(TG) - Bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian qua, hệ thống Tuyên giáo các cấp trong tỉnh An Giang luôn tích cực nghiên cứu tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực Khoa giáo. Trên cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đã từng bước đưa công tác Khoa giáo của Đảng ngày vào đi vào thực chất và phát huy hiệu quả tích cực.
NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỐI HỢP CÁC NGÀNH TRONG KHỐI KHOA GIÁO
Trên cơ sở triển khai thực hiện Quyết định 238-QĐ/TW của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang đã ký kết các chương trình phối hợp với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân (UBND), Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.Song song đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp các ngành trong khối Khoa giáo (giai đoạn 5 năm và từng năm), với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực.
Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đã tạo ra những nét mới, nhất là trong hoạt động cung cấp thông tin cho cơ sở, thông qua hình thức tổ chức các hội nghị chuyên đề (trực tiếp kết hợp trực tuyến đến tận cơ sở). Việc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động mời báo cáo viên là những chuyên gia đầu ngành trên từng lĩnh vực làm báo cáo viên tại các hội nghị truyền thông về các nội dung như: công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác dạy và học trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19…; đặc biệt, qua 3 hội nghị truyền thông trên lĩnh vực y tế đã tạo ra những hiệu ứng tích cực; thực sự góp phần đưa nghị quyết của Đảng về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đi vào cuộc sống.
TĂNG CƯỜNG NẮM BẮT DƯ LUẬN XÃ HỘI, KỊP THỜI GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ NẢY SINH
Thực hiện Đề án 07-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025”; việc nắm bắt dư luận xã hội (DLXH) được triển khai thực hiện thông qua nhiều kênh, như: cộng tác viên DLXH; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; nhất là qua các hội nghị giao ban công tác Khoa giáo tại các địa phương…đã giúp cho việc nắm bắt và phản ánh DLXH (nhất là trong lĩnh vực công tác Khoa giáo) ngày càng nhanh chóng, kịp thời hơn.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã duy trì cơ chế phối hợp với các ngành trong khối Khoa giáo và các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là UBND tỉnh. Qua đó, ngay khi BTG.TU có nội dung phản ánh DLXH; UBND tỉnh có ngay văn bản hoặc trực tiếp chỉ đạo các địa phương, đơn vị từ việc yêu cầu xử lý đến việc kịp thời thông tin phản hồi. Kết quả giải quyết (đa phần là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa giáo) được phản hồi và được thông tin công khai trên Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giám sát. Qua đó, được CB.ĐV và nhân dân đồng tình, đánh giá cao; đồng thời, cũng góp phần làm cho công tác Tuyên giáo trong đó có công tác Khoa giáo trên địa bàn tỉnh - ngày càng đi vào thực chất.
CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO TRONG THAM MƯU TRIỂN KHAI QUÁN TRIỆT VÀ SƠ KẾT, TỔNG KẾT CÁC CHỈ THỊ, NGHỊ QUYẾT SÁT HỢP TÌNH HÌNH ĐỊA PHƯƠNG
Căn cứ hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; hệ thống Tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức triển khai quán triệt và sơ, tổng kết; góp phần đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ và hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều chủ động tiến hành rà soát, lựa chọn nội dung, vấn đề và xác định thời điểm phù hợp để tham mưu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiến hành sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là trong lĩnh vực công tác Khoa giáo. Đặc biệt, trong quá trình tiến hành sơ, tổng kết; An Giang luôn chú trọng việc tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành trong khối khoa giáo; đồng thời, bám sát, nắm chắc tình hình thực tiễn từ cơ sở; xác định đúng và trúng những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc để tập trung tham mưu cấp ủy và đề xuất cấp có thẩm quyền tìm biện pháp tháo gỡ nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trên lĩnh vực công tác Khoa giáo trên địa bàn tỉnh.
CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG VĂN HÓA, CON NGƯỜI AN GIANG
Quán triệt sâu sắc những quan điểm, đường lối văn hóa trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua; ngành Tuyên giáo An Giang luôn tích cực nghiên cứu, tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa, tạo ra những chuyển biến tích cực.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp Ban cán sự đảng UBND tỉnhtham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Hiện toàn ngành đang tích cực tham mưu cấp ủy tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, như: tổ chức hội thảo cấp tỉnh; phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về An Giang; vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về vùng đất, con người An Giang… Thông qua thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn tỉnh.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, những người làm công tác Tuyên giáo An Giang quyết tâm tiếp tục kế thừa và phát huy hơn nữa truyền thống của ngành Tuyên giáo - tích cực nghiên cứu, chủ động đổi mới nội dung, hình thức phương pháp hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả - làm cho công tác Tuyên giáo, trong đó có công tác Khoa giáo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển đúng hướng, phục vụ đắc lực yêu cầu, nhiệm vụ chính trị; góp phần xây dựng An Giang - quê hương Bác Tôn kính yêu ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trần Thị Thanh Hương
UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang