Dự phòng Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 9 chương trình hành động trong chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với các địa phương trong cả nước những năm qua, Trung tâm phòng chống HIV tỉnh Lai Châu cũng đã có những hoạt động tích cực chung tay cùng cộng động ngăn chặn và khống chế tỷ lệ nhiễm HIV đến mức thấp nhất.
Thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cùng với hoạt động chuyên môn trung tâm đã tăng cường các hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông nhằm thay đổi hành vi nhận thức của cả cộng động. Với sự chỉ đạo quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo tỉnh, ngành Y tế tỉnh và sự nỗ lực của cán bộ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), Chi cục dân số đã đồng hành cùng nhiều chương trình dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống HIV/AIDS.
Đặc biệt, trong tháng chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với chủ đề “Vì những đứa con không nhiễm HIV” được phát động trên địa bàn toàn tỉnh vào tháng 6 hàng năm. Cũng hoạt động này Trung tâm PC HIV/AIDS, Trung tâm CSSKSS tiếp tục phát động cùng chiến dịch “ Tăng cường truyền thông, vận động cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ” tháng 9 – 10/2011. Kể từ khi triển khai thực hiện chương trình phòng lây truyền mẹ con (PLTMC), Lai Châu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bước đầu làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đã tạo bước chuyển biến nhằm thay đổi thực trạng đáng lo ngại trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ truyền sang con. Việc chẩn đoán HIV kết hợp tư vấn, xét nghiệm HIV với việc chăm sóc thai nghén, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ trong thời gian mang thai là điều hết sức quan trọng để sớm có những biện pháp can thiệp thích hợp nhằm giảm thiểu sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mang thai đến lúc chuyển dạ mới được làm xét nghiệm HIV còn khá cao. Số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất lại nằm trong giai đoạn lúc bà mẹ chuyển dạ, chiếm từ 10-20% trong khi trẻ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ chỉ từ 5-10%. Nếu được chăm sóc, can thiệp sớm trong thời kỳ mang thai thì tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 5%. Thông qua đó khuyến khích phụ nữ mang thai nên thực hiện tự nguyện đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm HIV. Nên việc nâng cao tính sẵn có và chất lượng của dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV ngay từ y tế cơ sở triển khai tới tận xã, phường vẫn là cách thức tốt nhất để tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai chấp nhận xét nghiệm HIV tự nguyện sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai chấp nhận xét nghiệm tự nguyện HIV sớm vẫn còn là thách thức không nhỏ đối với ngành Y tế nói chung và người làm công tác phòng, chống HIV nói riêng, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
|
Hội viên Hội phụ nữ xã Tả Lèng trong một buổi mít tinh PLTMC
|
Trước những khó khăn, do phong tục tập quán, trình độ nhận thức của chị em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao còn hạn chế, ít có cơ hội tiếp xúc với những dịch vụ y tế. Cán bộ Trung tâm đã cùng với y tế cơ sở về tận các thôn bản để tuyên truyền vận động phụ nữ mang thai cùng hưởng ứng tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và nhiều hoạt động được triển khai nhằm hạn chế tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con và "trao" quyền được làm mẹ cho nhiều chị em bị nhiễm HIV/AIDS.
Phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức nhiều hoạt động truyền thông hướng vào chiều sâu tuyên truyền trực tiếp như nói chuyện thảo luận nhóm thông qua đội ngũ tuyên tuyền viên, cộng tác viên, y tế thôn bản và mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản của hệ thống bảo vệ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình các tuyến. Trong đó, tập trung ưu tiên cho đối tượng phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các cụm dân cư là địa bàn nóng về HIV. Lựa chọn những hình thức cho phù hợp với từng địa phương, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.. cụ thể hoá nội dung tuyên truyền với nhiều hình thúc phong phú dễ hiểu, dễ nghe như: tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ truyền thông tại các điểm bản xã, phường trọng điểm, xây dựng cụm panô áp phích khẩu hiệu băng dôn tại các điểm đông dân cư. Các hoạt động truyền thông phổ biến Luật phòng chống HIV/AIDS đặc biệt chú trọng phổ biến rộng rãi thông điệp về phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và trách nhiệm của cả cộng đồng nói chung bao gồm cả người nhiễm HIV trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, dự phòng lây nhiễm HIV. Qua đó, chỉ rõ cho họ thấy được vai trò trách nhiệm của mình trong việc phòng chống HIV/AIDS tại các địa phương, cơ quan tổ chức mình, phổ biến rộng rãi thông điệp về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên các phương tiện thông tin đại chúng: đài PTTH tỉnh, các huyện và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, phát tờ rơi những ấn phẩm tại các điểm công cộng, tổ chức các buổi nói chuyện dự phòng lây truyền mẹ con tại các bệnh viện, cơ sở y tế có đối tượng trên là bệnh nhân điều trị ngoại trú. Nhằm thay đổi hành vi, nhận thức can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội, chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS cung cấp các dịch vụ cho những phụ nữ nhiễm HIV. những hoạt động đó đã tác động mạnh mẽ tới đại đa số công chúng, làm thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Cùng với đó, tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) phòng, chống HIV/AIDS ở các cơ sở như CLB Hương Chè của phường Quyết Thắng…
Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, chính quyền, huy động sự tham gia của các cấp ngành, chính quyền địa phương và toàn thể xã hội đặc biệt là những phụ nữ trong các nhóm đối tượng chính của chiến dịch trong việc triển khai can thiệp về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh đó lồng ghép các hoạt động của ngành y tế cũng như các hoạt động chuyên môn của chương trình phòng chống HIV/AIDS, chương trình CSSKSS, chương trình dân số KHHGĐ, sinh hoạt của Hội phụ nữ các cấp.
Đồng thời, cung cấp gói dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con bao gồm: tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai, phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV; chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ họ; cung cấp sữa cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV đến ít nhất 6 tháng tuổi; giới thiệu và chuyển tiếp những phụ nữ và trẻ em thuộc các nhóm trên tới các dịch vụ chăm sóc điều trị thông qua các phòng khám ngoại trú tại các TTYT huyện/ bệnh viện đa khoa tỉnh.
Nhờ hình thành hệ thống gói dịch vụ này và được triển khai hoạt động, số lượng phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng cũng tăng lên hàng năm. Từ đầu năm đến nay, đã có 2.135 phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, đã lấy được 717 mẫu xét nghiệm HIV tự nguyện của bà mẹ mang thai điều này có ý nghĩa trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh giai đoạn 2010-2015.
Ở nước ta, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trung bình vào khoảng 30% - 40%, ước tính mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra đã nhiễm HIV. Nhưng nếu được tuyên truyền, tư vấn chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thích hợp thì tỉ lệ này sẽ giảm đáng kể, chỉ còn dưới 5%. Điều đó có nghĩa khoảng 1.250 cháu đã thoát khỏi nhiễm HIV, đây là con số hết sức có ý nghĩa về nhiều mặt xã hội cũng như giảm thiệt hại về kinh tế.
Việc tuyên truyền, quảng bá và sự hoạt động hiệu quả của Phòng lây truyền mẹ con đã đem lại quyền được làm mẹ cho nhiều phụ nữ bị nhiễm HIV. Triển khai chương trình can thiệp hiệu quả Dự án phòng, chống HIV/AIDS đang góp phần tích cực nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư và giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Những hoạt động thiết thực này đã giúp cho người nhiễm HIV/AIDS thấy cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Vì vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài phức tạp cần sự tăng cường quản lý, chỉ đạo, phối hợp liên ngành và huy động mọi người dân, toàn xã hội tham gia. Trong đó công tác tuyên truyền dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nằm trong nhóm giải pháp về công tác chăm sóc toàn diện và giảm tác động của đại dịch HIV/AIDS.
Nguyễn Nga/Báo Lai Châu