(TG) - Sáng 11/8/2017, Tọa đàm khoa học với chủ đề “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội. Chủ trì Hội thảo có đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11 ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, các cấp ủy, chính quyền, xã hội nhận thức ngày càng sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phong trào thi đua học tập suốt đời đã được nhân dân tham gia đông đảo; mạng lưới Hội Khuyến học không ngừng được củng cố, hoàn chỉnh và phát triển, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế. Công tác khuyến học, khuyến tài chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phong trào học tập ở các bộ, ngành, các cơ quan, các tổ chức chưa mạnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa thực sự tự giác học tập, còn tâm lý ngại học, chưa chủ động tự học để nâng cao trình độ. Một số địa phương, cơ quan, ban, ngành đoàn thể chưa quan tâm đúng mức tới việc xây dựng xã hội học tập…
Đến nay, nhiều vấn đề vẫn còn đặt ra như chất lượng cán bộ, công chức vẫn thấp, năng suất lao động của toàn xã hội không cao, việc học tập của người lớn còn bị coi nhẹ, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng các đơn vị học tập trong hệ thống trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu khoa học và các tổ chức xã hội… chưa được quan tâm; công tác đào tạo từ xa chưa phát triển phù hợp của xu thế của thế giới; cả nước chưa xây dựng được mô hình thành phố học tập.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã triển khai Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11. Sau hơn 6 tháng triển khai khẩn trương, nghiêm túc, đến nay, các sản phẩm của Đề án đã cơ bản hoàn thiện.
Tọa đàm khoa học được tổ chức nhằm mục đích lấy ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan và các chuyên gia để hoàn thành các sản phẩm của Đề án. Sau buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Tọa đàm đã thu nhận được nhiều ý kiến góp ý, đánh giá, tổng kết lại 10 năm thực hiện Chỉ thị 11, đồng thời, về cơ bản đều thống nhất cho rằng, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, việc ban hành một Chỉ thị mới tiếp nối Chỉ thị 11 và bổ sung những vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn là cần thiết. Trong đó cần chú trọng việc tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng để chỉ đạo quyết liệt hơn; cần nhiều biện pháp để nâng cao hiệu lực quản lý, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan để việc xây dựng xã hội học tập đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Các đại biểu cũng đã tham góp nhiều ý kiến về xây dựng các tiêu chí “công dân học tập”, “thành phố học tập”; phát triển mạng lưới khuyến học, đa dạng các loại hình học tập, thúc đẩy phong trào người lớn học tập... Các đại biểu đều nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới ngày nay, trước những tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư sẽ làm thay đổi sâu sắc giáo dục trên phạm vi toàn thế giới. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp cận nhanh với thế giới về xây dựng xã hội học tập, phát triển việc học tập của người lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, tham gia mạng lưới của UNESCO về mô hình học tập.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ ghi nhận những ý kiến quý báu của các đại biểu, các chuyên gia và sẽ bổ sung, tiếp thu để chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản trước khi trình Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Cao Nguyên