An Giang là một trong 13 tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có dân số đông nhất khu vực (1,9 triệu người) và đứng thứ 6 trong toàn quốc. Dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) có 986 ngàn người, trong đó lao động nông thôn gần 660 ngàn người (chiếm 70%) và có khoảng 320 ngàn lao động đang làm việc trong nhóm ngành nghề nông, lâm, thủy sản (chiếm tỷ lệ 32,5% so tổng số lao động).
Giai đoạn 2016 – 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,25%. Quy mô nền kinh tế tăng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,18 tỷ USD; hàng hóa xuất khẩu nông sản, thủy sản của tỉnh An Giang đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 47 triệu đồng/người/năm.
Mặc dù, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng có nguồn lao động dồi dào, song trình độ, tay nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt trước tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, thời gian qua, An Giang luôn xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
THỰC TRẠNG VÀ THÁCH THỨC
Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tỉnh luôn có những bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp - thủy sản đảm bảo hiệu quả, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho lao động ngành thủy sản.
Cấp ủy, chính quyền tỉnh đã chủ động ban hành nhiều chủ trương chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, cụ thể: Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 05/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020”; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang năm 2020 và định hướng đến năm 2030, v.v...
Nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo cho lao động nông thôn. Từ năm 2013 - 2019, tỉnh đã thực hiện 03 lần sắp xếp mạng lưới cơ sở GD nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 32 cơ sở GDNN, trong đó có 22 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Qua 10 năm (2011 - 2020), toàn tỉnh đã dạy nghề cho hơn 256 ngàn lao động nông thôn, trong đó lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách ĐA 1956 QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ là 138 ngàn người; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo theo ĐA 1956 là 74,6%.
Các cơ sở GDNN đã xây dựng mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp khá hiệu quả, tiêu biểu là đào tạo lớp nghề trung cấp Nuôi trồng thủy sản nước ngọt cho học viên tại vùng nuôi trồng công nghệ cao; lớp dạy nghề kỹ thuật sản xuất và nuôi lươn; lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... từ đó, từng bước xây dựng và hình thành vùng nuôi đạt tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp và nông dân nâng cao kỹ thuật, đạt năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
Từ những kết quả đã đạt được, An Giang cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực bao gồm các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, tuy có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội của tỉnh An Giang, song về khách quan cho thấy công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực ngành thủy sản của tỉnh, cả về số lượng và chất lượng.Cụ thể là: Lao động nông thôn đa số không có chuyên môn kỹ thuật nên việc tiếp thu công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; Nông dân tham gia nuôi trồng thủy sản ít hiểu biết về pháp luật, đa số chỉ tham gia học các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày do các cơ sở đào tạo hoặc doanh nghiệp tự tổ chức; Trình độ tay nghề công nhân lao động trong các nhà máy chế biến thủy sản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ngày càng cao của thị trường xuất khẩu...
|
ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI
Nhằm phát huy kết quả tích cực và hạn chế những mặt còn tồn tại, trong thời gian tới, trên cơ sở cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, An Giang đã đặt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản; đồng thời đổi mới tư duy về quản lý và phát triển “tam nông” là chuyển đổi căn bản từ quan niệm “tam nông” truyền thống sang tư duy phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Để thực hiện được mục tiêu trên thì đột phá phải bắt đầu từ sự lãnh đạo của cấp ủy, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị gắn với phát huy dân chủ ở nông thôn. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Theo đó:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.
Hai là, tổ chức điều tra, khảo sát, dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao thuộc lĩnh vực, ngành nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản để đáp ứng đáp ứng nhiệm vụ phát triển ngành thủy sản của tỉnh.
Ba là, tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn từ 2021- 2030, bình quân mỗi năm là 20.000 người. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng chiếm tỷ lệ khoảng 6%, trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ khoảng 8% trong tổng số tuyển sinh. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Bốn là, triển khai Dự án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm khai thác giai đoạn 2021- 2030 cho ngư dân hành nghề khai thác thủy sản sang các loại nghề, hoạt động sản xuất khác phù hợp với quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn.
Năm là, tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn cho nông dân, ngư dân sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, chú trọng các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng tốt hơn chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sáu là, tiếp tục sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN tinh gọn, hiệu quả, chú trọng quản lý chất lượng và đề cao tính tự chủ của cơ sở dạy nghề.
Bảy là, đẩy mạnh xã hội hoá các nguồn lực; khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân có sử dụng lao động tham gia đào tạo nghề nghiệp cho lao động.
Tám là, liên kết giữa các cơ sở GDNN với các trường Đại học, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và doanh nghiệp thủy sản để đào tạo nguồn nhân lực thủy sản đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu trình độ chuyên môn cao.
Nguồn nhân lực được xem là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, riêng đối với An Giang nguồn nhân lực thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, hơn bao giờ hết, An Giang cần chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phục vụ nhu cầu nuôi trồng, chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
Thái Thúy Xuân
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang