Hiến pháp là bộ luật cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Gần 70 năm qua, trên cơ sở thực tiễn, yêu cầu riêng của từng thời kỳ cách mạng, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng, thông qua, ban hành 4 bản Hiến pháp: Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992. Việc ban hành, thực thi các Hiến pháp nêu trên đã góp phần hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới - qua hơn 20 năm đi vào cuộc sống, đã tạo điều kiện để công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Bối cảnh quốc tế và trong nước cùng quá trình vận động, phát triển của nhận thức lý luận, yêu cầu đặt ra là phải có một Hiến pháp được sửa đổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, làm cơ sở chính trị cơ bản, vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định.
Theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội, ngày 2-1-2013, Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
“Công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” có vai trò quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả của quá trình lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên tinh thần khẳng định những vấn đề có tính nguyên tắc.
Mục tiêu của công tác thông tin, tuyên truyền trong việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo Hiến pháp nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Lực lượng tiến hành công tác thông tin, tuyên truyền lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bao gồm các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các hiệp hội, đoàn thể nhân dân; ngoài ra còn có các chủ thể khác như trưởng ấp, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, tổ trưởng dân phố… trong đó, nòng cốt là các cơ quan thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các cơ quan có trách nhiệm trong công tác thông tin đối ngoại.
Về thời gian, công tác thông tin, tuyên truyền gắn với lộ trình lấy ý kiến nhân dân và được tiến hành qua ba giai đoạn: Trước, trong và sau thời gian lấy ý kiến quy định trong Kế hoạch của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Ở mỗi giai đoạn, công tác thông tin, tuyên truyền có những đặc điểm và tiến hành những nhiệm vụ trọng tâm khác nhau.
1. Việc lấy ý kiến nhân dân được triển khai trên phạm vi rộng, thành phần tham gia đa dạng, có những đặc điểm khác nhau về vùng, miền, dân tộc, nghề nghiệp. Với địa bàn rộng và đối tượng đa dạng như vậy, trước khi diễn ra việc lấy ý kiến nhân dân, công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò chuẩn bị kiến thức, cung cấp thông tin và thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trước sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đồng thời, xác định vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền để bảo đảm sự phối hợp thống nhất khi chỉ đạo và triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, hướng tới mục tiêu “thắng lợi và an toàn” khi sự kiện này diễn ra.
Ngay sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 (khóa XI) “Về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) “Về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992” ban hành, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo công tác này qua việc ban hành hai văn bản Kế hoạch công tác tư tưởng thực hiện sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Kế hoạch tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 qua báo chí. Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 8-1-2013, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu chỉ đạo định hướng công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền.
Cả hệ thống ngành tuyên giáo đã và đang tích cực tham mưu và trực tiếp giúp cấp ủy chỉ đạo, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền ở địa bàn, đối tượng phụ trách. Các công việc được tiến hành ở giai đoạn này, như: Tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, về những vấn đề cơ bản của chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và những kiến thức về Hiến pháp, pháp luật; hướng dẫn nội dung tuyên truyền và quán triệt trách nhiệm của các tổng biên tập báo, đài, các báo cáo viên trong công tác thông tin, tuyên truyền về sự kiện này; tham mưu chỉ đạo, tạo những điều kiện cần thiết để cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân; xây dựng phương án xử lý những hành động cản trở, chống phá việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp…
Với sự phát triển của xã hội và trình độ dân trí ngày càng cao, xuất hiện đa dạng, phong phú các phương tiện chuyển tải thông tin và các hình thức thể hiện ý kiến góp ý của nhân dân. Bằng khả năng thực tế, công tác thông tin, tuyên truyền hướng tới việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất, linh hoạt nhất để nhân dân có cơ hội tiếp cận và đóng góp ý kiến được nhanh nhất, đầy đủ nhất, chất lượng nhất vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; sử dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật hiện đại kết hợp với các hình thức, phương pháp tuyên truyền theo nhóm đối tượng, bảo đảm các dân tộc ít người, những người làm các công việc đặc thù hoặc khó khăn về thời gian, không gian, vị trí địa lý có điều kiện tiếp cận thông tin; điều chỉnh phương thức phục vụ thông tin cho nhân dân trong quá trình tiến hành lấy ý kiến theo hướng ngày càng thuận tiện, phù hợp.
2. Việc tuyên truyền trong giai đoạn diễn ra việc lấy ý kiến nhân dân là giai đoạn quan trọng, đóng góp lớn vào chất lượng, hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân. Giai đoạn này tổng động viên toàn bộ các lực lượng, binh chủng làm công tác thông tin, tuyên truyền nhưng chủ lực là các phương tiện thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Việc thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được triển khai thực hiện theo hướng: Đăng tải kế hoạch lấy ý kiến nhân dân và toàn văn Dự thảo Hiến pháp trên các báo, đài chủ lực, như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Hà Nội Mới, Báo Người đại biểu nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam. Các báo, tạp chí, đài phát thanh và truyền hình, các nhà xuất bản phát hành sách, mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên luận, tọa đàm, phỏng vấn, bình luận,… giới thiệu các hình thức góp ý và địa chỉ cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến; phản ánh ý kiến đóng góp của nhân dân về các nội dung sửa đổi của Hiến pháp; đăng bài nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn về những vấn đề mấu chốt của Hiến pháp. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong việc dẫn dắt các diễn đàn thảo luận tập trung vào những nội dung trọng tâm, phục vụ trực tiếp việc sửa đổi Hiến pháp; trong việc chọn lọc và đăng tải các ý kiến góp ý, bảo đảm ý kiến được đăng phải tiêu biểu, chất lượng, có tính đại diện. Đặc biệt, việc phản ánh thông tin phải trung thực, khách quan. Có thể phản ánh các ý kiến khác nhau nhưng dòng chủ đạo là khẳng định những vấn đề mang tính nguyên tắc.
Hệ thống đội ngũ báo cáo viên được xây dựng ở cả Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn tuy có sự đa dạng về thành phần và khác nhau về trình độ, nhưng rất được chú trọng phát huy tham gia mạnh mẽ vào sự kiện này. Các báo cáo viên có nhiệm vụ giới thiệu đầy đủ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt chú trọng vào những điểm mới hoặc sửa đổi quan trọng; phân tích những vấn đề trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng loại đối tượng đóng góp. Đây là lực lượng quan trọng trong việc hướng dẫn nội dung thảo luận cho quần chúng; trực tiếp giải đáp những vấn đề mà nhân dân chưa hiểu, chưa rõ hay đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc trong quá trình tuyên truyền các nội dung sửa đổi Hiến pháp.
Trong suốt quá trình tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo, mỗi cán bộ, đảng viên chính là một “báo cáo viên không chuyên” khi họ phát huy tính hạt nhân, nêu cao tinh thần gương mẫu trong việc tham gia nghiên cứu đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung tuyên truyền về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhất là thời gian cao điểm với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú và sáng tạo; tổ chức các hội nghị lấy ý kiến ở địa phương, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học tùy theo đặc thù nghề nghiệp, môi trường làm việc, nội dung liên quan trực tiếp đến đối tượng hoặc những hội nghị chuyên sâu dành cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên ngành tư pháp, hội luật gia, học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học có chuyên ngành luật; nắm diễn biến tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai; kịp thời định hướng dư luận và xử lý những vấn đề vướng mắc nảy sinh.
Việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn không chỉ hướng tới các tầng lớp nhân dân trong nước mà còn đối với cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức đại diện của nước ngoài ở Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, các nhà khoa học, khách du lịch đến nghiên cứu, tham quan Việt Nam. Với những lợi thế về ngôn ngữ, môi trường công tác, quốc gia sinh sống và cả những tình cảm yêu mến, khâm phục đối với đất nước, con người Việt Nam… nếu được phát huy, họ sẽ là một lực lượng quan trọng, hoạt động rất hiệu quả, khách quan, thuyết phục đối với cộng đồng quốc tế khi giới thiệu về sự kiện chính trị quan trọng đang diễn ra ở Việt Nam, về tinh thần dân chủ xã hội chủ nghĩa trong quá trình sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam, về thiện chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường được sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trên con đường hội nhập.
Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần phải chú ý đến phương thức chống lại các loại thông tin phản tuyên truyền của các thế lực thù địch và uốn nắn kịp thời những nhận thức, phát ngôn lệch lạc ngay trong nội bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm cung cấp những thông tin chính thống dẫn dắt nhận thức của xã hội, bảo vệ tính đúng đắn của Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối của Đảng; bác bỏ những quan điểm sai trái, nhất là những quan điểm, như: Phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận con đường đi lên XHCN; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp, đòi đổi tên Đảng, tên nước; đòi lập các tổ chức, mà thực chất là hình thức núp danh để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, muốn nước ta đi theo con đường xã hội dân chủ và thể chế chính trị tư sản...
Các cơ quan thông tin đại chúng nêu cao vai trò xung kích trong đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, gây rối, phá hoại việc thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, nhất là những quan điểm, như: Phủ nhận đóng góp của Hiến pháp năm 1992; xuyên tạc dân chủ XHCN trong quá trình thực thi Hiến pháp và pháp luật; vu khống, xuyên tạc quyền công dân, quyền con người trong Hiến pháp; thổi phồng sơ hở, yếu kém của hệ thống chính trị để kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ. Uốn nắn, khắc phục những quan điểm, nhận thức lệch lạc, không đầy đủ về dân chủ và pháp chế XHCN; phê phán những quan điểm cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không tạo ra những chuyển biến lớn; quá trình sửa đổi tiến hành hình thức, không bảo đảm dân chủ. Đăng tải một số bài trọng tâm bàn về dân chủ XHCN để hạn chế tối đa nhầm lẫn trong cách hiểu. Quản lý chặt chẽ thông tin từ các cuộc hội thảo, tọa đàm về sửa đổi Hiến pháp năm 1992; không phổ biến, tán phát các quan điểm cá nhân. Động viên, khuyến khích các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia viết bài phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của kẻ địch trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng internet, các trang điện tử hải ngoại.
Công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong quá trình thực hiện sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được coi trọng; đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong các giải pháp đấu tranh. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị nhằm kiên định những vấn đề quan điểm có tính nguyên tắc, bồi đắp ý chí kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, tri thức về Hiến pháp, pháp luật cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, tăng sức đề kháng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trước những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch.
3. Sau thời gian lấy ý kiến nhân dân, công tác thông tin, tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh, với trọng tâm là tuyên truyền thắng lợi của việc lấy ý kiến nhân dân, kết quả tập hợp các ý kiến đóng góp và tiếp tục tiếp thu những ý kiến đóng góp sau thời điểm trên đến trước khi Hiến pháp được chính thức ban hành. Nội dung thông tin, tuyên truyền vào thời điểm này là tập trung vào thành công của việc lấy ý kiến của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; khẳng định đó là sự kiện chính trị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao ý thức chính trị cho người dân, thông qua biểu hiện, như: Số lượng người tham gia ý kiến; tinh thần trách nhiệm, tâm huyết trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân; chất lượng ý kiến góp ý; chất lượng giữa bản Dự thảo và bản được sửa đổi qua việc lấy ý kiến; năng lực thực hành dân chủ XHCN của người dân… Tiếp tục khẳng định tính chất dân chủ, đúng pháp luật của quá trình lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; phản ánh dư luận tích cực của thế giới về sự kiện này của Việt Nam; biểu dương những đơn vị, địa phương triển khai tốt công tác lấy ý kiến nhân dân; nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân sống và làm việc theo tinh thần Hiến pháp và pháp luật…
Đất nước ta vừa đi qua năm 2012 với nhiều sự kiện, dấu ấn nổi bật. Trong bối cảnh phức tạp, nhiều khó khăn, thử thách, với sự nỗ lực cao độ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự nghiệp đổi mới đất nước đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Những ngày đầu năm 2013 này, cả nước lại đang khẩn trương, tích cực triển khai các nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có việc góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Sự thành công của việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có sự tham gia đắc lực của công tác thông tin, tuyên truyền, sẽ tạo được những động lực quan trọng tiếp tục việc thể chế hóa, hiện thực hóa những nội dung tư tưởng, đường lối chỉ đạo của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và các văn kiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng./.
TS. Bùi Thế Đức
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương