Thứ Tư, 25/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 1/10/2011 19:47'(GMT+7)

Quảng Ninh, Đắk Lắk: Ngăn chặn dịch tay chân miệng lây lan trong cộng đồng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

* Ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại tỉnh này mới phát sinh 2 ổ dịch bệnh tay chân miệng đều ở huyện Hoành Bồ, gồm: điểm trường Mầm non thôn Tân Lập, xã Tân Dân và điểm trường Mầm non Khe Lèn, xã Đồng Lâm với tổng số 9 trẻ bị bệnh .

Để ngăn không cho dịch lây lan mạnh ra cộng đồng, huyện Hoành Bồ đã cho 2 điểm trường kể trên tạm thời nghỉ học. Đồng thời Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ, Phòng Giáo dục huyện, xã Tân Dân, xã Đồng Lâm đã tổ chức, hướng dẫn giáo viên 2 trường mầm non và các điểm trường trên địa bàn xã vệ sinh khử khuẩn lớp học, bàn ghế, dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ bằng hoá chất Cloramin B . Tính đến 30/9 tỉnh Quảng Ninh đã có 12 /14 huyện, thành phố với 228 trường hợp bị bệnh tay chân miệng .

* Theo Sở Y tế Đắk Lắk, tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn vẫn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan rất nhanh và khó kiểm soát. Số ca mắc bệnh đang tăng theo cấp số nhân.

Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.513 ca bệnh tay chân miệng (trong đó có 1 trường hợp tử vong), tại 154 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố, với 98 ổ dịch. Dịch tập trung nhiều ở các địa phương khu vực phía Bắc tỉnh Đắk Lắk, gồm thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Buk, Cư M’gar và Ea H’leo. Tỷ lệ mắc TCM của tỉnh hiện là 80,5/100.000 dân và khoảng 95% số ca bệnh nằm ở nhóm trẻ em dưới 3 tuổi. Bệnh tăng nhanh đột biến trong tháng 8 (574 ca) và tháng 9 (795 ca), có tuần số ca mắc bệnh lên tới 300 trường hợp.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh tăng đột biến, bác sĩ Cao Minh Toàn - Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho là do công tác chống dịch chưa quyết liệt, người dân vẫn còn chủ quan, xem việc phòng chống dịch là của ngành y tế.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngành y tế Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo các tuyến y tế cơ sở ngoài việc tích cực điều trị cho các ca mắc bệnh, khoanh vùng dập dịch, vệ sinh môi trường, cần chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, đưa công tác tuyên truyền về bệnh chân tay miệng về tận thôn, buôn, từng hộ gia đình, các trường học, nhất là trường mầm non và tiểu học. Ngành phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh tập trung xử lý các điểm nóng về dịch. Đặc biệt, Sở sẽ cùng các ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức của người dân và đội ngũ y tế xã phường, xem đây là khâu mấu chốt trong công tác phòng, chống loại dịch nguy hiểm này. Tỉnh Đắk Lắk chi tiếp 3 tỷ đồng cho công tác phòng, chống bệnh TCM./.

PV tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất