Thứ Ba, 1/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 9/11/2010 11:5'(GMT+7)

Công tác Giáo dục Đào tạo, Dạy nghề các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm học 2010-2011

Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên bao gồm 13 tỉnh, là địa bàn chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước; giàu khoáng sản, tiềm năng thủy điện rất lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp và có tiềm năng phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao. Thành phần dân tộc ở khu vực này cũng rất đa dạng ngoài dân tộc Kinh chiếm hơn 70% và gần 20 dân tộc thiếu số như: Hrê, Cor, Ca Dong, Chăm, Gia rai, Ê đê, Mnông, Bana, Xơđăng, Giẻ triêng, Cơ ho, Mạ, Chu ru, Raglai, Rơman, Brâu…

Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ nhiều mặt, giáo dục-đào tạo ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã có những thay đổi quan trọng. Mặt bằng dân trí được nâng lên một bước đáng kể. Tuy nhiên, với một địa bàn đặc biệt như khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, dân số thưa, nhiều dân tộc ít người sinh sống, rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, một số xã còn chưa có điện, điều kiện sống thiếu thốn, trình độ dân trí còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Qua năm học 2010-2011 về lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên bám sát vào nội dung Thông báo Kết luận 242-KL/TW, ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020”. Chất lượng giáo dục đã có bước chuyển biến khá, công tác xã hội hóa giáo dục bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận so với năm học 2009-2010 thể hiện ở những điểm sau:

- Về tình hình khai giảng năm học 2010-2011: Các trường trên địa bàn khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã tổ chức tốt ngày toàn dân đưa trẻ đến trường theo đúng quy chế, kế hoạch năm học 2010-2011 với Chủ đề: “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”; Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với những việc làm cụ thể, sáng tạo, thiết thực, gắn với các cuộc vận động của ngành giáo dục như “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức về tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” các đồng chí lãnh đạo địa phương đã tham gia dự lễ khai giảng động viên các thầy cô giáo và học sinh nhân dịp năm học mới.

- Về qui mô, mạng lưới trường lớp, số lượng học sinh: So với năm học 2009-2010, năm học 2010-2011 mạng lưới trường lớp ở tất cả các bậc học (từ mầm non đến trung học phổ thông) được đầu tư, xây dựng phát triển rộng trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, kể cả vùng cao, vùng xa đảm bảo nhu cầu học tập cho các em học sinh. Số lượng học sinh đến lớp đều tăng ở các bậc học, đặc biệt là số học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trung bình của Khu vực Miền Trung là trên 25 % phấn đấu đến cuối năm 2011 đạt xấp xỉ 30%. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển về số lượng, chất lượng: số giáo viên trong biên chế được bổ sung nhiều hơn, chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên được đảm bảo đúng qui định của Nhà nước tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác. Nhờ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở các bậc học ngày càng tăng. Công tác xây dựng Đảng trong trường học tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh theo tinh thần Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về “xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Vào đầu năm học, ngành giáo dục đã tổ chức bồi dưỡng chính trị hè cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý từ các bậc học (đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý…).

- Chất lượng giáo dục ở tất cả các ngành học, bậc học luôn được giữ vững. Tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT của các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên tương đối ổn định, đứng thứ 5 (đạt 89,42%) trong bảng so sánh kết quả thi tốt nghiệp giáo dục THPT theo 7 vùng thi đua trong cả nước và có xu hướng tăng cao hơn so với năm học 2009-2010. Tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục thường xuyên cũng tăng so với năm học 2010 và đứng thứ 5 trong bảng so sánh kết quả thi tốt nghiệp GDTX theo 7 vùng thi đua (đạt 50,08%). Công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã được các tỉnh quan tâm, chỉ đạo, đến nay cả Khu vực đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.

Công tác đào tạo nghề các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên được chú ý hơn trước, bước đầu đáp ứng nhu cầu học nghề của con em và đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày căng tăng so với năm 2009-2010; số lượng các cơ sở dạy nghề (cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề) năm học 2010-2011 được mở rộng. Các cơ sở dạy nghề này đều chú trọng vấn đề giải quyết việc làm cho học viên đào tạo sau khi ra trường vào các khu công nghiệp của tỉnh, như: điện dân dụng, cơ khí lắp ráp, cơ cơ khí nông thôn, thêu, may công nghiệp, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, mây tre đan, chăn nuôi thú y… tạo thu nhập cho bản thân và gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo cho lao động nông thôn. Các cơ sở dạy nghề có mối liên hệ với chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội, liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn để tuyển sinh đào tạo giải quyết việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp các trường nghề. Các tỉnh tập trung xây dựng, tuyên truyền về dạy nghề cho lao động nông thôn để triển khai thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

- Cơ sở vật chất các nhà trường được đầu tư nâng cấp sửa chữa và xây mới, đã xóa được tình trạng học 3 ca, xóa bỏ trường tranh tre, tăng số lượng phòng học, số trường kiên cố hóa, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh trong các trường học; mua sắm bàn ghế, trang thiết bị dạy học. Do địa bàn đều là các tỉnh có địa hình phức tạp, nên việc quan tâm xây nhà bán trú cho học sinh đã được quan tâm.

Lớp dạy nghề cho học sinh

Mặc dù đã có những bước phát triển khá nhanh so với điều kiện kinh tế-xã hội trong khu vực, song Nam Trung bộ và Tây Nguyên vẫn còn không ít những hạn chế và khó khăn trong giáo dục-đào tạo, dạy nghề, biểu hiện ở một số điểm sau đây:

- Chất lượng giáo dục nhìn chung còn thấp, không đồng đều giữa các tỉnh và các vùng trong cùng một tỉnh; chưa giải quyết được mâu thuẫn phát triển triển về số lượng với việc nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. So với các Khu vực kinh tế phát triển trong cả nước thì chất lượng giáo dục-đào tạo còn có khoảng cách khá xa. Một số tỉnh có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cũng như GDTX thấp nhất, như Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông. Chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số trương phổ thông dân tộc nội trú chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng giáo dục đại trà chưa thực sự ổn định, thiếu bền vững; tình trạng học sinh bỏ học đang ảnh hưởng lớn đến việc duy trì củng cổ kết quả phổ cập giáo dục. Giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm và đầu tư hợp lý về kinh phí, chương trình, nhất là đối với giáo trình dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, do vậy chưa phát huy được hiệu quả giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo sự ổn định kinh tế- xã hội của địa phương. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số thi đỗ vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học còn thấp.

- Công tác quy hoạch cán bộ và chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chưa được các tỉnh quan tâm và tạo điều kiện đúng mức để nâng cao mức sống cho giáo viên, việc thực hiện chế độ luân chuyển giáo viên đã hoàn thành nghĩa vụ công tác tại vùng khó khăn về vùng thuận lợi chưa thực hiện tốt. Số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn nhiều, nhất là người dân tộc thiểu số. Chất lượng đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa còn yếu và không đều, một bộ phận giáo viên còn lúng túng trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu nên hiệu quả chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế.

- Một vài nơi thiếu phòng học, lớp học tạm còn nhiều; ở các xã khó khăn cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng dạy học còn thiếu và hỏng. Công tác dạy nghề chưa đáp ững được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Để khắc phục những khó khăn trên yêu cầu Ban Tuyên giáo các cấp tăng cường tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo tốt các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị gí đỡ ngành giáo dục thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ của ngành về phát triển giáo dục và đạo tạo, dạy nghề. Tiếp tục duy trì, phát triển kết quả phổ cập giáo dục, phổ cập giáo dục tiểu học ở những nơi điều kiện. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các bậc học Thực hiện tốt Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường, tích cực huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp. Tăng đầu tư xây dựng bảo đảm đủ phòng học, thực hiện tốt chương trình kiên cố trường học. Phát triển hệ thống các trường nội trú và bán trú dân nuôi, tạo điều kiện cho các dân tộc ít người được học tập, làm tốt chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số và những đối tượng chính sách. Thực hiện tốt chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng đào tạo cán bộ cho các xã đặc biệt khó khăn. Phát triển cơ sở dạy nghề với các trình độ sơ cấp, trung cấp, dạy nghề ngắn hạn; đa dạng hóa các hình thức dạy nghề đáp ứng yêu cầu lao động kỹ thuật cho các ngành kinh tế. Thực hiện tốt chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề cho nông dân để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương./.

Tuấn HưngBan Tuyên giáo Trung ương

Quy mô, mạng lưới trường lớp, số lượng học sinh, chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

- Gia Lai đầu năm học 2010 tăng 25 trường so với năm 2009; Đăk Nông tăng 4 trường

- Đắc Nông, năm học 2010-2011 có 46.247 học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 33,53% số học sinh toàn tỉnh.

- Quảng Ngãi, Đăk Lawk cuối năm 2009 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 24% va 26,5% đến tháng 9 năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 27%.

- Khánh Hòa tỷ lệ tốt nghiệp THPT: 97,99%; Quảng Ngãi: 96,69%; Thừa Thiên Huế: 96,81%; Phú Yên: 86,42%; ĐăkNông: 78,2%; Đăk Lăk: 78,14%; GiaLai: 83,09%; Kon Tum: 97,16%; Quảng Nam: 94,48%; Bình Định: 93,90%; Lâm Đồng: 92,51%; Ninh Thuận: 69,34%;

- Khánh Hòa tỷ lệ tốt nghiệp GDTX: 72,65%; Quảng Ngãi: 75,15%; Thừa Thiên Huế: 56,87%; Quảng Nam: 53,90%; Đăk Nông: 56,83%; Bình Định: 49,75%; Lâm Đồng: 44,56%; Đăk Lăk: 38.16%; Kon Tum:35,8%; Phú Yên: 28,38%; Ninh Thuận: 13,32%

- Thừa Thiên Huế xây mới 964 phòng học, tỷ lệ trường kiên cố hóa đạt 79%, tăng 7,7% so với năm học 2009-2010; Gia Lai xây dựng mới 576 phòng học.

- Quảng Ngãi: đã xây dựng 32 nhà bán trú cho học sinh THCS tại các huyện miền núi: Trà Bông, Ba Tơ, Sơn Trà, Minh Long, Sơn Tây, Tây Trà 





 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất