Thứ Tư, 25/9/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 3/10/2011 20:59'(GMT+7)

Tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Bệnh tay chân miệng đang diễn biến rất phức tạp, nhất là số ca mắc duy trì ở mức cao. Vì vậy, các bậc cha mẹ, người dân cần chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 2.091 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 51 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong (Kiên Giang và Cà Mau).

Một số địa phương có nhiều người mắc bệnh cao trong tuần là: Đồng Nai (267), TP. Hồ Chí Minh (235), Đồng Tháp (175), Hòa Bình (142), Quảng Ngãi (136), Bà Rịa - Vũng Tàu (134), Đắk Lắk (119), Sóc Trăng (105), Bến Tre (102) và Khánh Hoà (100).

Như vậy tính từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 61.800 trường hợp mắc căn bệnh này ở 61 địa phương. Số tử vong là 114 trường hợp.

Các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực các tỉnh phía Nam (chiếm 69,1% số mắc và 89,5% số tử vong của cả nước). Các trường hợp tử vong chủ yếu là trẻ nam (71,2%) dưới 3 tuổi (80,2%).

Hiện tại dịch tay chân miệng vẫn đang duy trì ở mức cao với trên 2.000 ca mắc/tuần.

Tính đến cuối tháng 9/2011, tại Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur đã ghi nhận hơn 1.330 mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh tay chân miệng, chiếm 75,3%, trong đó có 757 mẫu dương tính với EV71 (42,8%) và 575 mẫu dương tính với các EV khác (32,5%).

Tuy nhiên, cho đến nay không có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ.

Dự báo về tình hình dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta trong thời gian tới, Cục Y tế Dự phòng cho biết, dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, gia tăng số mắc và tử vong.

Lý do trước hết là theo thống kê hàng năm bệnh tay chân miệng tăng cao từ tháng 9 đến tháng 11.

Mặt khác, trong 12 tuần gần đây, số ca mắc bệnh tuy không tăng nhưng mức độ giảm chậm do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chưa nhiều.

Điều cần lưu ý là hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tay chân miệng, Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều công điện, chỉ thị hướng dẫn phòng chống dịch. Trong đó có “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng”; “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng”.

Cục Y tế Dự phòng cho biết, để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, cần tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện Công điện số 1439/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng.

Trong các biện pháp này, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh là rất quan trọng./.
 
(Theo: Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất