mình cái gì cũng giỏi”, kiêu ngạo, hiếu danh, tự ái, thiếu kỷ luật, chủ quan, hẹp hòi, ích kỷ, tham lam, “luôn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc”, luôn “tự tư tự lợi”, gây mất đoàn kết, chia rẽ khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, làm mất dân chủ trong Đảng. Kết quả là quần chúng không ưa, không phục, càng không yêu quý họ, rời xa họ và chung quy là họ “không làm nên trò trống gì”.
Hồ Chí Minh nêu rõ, những người cá nhân chủ nghĩa đã “dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”[4], đã ỷ thế vào quyền hạn và trách nhiệm được trao, ỷ thế vào quyền lực tại các cơ quan công quyền, để kéo bè kéo cánh, chăm chú cho lợi ích của nhóm mình, dòng họ và địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Đối với họ, “ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”[5]…Thực trạng này rất nguy hiểm, dẫn đến “ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình… Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình…Vì thế mà người ta uất ức và mình thành ra cô độc”[6]. Những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa này dù dưới hình thức nào cũng đều “rất tai hại cho Đảng, làm hại cho sự thống nhất”, “làm cho Đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc”, khiến cho tổ chức “không thể phát triển”, vì làm mất sự thân ái, đoàn kết, gây mối nghi ngờ giữa những người đồng chí, không chỉ làm rạn nứt khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm giảm đi nguồn sức mạnh của Đảng, tính tiền phong của đội ngũ cán bộ đảng viên mà còn đe dọa sự tồn vong của một Đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”[7] và “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”[8], song “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách, sở trường, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, coi chủ nghĩa cá nhân là một trong những nguyên nhân sâu sa dẫn đến nguy cơ suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đã không chỉ nêu ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, Người còn đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ: “Phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”[9]; phải “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” - kẻ địch “nội xâm” gây mất đoàn kết, phá hỏng tổ chức, phá vỡ kỷ luật của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
2. Gắn học tập và làm theo Bác với phòng và chống chủ nghĩa cá nhân theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII
Thực hiện lời căn dặn và những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, trong gần 90 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đa số cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, gắn bó với nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện: “1) Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. 2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành… 4) Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”. 5) Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân... 7) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. 8) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nêu. Từ đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thể hiện quyết tâm chính trị cao và mạnh mẽ của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng khi xác định rõ phải kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng.
Để chống nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền và xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, hơn bao giờ hết, cuộc đấu tranh phòng và chống chủ nghĩa cá nhân có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 101-QÐ/TW quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 47-QÐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân; phải nghiêm túc tự phê bình và phê bình trên cơ sở có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, để cùng nhau tiến bộ và đoàn kết; phải giữ nghiêm kỷ luật Đảng; phải tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân. Các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; coi đây là giải pháp đột phá, căn cốt để xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Luận điểm Hồ Chí Minh nêu ra: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[10], không chỉ phản ánh đúng thực tiễn, mà còn luôn là lời cảnh tỉnh, có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời thường. Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, để cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân mang lại hiệu quả cao, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới và trên cơ sở những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; được thực hiện theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”, “xây đi đôi với chống”, “xây là chủ yếu, chống là quan trọng”... chính là nhằm thiết thực “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, ngăn chặn những những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để Đảng luôn khoẻ mạnh, đủ sức mạnh chống lại các loại kẻ thù.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, cấp ủy các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chú trọng giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, soi chiếu với 27 biểu hiện suy thoái như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định (9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ). Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về phòng, chống chủ nghĩa cá nhân đi liền với chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên; đưa việc học và làm theo Bác trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có khả năng đề kháng tốt với chủ nghĩa cá nhân. Phát huy tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, trong đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm... Đồng thời, mở rộng dân chủ trong Đảng, trong toàn xã hội để đoàn kết, động viên và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với biểu dương, nhân rộng các gương điển hình trong học và làm theo Bác, trong đấu tranh phòng và chống tham ô, tham nhũng... Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thực hiện kiểm tra, giám sát có hiệu quả, đồng bộ từ trên xuống và từ dưới lên, nhằm kịp thời phát hiện những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm để có biện pháp sửa chữa nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, thực dụng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm,v.v.. bởi: Đảng trong sạch sẽ giữ vai trò quyết định để Đảng vững mạnh!.
TS. Văn Thị Thanh Mai
------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.2, tr.260
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.284
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.438
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.255
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.77
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.255-256
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.292
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.291
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.439
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.557-558