Nhận thức rõ vị trí, vai trò hết sức quan trọng của công tác tư tưởng trong quân đội, nhất là trong chiến đấu, hy sinh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Ngay trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ then chốt để quân đội đánh thắng quân thù, giải phóng đất nước. Công tác tư tưởng trong quân đội thời kỳ này, nhờ đó được tăng cường thường xuyên, liên tục và được đẩy mạnh cao nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, với cả 3 nội dung chính là: Giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền và cổ động.
Về công tác giáo dục lý luận chính trị: Nội dung chủ yếu trong công tác giáo dục lý luận chính trị ở thời kỳ này là tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về các chủ trương lớn của Đảng trong kháng chiến, trực tiếp là chủ trương mở chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 của Bộ Chính trị, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần phương châm tác chiến “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Đặc biệt, chủ trương thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; từ tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu đến chọn Điện Biên Phủ - nơi mạnh nhất của địch lúc đó - để tiêu diệt địch. Quán triệt và làm rõ hơn một số chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ huy luôn được giữ vững, đồng thời tổ chức chỉ đạo chặt chẽ việc chấp hành các chính sách thương binh, tử sĩ, tù hàng binh, chiến lợi phẩm... trong chiến đấu để động viên cán bộ, chiến sĩ.
Để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cần phải có một quyết tâm rất lớn và niềm tin vào chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Vì vậy, trong công tác giáo dục lý luận chính trị cần phải xác lập tư tưởng quyết chiến, quyết thắng trong toàn bộ cán bộ, chiến sĩ để làm nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù.
Xác lập tư tưởng này, Đảng ta chú trọng xây dựng lực lượng quân đội giác ngộ tinh thần dân tộc, giác ngộ tính giai cấp; thấu suốt đường lối, chủ trương quân sự, phương châm tác chiến và tư tưởng chiến thuật của Đảng; ý nghĩa, mục đích của chiến dịch, nâng cao lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng là những nhân tố rất quan trọng để xây dựng tinh thần quyết chiến quyết thắng.
Để khắc phục đối trọng về vũ khí giữa ta và địch, Đảng ta cũng quan tâm đến việc rèn luyện kỹ thuật cho các binh chủng tham gia chiến dịch và tăng cường trang bị kỹ thuật cho họ trên tinh thần chí nghĩa của cha ông, “lấy ít địch nhiều”, “Lấy trí nhân để thay cường bạo”, tích cực động viên các cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần triệt để cách mạng, tinh thần chiến đấu anh dũng, tinh thần chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, đồng thời tích cực học tập để nhanh chóng nắm vững và sử dụng tốt các binh khí kỹ thuật với lòng quả cảm sâu sắc.
Đây là lần đầu tiên quân ta đánh vào một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp, lại phải chiến đấu kéo dài, liên tục trong những điều kiện gian khổ thiếu thốn về nhiều mặt; cùng với thời tiết không thuận lợi khiến trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ xuất hiện tâm lý hoang mang, dao động, giảm sút ý chí tiến công, thiếu tích cực tiêu diệt địch, bi quan, hoài nghi thắng lợi, đánh giá địch cao... Để khắc phục tình trạng đó, Đảng ta đã tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong tất cả các đơn vị trong và ngoài mặt trận, đến tất cả cán bộ, chiến sĩ nhằm đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực. Với tinh thần phê bình và tự phê bình nghiêm khắc, trung thực và thẳng thắn, cấp trên làm gương cho cấp dưới, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhau. Nhờ đó, tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực từng bước được đẩy lùi, tinh thần hăng hái xung phong của quân nhân được xốc lại.
Cùng với công tác giáo dục lý luận chính trị chống hữu khuynh tiêu cực, Đảng cũng chú trọng ổn định đời sống, tâm lý quân dân thông qua các chủ trương lớn như cải cách ruộng đất, chính sách hậu phương quân đội, chính sách thương binh, tử sĩ... Đặc biệt, chủ trương cải cách cách ruộng đất được tuyên truyền rộng rãi đến từng mặt trận, đến từng trận đánh. Những người nông dân mặc áo lính nghĩ về nơi đang diễn ra cuộc cải cách ruộng đất để đem lại quyền lợi thiết thực nhất cho gia đình họ là ruộng đất với niềm tin và hy vọng về một “cuộc giải phóng điền địa về tay nông dân”. Khi Luật Cải cách ruộng đất được ban hành đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của quân và dân ta trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ.
Về công tác tuyên truyền và công tác cổ động trong chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục được đẩy mạnh và giúp thực hiện thành công các nội dung hoạt động của công tác tư tưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tuyên truyền tiếp tục phát huy vai trò to lớn trong Chiến dịch. Đặc biệt, các lực lượng tuyên truyền, nhất là báo chí đã bám sát trận địa, nắm vững thế trận lòng dân, tổ chức tuyên truyền, cổ động đến từng đơn vị, từng địa phương, từng cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu trên các chiến trường. Đầu năm 1954, Tổng cục Chính trị đã chủ trương đưa một số phóng viên báo Quân đội nhân dân lên Tây Bắc để viết bài và xuất bản tại mặt trận. Dưới mỗi tờ báo đều có hàng chữ “xuất bản tại mặt trận”. Các bài báo đã trở thành một thứ vũ khí, một “binh chủng” đặc biệt trên các chiến hào, góp phần to lớn trong sức mạnh tổng hợp của quân đội ta, viết nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền tiếp tục phát huy hoạt động bằng các hình thức cổ động truyền đơn, khẩu hiệu, bảng tin, tranh cổ động... đặc biệt là trong công tác địch vận, kêu gọi những người Việt đi lính cho Pháp “Không theo giặc Pháp bắn đồng bào”, “Không làm bia đỡ đạn cho giặc Pháp”, “Anh em Khố đỏ hãy quay súng bắn lại giặc Pháp”, “Bỏ hàng ngũ giặc Pháp quay về với Tổ quốc”… Đây là một mũi đấu tranh lợi hại nhằm giác ngộ binh lính trong quân đội xâm lược Pháp, nhất là những người Việt đi lính cho Pháp, lôi kéo họ về phía cách mạng, làm tê liệt và tan rã hàng ngũ địch. Công tác binh vận đã góp phần quan trọng vào việc đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp. Kế thừa những giá trị văn hoá, văn nghệ đã có được trong giai đoạn trước của cuộc kháng chiến, hoạt động văn hoá, văn nghệ trong chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục có bước tiến rõ rệt. Phong trào thơ ca, phong trào ca hát cũng được phát triển mạnh mẽ. Một số vở kịch của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị đã được biểu diễn, trong đó tiêu biểu có vở hoạt kịch “Hòn đá” do Đỗ Nhuận và Mạnh Thắng sáng tác.
Cùng với tuyên truyền cổ động cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta, phong trào nêu cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ và chi bộ Đảng trên các mặt trận luôn có tác động to lớn đối với việc động viên, cổ vũ tinh thần các chiến sĩ. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường như lấy thân mình chèn pháo, lấp lỗ châu mai, làm giá súng.v.v. đã được nêu gương, phổ biến kịp thời, trở thành biểu tượng thôi thúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ thi đua tiêu dịệt địch trong toàn chiến dịch. Công tác tuyên truyền, cổ động cũng được đẩy mạnh bằng việc phổ biến kịp thời những bức thư của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Ban Chỉ huy trận địa và của các đoàn thể để động viên tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ. Cùng với đó là kịp thời giải quyết những thắc mắc cho các chiến sĩ, giải thích và giới thiệu những kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường để làm giảm bớt thương vong, nắm chắc mọi cơ hội để cổ động không ngừng tinh thần chiến đấu của bộ đội, làm tăng thêm niềm tin của họ vào thắng lợi cuối cùng.
Trải qua 56 ngày đêm, với 3 đợt tấn công, ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của ta trên nóc hầm của tướng Đờ Cátxtơri, chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Có nhiều nguyên nhân làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có vai trò quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng đối với quân đội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tư tưởng đã phát triển toàn diện với những hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, tích cực, tạo nên nguồn sức mạnh chính trị, tinh thần của quân đội ta - một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 -1954.
Những bài học kinh nghiệm của Đảng ta trong công tác tư tưởng đối với quân đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị đến hiện nay để Đảng ta tiếp tục nghiên cứu và vận dụng vào quá trình xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta đã chứng minh vai trò quan trọng của công tác tư tưởng, góp phần quyết định làm cho bộ đội tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh tình hình hiện nay khi trên thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ và vận hội, khó khăn và thách thức đan xen; xu thế quốc tế hóa và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đang đặt ra yêu cầu cao đối với công tác tư tưởng, nhất là việc định hướng nhận thức, tư tưởng cho bộ đội trước các luồng thông tin phức tạp, trái chiều, có sự kích động, chống phá của các thế lực thù địch với mưu đồ thực hiện “phi chính trị hóa quân đội”. Mặt khác, những cuộc chiến tranh diễn ra trên thế giới những năm gần đây cho thấy các loại vũ khí công nghệ cao được sử dụng mang tính sát thương và hủy diệt ngày càng lớn, đã và đang gây ra tâm lý lo lắng trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng ý chí quyết tâm của quân đội ta. Do đó, việc phát huy vai trò của công tác tư tưởng nhằm không ngừng củng cố và nâng cao quyết tâm chiến đấu của quân đội ta hiện nay là hết sức cần thiết.
Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ 1954, quan tâm và làm tốt công tác tư tưởng trong điều kiện cách mạng mới sẽ giúp cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội giữ vững truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có ý chí quyết chiến, quyết thắng không gì lay chuyển được. Mọi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng quân đội phải được vũ trang lý luận và đường lối đúng đắn của Đảng, gắn chặt mật thiết với quần chúng nhân dân; ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trước hết, tăng cường học tập lý luận, trau dồi thực tiễn, nêu cao tinh thần gương mẫu, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, cần kiệm liêm chính; phòng chống mọi biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, các phần tử suy thoái bất mãn trong quân đội, tự rèn luyện và tự sàng lọc mình trong mọi hoàn cảnh để xứng đáng với hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
Với một dân tộc có quyết tâm cao, có Đảng sáng suốt dẫn đường, một quân đội anh hùng được tôi luyện, bách chiến bách thắng trong các cuộc chiến tranh ái quốc và gương mẫu, tiên phong trong bảo vệ hòa bình; được Đảng tin cậy và nhân dân tin yêu, xây đắp nên một “thế trận lòng dân” vững chắc như vậy, sẽ không một thế lực xâm lược cường bạo nào có thể khuất phục được. Bình yên trên đất nước ta sẽ luôn được bảo vệ trường tồn và không ngừng phát triển./.
ThS. LÊ HẢI YẾN, ThS. LÊ THỊ HUYỀN
Khoa Xây dựng Đảng – Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa