Thứ Ba, 1/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 5/11/2010 21:43'(GMT+7)

Nhà giáo và xã hội đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ

Nữ sinh trường Lê Hồng Phong tặng hoa cho thầy giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Nữ sinh trường Lê Hồng Phong tặng hoa cho thầy giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Việt Nam phải hướng tới mục tiêu khơi dậy trong thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc, có lý tưởng cao đẹp, trung thành với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Bác Hồ và Đảng lựa chọn; phấn đấu và đóng góp để xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh”. Do sự phân công xã hội mà nhà giáo có trọng trách đặc biệt trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ: chăm sóc, giáo dục, đào tạo cho con em nhân dân.

Nhân dân đưa con cháu tới trường là gửi gắm vào nhà trường, gửi gắm vào nhà giáo những niềm tin tốt đẹp vào tương lai cả một đời người cho con cháu mình, cho gia đình và dòng họ mình; còn đất nước hy vọng vào tài năng và đức độ của thế hệ trẻ, tiếp bước cha ông là cho đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Hy vọng của các bậc phụ huynh là qua những năm tháng tới trường, con cháu mình được học điều hay, lẽ phải, trở thành con ngoan, trò giỏi. Do đất nước còn nghèo, do hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nên nhìn chung đại đa số các bậc phụ huynh lao động cực nhọc, tiết kiệm tiền bạc, thậm chí phải vay mượn để nuôi con ăn học; có biết bao tấm gương các bậc phụ huynh vượt khó để nuôi con; và cũng có biết bao tấm lòng thơm thảo để tương trợ học sinh nghèo…tất cả điều đó đã phản ánh các khía cạnh truyền thống hiếu học của người Việt Nam; và cũng nhờ có truyền thống đó mà dân tộc Việt Nam mới có thể “bước tới đài quang vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Hoạt động giáo dục là một loại hình hoạt động xã hội có tính đặc thù, là con đường để tái tạo nguồn lực con người cho sự phát triển xã hội, được thực hiện nhờ vào sự truyền thụ kinh nghiệm, vốn sống, thành tựu khoa học công nghệ, cũng như các giá trị văn hóa, đạo đức của thế hệ đi trước cho thế hệ sau. Cho nên quá trình giáo dục luôn có sự tham gia của con người trực tiếp làm công tác giáo dục và của cả những người liên quan tới sự nghiệp giáo dục. Trong quá trình giáo dục, nếu xét trên phương diện chuyên môn thì nhà giáo có vai trò là người hướng dẫn, tổ chức các hoạt động sư phạm theo chương trình, kế hoạch giáo dục đã được xác định cho từng cấp, bậc học. Việc tổ chức hoạt động sư phạm trước hết được thực hiện bởi những thao tác sư phạm mang tính nghiệp vụ, chuyên môn. Tuy nhiên hiệu quả và chất lượng giáo dục không hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực chuyên môn của nhà giáo (mặc dù đó vẫn là yếu tố quyết định) mà còn cần có sự tác động, hỗ trợ từ phía phụ huynh và xã hội. Sự quan tâm của phụ huynh và xã hội đối với giáo dục nói chung, đối với con em trong từng gia đình nói riêng luôn là một nguồn lực quan trọng không chỉ về tài chính mà còn cả về tinh thần, hơn nữa đó còn là một kênh phản biện và giám sát xã hội đối với giáo dục. Còn nếu như xã hội phê phán giáo dục thì sẽ làm giảm mất nguồn lực tinh thần đối với giáo dục. Căn cứ vào thái độ tích cực hay tiêu cực của xã hội mà có thể dự báo mức độ đáp ứng của ngành giáo dục đối với yêu cầu xã hội trong việc giáo dục, đào tạo con người. Có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu thái độ xã hội đối với giáo dục, chẳng hạn:

- Những ý kiến được đăng tải trên báo chí hàng ngày hoặc vào dịp khai giảng năm học, vào các kì thi, nhân kỉ niệm ngày nhà giáo;

- Những vấn đề được bàn thảo trên các diễn đàn giáo dục, văn hóa, xã hội, dưới các góc độ diễn đàn, hội thảo, hội nghị;

- Thông tin được thu thập qua các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, được báo cáo giải trình và chất vấn tại các kì họp Chính phủ, Quốc hội;

- Dư luận lan truyền trong các sinh hoạt cộng đồng; và ngay cả giáo viên, học sinh, sinh viên thổ lộ với nhau.

Các luồng thông tin nêu trên được thu nhận và phát ngôn theo các kênh khác nhau, được thu nhận và đánh giá dưới các góc độ khác nhau; có thể chia làm 3 nhóm: a/Nhóm thông tin chính thống từ các tổ chức, cơ quan chức năng trực tiếp quản lý hoặc giám sát giáo dục; b/Nhóm thông tin xã hội được thu nhận và phản ánh bới các cơ quan truyền thông; c/Nhóm thông tin tự phát được truyền đi từ người dân và cả những người tham gia trực tiếp vào hoạt động giáo dục. Độ tin cậy của mỗi luồng thông tin không giống nhau, song xã hội thường hay thiên về những bàn luận trên diễn đàn của báo chí và các phiên chất vấn của Quốc hội. Trong thực tế, ảnh hưởng của dư luận tuy không mang tính quyết định làm thay đổi nền giáo dục, song lại là sức ép xã hội buộc các cơ quan chức năng phải tư duy để đổi mới giáo dục. Nếu là cơ quan quản lí giáo dục thì việc đánh giá hiệu quả, chất lượng giáo dục phải căn cứ vào các tiêu chí về kiến thức các môn văn hóa, về sự phát triển thể chất và nhất là sự phát triển nhân cách của học sinh, sinh viên. Điểm số trong kiểm tra thường kì và trong các kì thi là một căn cứ để đánh giá hiệu quả, chất lượng giáo dục; các nhà trường, các bậc phụ huynh thường lấy đó làm căn cứ để có thể hài lòng hay chưa hài lòng với giáo dục của nhà trường và với sự phấn đấu của con cháu mình. Tuy nhiên, xã hội lại không hoàn toàn như vậy, vì xã hội thường quan tâm tới các biểu hiện ứng xử trong công việc, trong gia đình, trong tham gia vào các hoạt động đời sống thường nhật để đánh giá. Những hiện tượng vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên luôn là những điều nhức nhối và lo âu đối với các cấp quản lí, các bậc phụ huynh. Những hiện tượng thiếu tính mô phạm, vi phạm đạo đức nhà giáo lại càng gây phản cảm đối với các tầng lớp nhân dân. Giáo dục với sự lan tỏa sâu sắc vào từng gia đình, được tất cả xã hội quan tâm, nên giáo dục là lĩnh vực nhạy cảm trên các phương diện văn hóa, chính trị, xã hội. Nhìn vào hiện trạng giáo dục, người ta có thể dự báo tương lai đất nước, nên những lo lắng của xã hội đối với giáo dục là thể hiện trách nhiệm của nhân dân, của nhà nước vì sự phát triển đúng hướng cho giáo dục. Sự ủng hộ hoặc bất bình trong nhân dân đối với giáo dục đều thể hiện các cách tiếp cận có trách nhiệm của nhân dân đối với thế hệ trẻ. Hoạt động giáo dục của các nhà giáo trong mỗi cơ sở giáo dục có thể không bị giám sát thường xuyên bởi các bậc phụ huynh và của xã hội, song trong quá trình giao tiếp của phụ huynh đối với nhà giáo và cán bộ quản lí, cùng với những thông tin từ học sinh, sinh viên cũng sẽ là một nguồn thông tin làm nảy sinh những đánh giá về uy tín nhà trường và nhân cách nhà giáo. Bởi vậy, nhà giáo có thể làm đẹp những điểm số và những lời nhận xét trong đánh giá, xếp loại hạnh kiểm, song không thể tô hồng được những cử chỉ, hành vi thiếu tính giáo dục; do vậy không thể ngăn được các luồng dư luận tiêu cực về giáo dục. Một khoản đóng góp, một món quà, thậm chí cả những trao đổi giữa giáo viên với phụ huynh nếu không được thực hiện một cách chân thành, cởi mở trên cơ sở những nguyên tắc ứng xử sư phạm thì rất dễ gây ra sự hiểu lầm và phản cảm âm thầm. Điều đó sẽ làm xói mòn niềm tin yêu thánh thiện của phụ huynh, học sinh, sinh viên và của toàn xã hội đối với ngành giáo dục. Nhưng nếu chỉ tập trung phê phán nhà giáo thì như vậy vẫn chưa phải là biện chứng, dù rằng trong bất kì hiện trạng nào của giáo dục thì nhà giáo vẫn phải chịu vai trò, trách nhiệm chủ yếu trước xã hội. Theo phép biện chứng triết học duy vật, cần phải nhìn rộng và đánh giá đúng về sự ảnh hưởng (tưởng như vô can) của môi trường xã hội đối với giáo dục. Sự lỏng lẻo trong quản lý xã hội, sự thiếu nghiêm minh trong luật pháp, sự nuông chiều con cháu; và cả những hành vi thiếu thiện chí mà các bậc phụ huynh dành cho giáo dục…cũng vô hình dung làm lệch lạc suy nghĩ của thế hệ trẻ, dẫn đến những hành vi phản giáo dục, đi ngược lại mục tiêu giáo dục; thực tế có những trẻ em trong nhà trường thì “rất ngoan” nhưng ra ngoài xã hội lại “rất hư hỏng”.

TS. Trần Viết Lưu, Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất