Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 29/8/2008 21:34'(GMT+7)

Công bố điều tra quy mô toàn quốc về gia đình Việt Nam

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các văn kiện của Đảng và Nhà nước về chính sách xã hội, Hiến pháp nước CHXHNVN năm 1992, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991...đã nhấn mạnh đến vai trò của gia đình như là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam. 

Có thể nói, hiểu về thiết chế gia đình với những biến đổi về cấu trúc và chức năng, về định hướng giá trị trong quá trình chuyển đổi từ xã hội cổ truyền sang xã hội hiện đại có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy vai trò động lực của gia đình Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Sau 20 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã có những thay đổi toàn diện và sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có các mối quan hệ gia đình. Quá trình đổi mới đem đến cho gia đình Việt Nam những cơ hội phát triển mới, mức sống của đại bộ phận các gia đình đã được nâng cao. Các chức năng cơ bản của gia đình có nhiều biến đổi theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực về kinh tế xã hội do đổi mới đem lai, gia đình Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn như: vấn đề thiếu việc làm, những rủi ro từ nền kinh tế thị trường, ly hôn gia tăng, bạo lực gia đình, mâu thuẫn giữa các thế hệ, thiết chế gia đình lỏng lẻo, tệ nạn xã hội...Vì vậy nghiên cứu một cách tổng thể về vấn đề gia đình Việt Nam là điều rất cần thiết. Chỉ thị số 49- CT/TW ngày 21/2/2005 cũng chỉ rõ: “ Tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát toàn diện về gia đình, đặc biệt là nghiên cứu những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cần gìn giữ, phát huy, những giá trị mới, tiên tiến cần tiếp thu; nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH...”.

Cuộc Điều tra này cũng nhận được sự giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên gia Viện nghiên cứu Gia đình Úc và Bộ Gia đình, Nhà ở, Dịch vụ cộng đồng và các Vấn đề về Người dân bản địa chính phủ Úc.

Cuộc Điều tra mang tính đại diện này đã được các chuyên gia tiến hành thông qua phương pháp điều tra định lượng và định tính, phỏng vấn thu thập dữ liệu từ 9.300 hộ gia đình trong cả nước, từ nhiều vùng, miền khác nhau, với nhiều đối tượng như người lớn, trẻ em, vị thành niên, người cao tuổi, dân tộc thiểu số...theo lựa chọn ngẫu nhiên ở tất cả 64 tỉnh, thành của Việt Nam để có nhiều thông tin nhất về gia đình Việt Nam

Theo những thông tin từ cuộc Điều tra, nội dung gia đình được đề cập ở 4 chủ đề chính, gồm: Quan hệ gia đình; Các giá trị và chuẩn mực của gia đình; Kinh tế gia đình và Phúc lợi gia đình. Mô hình gia đình hạt nhân phổ biến hơn ở thành thị và những khu vực phát triển kinh tế; số hộ gia đình “hai thế hệ” chiếm hơn một nửa (63,4%) và những nơi gia đình “ba thế hệ” đang sống lại tập trung tại các thành phố và những người phụ thuộc trung bình ở mỗi hộ gia đình là 0,5. Mức độ bình đẳng giới đã ngày càng tăng cao hơn, biểu hiện ở việc chủ hộ các gia đình hiện đại ở Việt Nam giờ đây là người vợ, người chồng hoặc cả hai.

Vấn đề hôn nhân( xây dựng gia đình có đăng ký kết hôn)
vẫn rất phổ biến ở Việt Nam dù đã có những thay đổi trong quan niệm về hôn nhân. Đối với những người ở thành phố, đô thị, tuổi kết hôn lần đầu thường cao hơn những vùng nông thôn, miền núi (cao hơn khoảng 3 tuổi đối với cả nam giới và nữ giới) và với những người có chuyên môn kỹ thuật cao( cao hơn khoảng 4,5 tuổi đối với cả nam và nữ giới so với những người lao động giản đơn). Hơn 80% số người được hỏi tuổi từ 18 đến 60 nhận thức được sự cần thiết phải đăng ký kết hôn. Số 20% còn lại chủ yếu thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, sống ở các vùng nông thôn, vùng cao thuộc nhóm có thu nhập thấp hoặc có trình độ học vấn thấp. Những lý do chính trong việc lựa chọn bạn đời được nêu ra phổ biến nhất là: Biết cách ứng xử, có sức khoẻ tốt và biết cách làm kinh tế. Điều này cho thấy, cách sống “lý tưởng” ngày xưa với “một mái lều tranh, hai trái tim vàng” so với ngày nay chỉ còn là tiểu thuyết! Một số chuẩn mới được định giá như có thu nhập ổn định và có trình độ học vấn đã là xu hướng mới nhưng chủ yếu nằm trong nhóm công chức và có mức lương cao ở các vùng đô thị.

Ly hôn cũng đang gia tăng chủ yếu do những áp lực về kinh tế, lối sống khác nhau, sự không chung thuỷ của vợ hoặc chồng, chiếm 2,6% số người tuổi từ 18 đến 60. Tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cao gấp hai lần so nam giới với lý do“ mâu thuẫn về lối sống”( 27,7% số người trả lời) và 25,9% cho biết nguyên nhân ly hôn là do ngoại tình; đại đa số những người được hỏi phản đối quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Đặc biệt nhóm những người cao tuổi và vị thành niên phản đối nhiều nhất( chỉ có dưới 2% tán thành). Hơn 90% số người trả lời phỏng vấn cho rằng, họ hài lòng với hôn nhân của mình. Hầu hết trẻ em sau khi cha mẹ ly hôn, họ đều sống với mẹ.

Số liệu điều tra cũng cho thấy quyền tự quyết của phụ nữ ngày càng tăng và được chấp thuận, tuy nhiên phụ nữ vẫn phải gánh vác phần lớn công việc nội trợ và chăm sóc con cái, trong khi vẫn phải làm kinh tế để có thu nhập cho gia đình. Hai lý do chính mà những người không hài lòng về hôn nhân của mình lưu ý tới là “ bất hoà về ứng xử”(45,3%) và “khó khăn về kinh tế” (43,4%). Trong khi hơn 80% số nam giới được khảo sát đứng tên quyền sử dụng đất, nhà ở/đất rừng thì tỷ lệ nữ giới đứng tên chỉ có 10%. Ở nông thôn, tỷ lệ nam đứng quyền sở hữu các tài sản kinh doanh là 62,4% so với 31,4% phụ nữ thì tỷ lệ này ở thành thị là 40,0% và 53,0%.

Về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: Hầu hết những người được phỏng vấn đều cho rằng, việc nuôi dậy con cái là một chức năng quan trọng của gia đình. Quan niệm về số con đã thay đổi đáng kể trong số được phỏng vấn. Chỉ có 18,6% người cao tuổi, 6,6% người có tuổi từ 18 đến 60 cho rằng gia đình cần phải có nhiều con. Đáng lưu ý là, có tới 63% số người tuổi từ 18 đến 60 đều phản đối quan niệm truyền thống là phải có con trai. Số liệu này cho thấy, ngày nay các gia đình quan tâm hơn đến phương pháp chăm sóc con cái một cách đầy đủ và nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần một cách thường xuyên hơn, con trai hay gái không quan trọng lắm mặc dù tâm lý vẫn muốn “có nếp có tẻ”( ở một số vùng, miền). Cuộc điều tra cũng phát hiện ra rằng, phụ nữ dành nhiều thời gian gấp 6 lần nam giới để chăm sóc con cái dưới 15 tuổi. Công việc bận rộn là một trong những hạn chế chính về thời gian dành cho việc chăm sóc, dạy bảo con cái. Đối với những sai lầm của con ở tuổi vị thành niên, cha mẹ có nhiều cách xử lý khác nhau: Nhắc nhở, phân tích đúng, sai (74,2%); mắng mỏ( 42,6%); đánh đập (11,2%); liên hệ với nhà trường(5,1%); làm ngơ lỗi của trẻ(8,8%); cảm thấy bối rối và bất lực(0,5%).

Theo số liệu điều tra, có 32,6% tổng số hộ gia đình được điều tra có người cao tuổi( gia đình ba thế hệ) tập trung đông hơn ở thành thị. Số hộ có người cao tuổi phân bổ cao nhất ở Bắc Trung bộ, thấp nhất ở Tây Nguyên. Một nửa số người cao tuổi cho biết thích sống chung con cái đã lập gia đình. Hơn 90% số người cao tuổi cho rằng, họ hỗ trợ con cái bằng tiền, hoặc chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc cháu nhỏ hay hỗ trợ công việc nội trợ. 39% cho rằng họ sống do con cái chu cấp; 30% từ lao động bản thân và 25,9% từ tiền lương hưu và trợ cấp. Hơn một nửa thành viên cao tuổi trong gia đình cho biết họ phải đối mặt nhiều khó khăn như sức khoẻ yếu, không đủ tiền để trang trải và đáp ứng các nhu cầu hàng ngày và khám chữa bệnh...

Cũng theo số liệu điều tra, có tới 21,2% các cặp vợ chồng đã kết hôn phải trải qua những tình trạng bạo lực gia đình. Tại Việt Nam, cứ 5 cặp vợ chồng thì có một cặp đã từng trải qua các hình thức bạo lực nặng nề nhất như bị đánh đập, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và con cái trong gia đình. Xã hội đã lên án những hiện tượng này và Luật phòng, chống bạo lực gia đình và những nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ việc thực thi luật này là những bước cần thiết để giảm bạo lực gia đình. Số liệu cũng cho thấy, những nạn nhân là phụ nữ khi bị đánh đập vẫn cố chịu đựng, coi đó là việc nội bộ gia đình, không muốn “ vạch áo cho người xem lưng”, chưa thấy quyền lợi được pháp luật bênh vực của mình.

Có thể nói, cuộc Điều tra được công bố đã cung cấp một bức tranh khá toàn diện về những thay đổi trong các mối quan hệ gia đình, cũng như vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong đó, góp phần làm sáng tỏ những thay đổi các giá trị và chuẩn mực của gia đình dưới tác động và sự chi phối của CNH,HĐH và toàn cầu hoá.

Thời gian tới đây, những số liệu điều tra này sẽ được sử dụng làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất chính sách xây dựng các gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm nền tảng cho việc theo dõi, đánh giá sự phát triển gia đình; đồng thời tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo về gia đình ở Việt Nam./.

Trần Thu Trang

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất