Chủ Nhật, 22/12/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Bảy, 7/12/2024 16:21'(GMT+7)

Công tác phóng viên nước ngoài tại Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra

Phóng viên Hee-jun Christine Park, Kênh Truyền hình Arirang TV (Hàn Quốc) tác nghiệp - đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội, tháng 2/2019.

Phóng viên Hee-jun Christine Park, Kênh Truyền hình Arirang TV (Hàn Quốc) tác nghiệp - đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội, tháng 2/2019.

1. Cách đây hơn 50 năm, bức ảnh “Em bé Napalm” của phóng viên ảnh chiến trường hãng tin AP (Mỹ) Huỳnh Công Út (Nick Út) được đăng tải trên các trang báo nước ngoài gây chấn động thế giới. Hình ảnh “Vietnam Napalm Girl” Phan Thị Kim Phúc cũng nhiều em bé khác chạy trên đường phố ở Tràng Bảng (Tây Ninh) dưới trận bom napalm đã cho thế giới thấy sự thật thảm khốc của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bức ảnh “Em bé Napalm” cùng nhiều hình ảnh về những phong trào phản chiến tranh ở khắp nơi trên thế giới đòi hòa bình tại Việt Nam của báo chí quốc tế đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam.

Ngày nay, cùng với sự vươn mình mạnh mẽ của đất nước, báo chí nước ngoài ngày càng có nhiều tin, bài tích cực về tình hình mọi mặt của Việt Nam. Những thành tựu của gần 40 năm Đổi mới, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, tình hình mọi mặt của đất nước... được truyền tải mạnh mẽ và rộng rãi đến cộng đồng và bạn bè quốc tế. Dư luận quốc tế đánh giá Việt Nam tiếp tục là “ngôi sao đang lên” của khu vực, ngay cả trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiểu biến chuyển khó lường và tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa hết ảm đạm.

Cùng với lực lượng báo chí đối ngoại trong nước, báo chí nước ngoài luôn là một kênh thông tin quan trọng truyền tải hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới.

2. Theo Nghị định số 88/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, phóng viên nước ngoài là phóng viên, biên tập viên làm việc cho báo chí nước ngoài. Phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam gồm: (i) phóng viên nước ngoài thường trú được các hãng báo chí, truyền thông nước ngoài cử làm việc tại Văn phòng thường trú theo chế độ phóng viên thường trú tại Việt Nam và (ii) phóng viên nước ngoài không thường trú vào Việt Nam hoạt động thông tin, báo chí ngắn hạn.

Về vai trò, phóng viên nước ngoài có khả năng tác động trực tiếp đến thông tin đối ngoại của một đất nước thông qua việc đưa tin về các chính sách, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội của đất nước đó. Thông thường, thông tin của báo chí nước ngoài, phóng viên nước ngoài có quy mô ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng lớn hơn thông tin trên báo chí trong nước. Các cơ quan báo chí quốc tế có ưu thế cả về mặt kỹ thuật, tốc độ và ưu thế về ngôn ngữ, tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng, tác động của phóng viên nước ngoài đối với thông tin đối ngoại luôn có tính hai mặt, cả tích cực và tiêu cực. Nhưng về tổng quan, có thể khẳng định báo chí nước ngoài là kênh thông tin quan trọng, gián tiếp làm công tác thông tin đối ngoại. Nếu chúng ta làm tốt công tác phóng viên nước ngoài thì đây sẽ là lực lượng giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người và tình hình mọi mặt của Việt Nam ra thế giới.

Báo chí nước ngoài là kênh thông tin quan trọng, gián tiếp làm công tác thông tin đối ngoại. Nếu chúng ta làm tốt công tác phóng viên nước ngoài thì đây sẽ là lực lượng giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người và tình hình mọi mặt của Việt Nam ra thế giới.

 

3. Công tác phóng viên nước ngoài là một công việc đặc thù của Bộ Ngoại giao. Thời gian qua, cùng với các ban, bộ, ngành, địa phương, Bộ Ngoại giao đã làm tốt công tác phóng viên nước ngoài, từng bước gắn kết phóng viên nươc ngoài với công tác thông tin đối ngoại của đất nước. Công tác này thường xuyên được rà soát, nghiên cứu, để từ đó đánh giá sát thực tiễn triển khai, phát hiện những điểm cần phát huy và những vấn đề, tồn tại cần được khắc phục, xử lý, để từ đó đề ra những hướng đổi mới, điều chỉnh phù hợp với bối cảnh tình hình, yêu cầu mới.

Từ sau khi Nghị định 88/2012/NĐ-CP có hiệu lực, đã có thêm 7 cơ quan báo chí nước ngoài được cấp phép mở văn phòng thường trú ở Việt Nam(1). Tuy nhiên, giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, 8 văn phòng phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, hoặc vắng phóng viên thường trú trong thời gian dài(2). Hiện nay, có 29 hãng thông tấn, báo chí nước ngoài(3) đặt văn phòng thường trú tại Hà Nội (trong đó Bloomberg của Hoa Kỳ và Nikkei của Nhật Bản có thêm văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh) với 35 phóng viên nước ngoài thường trú(4) và 41 trợ lý báo chí người Việt.

Về mặt quản lý, với lực lượng đông đảo phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, để phục vụ yêu cầu thông tin, tuyên truyền đối ngoại của đất nước, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho phóng viên, báo chí nước ngoài thường trú và không thường trú tác nghiệp tại Việt Nam.

Từ năm 2012 đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đón khoảng 2.360 đoàn với hơn 25.800 phóng viên nước ngoài từ tất cả các châu lục(5) vào Việt Nam tác nghiệp. Chương trình, địa điểm tác nghiệp đa dạng, trên hầu khắp mọi miền đất nước, chủ đề phong phú, tập trung vào phản ánh tình hình phát triển mọi mặt của Việt Nam, nhất là kinh tế - xã hội, hợp tác, đầu tư, đưa tin các hoạt động quan trọng của đất nước... Đặc biệt, trong các dịp Việt Nam tổ chức các sự kiện quan trọng như Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội năm 2019, SEA Games 31 năm 2022..., số lượng phóng viên nước ngoài vào Việt Nam tăng đột biến, lên tới hơn 2.000 lượt phóng viên mỗi sự kiện.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Quốc tế (IMC) của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, tháng 2/2019.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Quốc tế (IMC) của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, tháng 2/2019.

Để quản lý tốt một số lượng lớn phóng viên nước ngoài tác nghiệp, Bộ Ngoại giao đã tích cực ứng dụng công nghệ số cho phóng viên đăng ký trực tuyến thuận lợi, vừa giúp các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, cấp phép hiệu quả hơn, đóng góp vào thành công chung, tạo được thiện cảm với phóng viên, báo chí nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang khẩn trương triển khai việc đưa các thủ tục hành chính liên quan đến phóng viên nước ngoài lên Cổng dịch vụ công của Bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia. Khi hoàn thiện, việc thực hiện thủ tục hành chính đối với phóng viên nước ngoài sẽ trở nên đơn giản, tiện lợi hơn cho n báo chí nước ngoài. Điều này cũng thể hiện sự minh bạch và tinh thần chuyên nghiệp, hiện đại của Bộ Ngoại giao đối với quá trình tiếp nhận hồ sơ, giảm thiểu lượng hồ sơ, giấy tờ, tạo ấn tượng tích cực về sự đổi mới, hỗ trợ báo chí nước ngoài của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trước nhu cầu lưu trữ dữ liệu ngày càng lớn về phóng viên, báo chí nước ngoài đến Việt Nam và nắm bắt sớm xu thế chuyển đổi số, Bộ Ngoại giao đã sớm xây dựng và vận hành Phần mềm quản lý báo chí, phóng viên nước ngoài (cuối năm 2009), cùng với hệ thống lưu trữ hồ sơ “cứng”, phục vụ đắc lực cho công tác tra cứu, cấp phép và quản lý hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài.

Đối với các sản phẩm truyền thông của phóng viên nước ngoài, Bộ Ngoại giao luôn phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có các hình thức lan tỏa rộng rãi, phù hợp mục tiêu tuyên truyền của ta. Trong 10 năm trở lại đây, nhiều tin, bài của báo chí nước ngoài ngày càng khách quan, cân bằng hơn, phản ánh đa dạng về tình hình Việt Nam, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các hoạt động hợp tác quốc tế…. Nhiều phóng sự của báo chí nước ngoài về đất nước, con người Việt Nam đã giúp quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, giới thiệu cho bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động, phát triển, ổn định, giàu tiềm năng, giàu truyền thống văn hóa và nhiều danh lam thắng cảnh cũng như sự đa dạng về ẩm thực của Việt Nam.

Về phương thức triển khai, Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương luôn chú trọng cung cấp thông tin và tạo điều kiện để phóng viên nước ngoài tiếp cận những nguồn thông tin chính thống để họ có thông tin nhiều chiều, phục vụ tin, bài cân bằng, khách quan hơn về Việt Nam.

Thông qua các buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, các hoạt động họp báo quốc tế (như họp báo về các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam, họp báo quốc tế về các lễ hội tại các tỉnh, thành, địa phương, họp báo về đặc xá...), cùng với việc mời, đón phóng viên nước ngoài vào tác nghiệp, đại diện Bộ Ngoại giao thường xuyên trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như tình hình, quan điểm, lập trường, phản ứng của Việt Nam trước những vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại, những vấn đề của Việt Nam đang được dư luận quan tâm…

Đặc biệt, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trả lời phỏng vấn của lãnh đạo cấp cao Việt Nam cho báo chí nước ngoài, đạt được hiệu quả truyền thông rất tốt bởi nội dung và tính lan tỏa, được báo chí nước ngoài đánh giá cao. Các cuộc trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho báo chí nước ngoài được các hãng truyền thông nước ngoài hàng đầu thế giới và khu vực đăng tải, có độ bao phủ và lan tỏa cao, nhờ đó, thu hút sự quan tâm chú ý của bạn bè quốc tế, chính giới, chuyên gia, học giả, giới kinh doanh và đông đảo công chúng nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng thường xuyên hợp tác chặt chẽ với các địa phương tổ chức những chuyến đi thực tế cho phóng viên nước ngoài và tùy viên báo chí các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đến thăm, tìm hiểu tình hình thực tế tại các địa phương của Việt Nam. Các hoạt động này được tổ chức hiệu quả, hấp dẫn, phù hợp với yêu cầu tìm hiểu thông tin của phóng viên nước ngoài, được đội ngũ này hưởng ứng và đánh giá cao. Sau chuyến thăm, các tin, bài, phóng sự của phóng viên nước ngoài về những thu lượm từ chuyến đi thực tế được khán, thính giả, độc giả đón nhận. góp phần lan tỏa sinh động hình ảnh, đất nước con người Việt Nam.

Cùng với các hoạt động thực tế tại địa phương, các ấn phẩm tuyên truyền cũng được chú trọng về hình thức và nội dung. Các sản phẩm truyền thông như sách ảnh “Viet Nam My Love”, sách điện tử “Duyên dáng Việt Nam” và tờ rơi giới thiệu Việt Nam bằng nhiều ngôn ngữ, hình thức đẹp, nội dung phong phú, cũng như các clips, các sản phẩm truyền thông của nhiều bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các cá nhân, các KOLs được truyền tải trên các nền tảng khác nhau, trong đó có mạng xã hội đã giúp độc giả nước ngoài, trong đó có phóng viên nước ngoài tăng cường hiểu biết về Việt Nam, góp phần tăng thêm cảm tình của phóng viên nước ngoài đối với đất nước, con người Việt Nam.

Phóng viên Nhật Bản tác nghiệp - đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội, tháng 2/2029.

Phóng viên Nhật Bản tác nghiệp - đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội, tháng 2/2029.

4. Từ thực tiễn triển khai công tác quản lý phóng viên nước ngoài, một số bài học kinh nghiệm được rút ra, làm cơ sở để có những kiến nghị phù hợp nâng cao công tác trong tình hình mới, cụ thể là:

Thứ nhất, bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đây là nhân tố quyết định đối với công tác thông tin đối ngoại của đất nước nói chung và công tác quản lý phóng viên nước ngoài nói riêng. Sự lãnh đạo của Đảng trước hết và quan trọng nhất thông qua đường lối, quan điểm chỉ đạo, thể hiện tập trung trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cũng chính là nâng cao uy tín, ảnh hưởng của Nhà nước, tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước theo đúng tinh thần bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước.

Thứ hai, bài học về đổi mới trong nhận thức, tư duy về thông tin đối ngoại, về vai trò quan trọng của lực lượng phóng viên nước ngoài. Từ những thay đổi về tư duy, nhận thức, các bộ, ban, ngành, địa phương đã có những bước tiến lớn trong việc triển khai các biện pháp quan trọng, “bớt dè dặt, đề phòng” đối với phóng viên nước ngoài. Trên thực tế, phóng viên nước ngoài đã được hỗ trợ, tạo điều kiện hơn trong tác nghiệp, tiếp xúc, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin…

Thứ ba, việc ứng dụng, triển khai công nghệ tạo được hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội, đóng góp không nhỏ vào thành công chung của các hoạt động đối ngoại, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước ra thế giới. Ngoài ra, những dữ liệu quan trọng liên quan đến phóng viên nước ngoài được số hóa, kỹ thuật hóa, là cơ sở quan trọng để công tác quản lý phóng viên nước ngoài được thuận lợi hơn, hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới.

Thứ tư, trong bối cảnh đất nước đang ngày càng chuyển mình vươn lên, yêu cầu đặt ra cần có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý phóng viên nước ngoài chuyên nghiệp, hiểu biết pháp luật, các quy định có liên quan đến phóng viên nước ngoài và hoạt động báo chí nước ngoài tại Việt Nam, am hiểu báo chí nước ngoài, có quan hệ tốt với phóng viên nước ngoài. Cùng với đó, việc tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động quản lý phóng viên nước ngoài, phát triển kho tư liệu và ấn phẩm số là những công cụ đắc lực, vô cùng cần thiết.

Trên cơ sở những bài học nêu trên, một số nhóm biện pháp cụ thể có thể tính đến trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý phóng viên nước ngoài trong tình hình mới như sau:

Một là, nhóm giải pháp về thể chế hóa và nâng cao nhận thức. Cần gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phóng viên nước ngoài với các chiến lược, chương trình hành động, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của các ban, bộ ngành liên quan, trong đó có Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, qua đó tạo thêm cơ sở, hành lang pháp lý vững chắc cho việc chủ động đẩy mạnh công tác quản lý, tranh thủ phóng viên nước ngoài như một lực lượng quan trọng của công tác thông tin đối ngoại.

Hai là, xây dựng và củng cố hành lang pháp lý trong công tác quản lý phóng viên nước ngoài, trong đó nghiên cứu việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 88/2012/NĐ-CP theo hướng cởi mở, đơn giản hóa thủ tục trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp tạo môi trường pháp lý ổn định, thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động thông tin, báo chí của nước ngoài tại Việt Nam.

Ba là, hoàn thiện hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước, các địa phương trong việc hỗ trợ, chủ động cung cấp thông tin cho những chủ đề mà phóng viên quan tâm, nhất là những chủ đề mang tính nhạy cảm như dân chủ nhân quyền, dân tộc tôn giáo... Công tác phối hợp cần được thi hành đồng bộ trên cơ sở các quy định hiện hành; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong trong việc tổ chức, quản lý các hoạt động tác nghiệp của báo chí nước ngoài phù hợp, thống nhất, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý, thời hạn giải quyết thủ tục, vừa thể hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, chính sách thông thoáng, minh bạch, công bằng.

Bốn là, về phương thức triển khai. Bộ Ngoại giao, các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin cho phóng viên nước. Cần xây dựng các chương trình, kế hoạch tiếp xúc với phóng viên nước ngoài thường xuyên hơn, đồng thời chủ động hình thức, nội dung thông tin để truyền tải đến phóng viên nước ngoài.

Năm là, về nguồn lực. Cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực là cần thiết. Các nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo gắn với yêu cầu triển khai công tác trên thực tế, đào tạo lý thuyết gắn liền với thực hành các kỹ năng chuyên môn, công nghệ thông tin. Ngoài ra, ngân sách dành cho công tác tranh thủ phóng viên nước ngoài cần được quan tâm, bố trí đầy đủ nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp nền hệ thống công nghệ, hiện đại hóa các trang thiết bị…/.

PHẠM THU HẰNG
Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao


___________________

(1) Đài Truyền hình Phoenix TV (Hồng Công, Trung Quốc), Hãng thông tấn Ma-rốc (Ma-rốc) mở văn phòng năm 2017; Đài Truyền hình KBS (Hàn Quốc) mở văn phòng năm 2018; Hãng tin Asia Today (Hàn Quốc), Hãng tin Rosiya Segodnya (Nga) mở văn phòng năm 2019; Báo De Volkskrant (Hà Lan), Báo Southeast Asian Times (Australia) mở văn phòng năm 2020.

(2) Cuối năm 2019, tổng số văn phòng thường trú là 37 văn phòng; hiện nay là 29 văn phòng.

(3) Châu Âu: Reuters (Anh), AFP (Pháp), DPA, EPA (Đức), TASS, Rosiya Segodnya (Nga); châu Á: Akahata, Asahi Shimbun, Jiji Press, Kyodo News, NHK, Nikkei, TV Asahi, Yomiuri Shimbun (Nhật Bản), CCTV, Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo, Kinh tế Nhật báo (Trung Quốc), CNA (Đài Loan, Trung Quốc), Phoenix TV (Hồng Công, Trung Quốc), Yonhap, Hankook Ilbo, Asia Today, Aju Business Daily (Hàn Quốc), Southeast Asian Times (Australia), Channel NewsAsia (Singapore); châu Mỹ: AP, Bloomberg News (Hoa Kỳ), Prensa Latina (Cuba).

(4) Trong đó có 5 phóng viên kiêm nhiệm hoặc đang tạm thời vắng mặt ở Việt Nam.

(5) Tổng hợp từ số liệu của Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất