Thứ Năm, 5/12/2024
Xã hội
Thứ Ba, 3/12/2024 15:38'(GMT+7)

Việt Nam được liệt kê trong số các quốc gia có gánh nặng sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất

Quang cảnh buổi Tọa đàm với chủ đề “Phòng, tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?”.

Quang cảnh buổi Tọa đàm với chủ đề “Phòng, tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?”.

Buổi toạ đàm với sự tham gia của các vị khách mời là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia để phân tích, luận bàn, tìm ra những giải pháp phòng chống, ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus lây truyền qua muỗi vằn - Aedes Egypt, đã lan truyền rộng nhanh chóng trên toàn cầu. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Cũng theo WHO thì Virus sốt xuất huyết có 4 tuýp huyết thanh. Mỗi tuýp đều có thể gây ra sốt xuất huyết từ nhẹ đến nặng. Người đã nhiễm sốt xuất huyết với 1 tuýp huyết thanh trước đó vẫn có nguy cơ mắc bệnh bởi 3 tuýp còn lại. Lần nhiễm thứ 2 có nguy cơ bệnh nặng hơn lần trước.

Hầu hết các ca mắc sốt xuất huyết không có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ. Cứ khoảng 4 người nhiễm sốt xuất huyết sẽ có 1 người có biểu hiện nhiễm bệnh. Phần lớn người bệnh sẽ hồi phục trong vòng một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, trong số những người mắc sốt xuất huyết, khoảng 5% có thể tiến triển thành sốt xuất huyết nặng. Đây có thể là trường hợp cấp cứu y tế đe dọa tính mạng cần nhập viện để điều trị ngay lập tức.

Hiện nay có khoảng ½ dân số trên thế giới đang có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Hằng năm thế giới ghi nhận khoảng 390 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết; gần 500.000 ca nhập viện và hơn 20.000 ca tử vong. Sốt xuất huyết lưu hành ở 129 quốc gia, với gánh nặng bệnh tật cao nhất được báo cáo ở Châu Mỹ, Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương. Kể từ đầu năm 2024 đến tháng 11, toàn cầu ghi nhận hơn 14 triệu ca sốt xuất huyết và hơn 10.000 ca tử vong, gấp đôi so với năm 2023.

Tại Châu Mỹ, hơn 12 triệu ca nhiễm và hơn 7.000 trường hợp tử vong được ghi nhận. Brazil là quốc gia có gánh nặng bệnh lớn nhất (với hơn 9,8 triệu ca), sau đó là Argentina, Mexico.

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 4/2024, số ca sốt xuất huyết tại Indonesia đã tăng mạnh, lên tới hơn 62.000 ca, tăng gần 175% só với cùng kỳ năm 2023. Số ca tử vong vì sốt xuất huyết cũng tăng hơn 179%, lên 475 ca, so với 170 ca tử vong được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2023.

Ở Việt Nam, sốt xuất huyết phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Việt Nam được liệt kê trong số các quốc gia có gánh nặng sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất theo WHO.

Các chuyên gia cảnh báo rằng bệnh sốt xuất huyết đang phát triển để trở nên khó lường và nguy hiểm hơn vì nó không còn diễn biến theo chu kỳ mà còn mở rộng các vùng lưu hành bệnh.

Đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vắc-xin phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào phòng, chống véc-tơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân.

Toạ đàm ‘Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?’- Ảnh 1.
Tọa đàm sẽ bàn những giải pháp để phòng tránh, ngăn ngừa sốt xuất huyết hiệu quả.

Thời gian qua, phòng, chống sốt xuất huyết luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm; chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua. Chính phủ Việt Nam xác định công tác phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ là vấn đề của riêng ngành Y tế mà cần sự vào cuộc các cả hệ thống chính trị, sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, bạn bè quốc tế, người dân, cộng đồng và toàn xã hội.

Đối với Việt Nam, trong năm 2024, tính đến ngày 23/11, Cổng thông tin Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận 114.900 ca mắc sốt xuất huyết, vẫn có bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng.

Trong năm 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 360.000 ca nhiễm và 140 ca tử vong vì sốt xuất huyết, cao gấp 5 lần so với năm 2011. Sốt xuất huyết đã lưu hành ở hầu hết số các địa phương trên cả nước, là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 trường hợp tử vong mỗi năm, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em. Đáng chú ý, trong vòng 5 năm trở lại, bệnh diễn biến cực kỳ bất thường, chu kỳ ngắn hơn, không còn theo mùa.

Sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10. Tuy nhiên, vào những thời gian còn lại trong năm, toàn quốc vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm sốt xuất huyết mới, trong đó có ca bệnh nặng, nguy kịch.

Để phòng, tránh bệnh sốt xuất huyến, WHO đưa ra 5 chiến lược phòng chống sốt xuất huyết toàn diện đó là: Kiểm soát vector; Hệ thống giám sát; Truyền thông; Y học chứng cứ và Tiêm chủng.

Cũng theo chuyên gia của WTO thì dù xác định muỗi Aedes Egypti là trung gian truyền bệnh, việc kiểm soát vector lây nhiễm cực kỳ khó do đặc tính sinh sản và tồn tại của loài côn trùng này.

Để ngăn chặn hoàn toàn sốt xuất huyết, WHO đã kêu gọi nỗ lực toàn diện với sốt xuất huyết./.

Vào tháng 5/2024 vừa qua, vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, và đã được bắt đầu triển khai tiêm chủng từ cuối tháng 9 cho người dân tại các đơn vị tiêm chủng công lập và tư nhân trên toàn quốc.

Trước đó, vaccine này đã được cấp phép tại 40 quốc gia. Vaccine sốt xuất huyết vốn được xem như một trong những bài toán hóc búa mà nhân loại đã miệt mài đi tìm lời giải suốt gần 100 năm nay. Quá trình để tìm ra loại vaccine thành công này cũng có không ít gian nan. 

 

DUY PHONG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất