Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 13/3/2013 22:54'(GMT+7)

Hoàn thiện các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Ngày 13/3, tại Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Góp ý hoàn thiện các quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Đây là cũng là nội dung đề tài độc lập cấp Nhà nước thuộc nhánh số 7 do Viện Nhà nước và Pháp luật thực hiện với sự chủ trì của Viện nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Đánh giá về những điểm mới trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, PGS.TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng: Bản dự thảo Hiến pháp 1992 đã làm rõ hơn về chủ quyền nhân dân khi ghi nhận các quyền con người, quyền công dân. Việc chuyển vị trí chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ chương V lên chương II là một việc làm hết sức hợp lý, thể hiện được kết cấu logic của một bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ. Điều này cũng thể hiện một tư duy mới về quyền con người, quyền công dân và giá trị, vị trí của vấn đề này trong trật tự nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, điều này còn thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao các giá trị của quyền con người. Việc sửa đổi tên chương thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” cũng thể hiện được sự phân biệt rõ ràng giữa quyền con người và quyền, nghĩa vụ của công dân.

Về nội dung này, Ths. Nguyễn Linh Giang, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu về quyền con người, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng: Dự thảo đã có sự phân biệt khá rõ ràng giữa các quyền thuộc về công dân Việt Nam và các quyền thuộc về mọi đối tượng có mặt hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy vậy, vẫn còn một số điều phải được thể hiện là “mọi người có quyền” thì mới đảm bảo tính chính xác. Điển hình như các điều 24 về quyền tự do đi lại, điều 26 về tự do ngôn luận, tự do báo chí, đây là các quyền con người chứ không chỉ là những quyền công dân.

Đề cập tới quyền hội họp, lập hội, biểu tình trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, PGS.TS. Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ đã tham khảo các văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản về quyền con người và Hiến pháp của một số quốc gia trên thế giới và cho biết: Hiến pháp của hầu hết các nước trên thế giới đều được ghi nhận một cách rõ ràng quyền hội họp, quyền lập hội và biểu tình của công dân. Các bản Hiến pháp của nước ta cũng thể hiện rõ ràng về các quyền này của công dân.

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với một số vấn đề như: Sự phù hợp giữa các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với các văn kiện pháp lý quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, với các văn kiện pháp lý quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Các ý kiến trên sẽ được tổng hợp và gửi đến Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong thời gian sớm nhất./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất