Thứ Ba, 3/12/2024
Nghiên cứu
Chủ Nhật, 18/7/2021 22:41'(GMT+7)

Công tác tuyên truyền trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Tây Bắc

Trồng cây dược liệu trên đất dốc ở tỉnh Lào Cai.

Trồng cây dược liệu trên đất dốc ở tỉnh Lào Cai.

LÀM THAY ĐỔI NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG

Trong quá trình phát triển, có thể nhận thấy, cơ cấu kinh tế ở vùng Tây Bắc còn nhiều bất cập, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa bền vững, bộc lộ nhiều hạn chế như: ngành nông nghiệp chậm được tái cơ cấu, tỷ trọng ngành trồng trọt cao, ngành chăn nuôi chưa phát triển; ngành công nghiệp có quy mô nhỏ bé, chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp; ngành dịch vụ chậm phát triển, chưa phát huy được lợi thế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và năng lực cạnh tranh chưa cao.

Bên cạnh đó, một loạt vấn đề đang đặt ra đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các tỉnh Tây Bắc như: trình độ dân trí thấp; kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp còn lạc hậu; tình trạng du canh, du cư, đốt phá rừng làm nương, độc canh và quảng canh vẫn phổ biến, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu; chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…

Vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và các huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An với diện tích tự nhiên hơn 80.000 km2, gần bằng 1/4 diện tích cả nước; là cửa ngõ phía Tây của Tổ quốc, có biên giới với Lào, Trung Quốc, có nhiều tiềm năng to lớn, nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy điện và du lịch sinh thái. Sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập, kinh tế vùng Tây Bắc đã có bước chuyển tích cực trên một số mặt, song cho đến nay Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất nước ta

Chính vì vậy, để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, với hệ thống các giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng hơn nữa tới công tác tuyên truyền.

Công tác tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải được coi vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu nhằm khai thông, mở đường cho việc quy tụ và giải phóng sức sản xuất xã hội đưa các tỉnh Tây Bắc tiến kịp sự phát triển chung của cả nước.

Công tác tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế là công cụ quan trọng nhằm hiện thực hóa chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là tiền đề quan trọng để các chính sách kinh tế được tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả; đồng thời có vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao nhận thức, cổ vũ động viên, thay đổi hành vi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Tây Bắc. Cụ thể là:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ mới và khó, chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Do đó, công tác tuyên truyền không chỉ nhằm nâng cao nhận thức mà còn góp phần trang bị những kiến thức về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Những kiến thức này giúp các chủ thể và đối tượng tuyên truyền lượng hóa đầy đủ, chính xác tiến trình phát triển, thấy rõ kết quả của từng chỉ tiêu, giải pháp. Qua đó giúp họ có đủ niềm tin và quyết tâm, tận dụng mọi thời cơ, vượt qua thách thức thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

So với các địa phương khác trong cả nước, đời sống kinh tế của các tỉnh miền núi Tây Bắc nhìn chung vẫn còn nghèo, trình độ dân trí thấp, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm hơn. Trong khi đó, yêu cầu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra với nhịp độ nhanh, cường độ ngày càng cao, đòi hỏi không chỉ diễn ra theo chiều rộng mà còn phải phát triển theo chiều sâu. Đây là mâu thuẫn cơ bản phải tập trung giải quyết triệt nhằm tạo ra những động lực vật chất, tinh thần cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Những động lực này không tự nhiên có được, không hiện hữu trong một cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc một cá nhân, tập thể cụ thể mà được hình thành trên cơ sở khơi dậy trí tuệ, tâm huyết và nguồn lực của tập thể, hệ thống chính trị ở các địa phương trong khu vực Tây Bắc.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải bằng sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị cơ sở và người dân. Do đó, công tác tuyên truyền đã vừa là cầu nối đưa chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến với mỗi người dân, vừa định hướng nhận thức cho cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền cơ sở; xây dựng tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể và sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thứ hai, góp phần cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân các tỉnh Tây Bắc thực hiện tốt chủ trương, chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuyên truyền luôn gắn liền với cổ động. Theo đó, công tác tuyên truyền nhìn chung đã làm tốt nhiệm vụ cổ vũ, động viên, thúc đẩy cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào, biến nhận thức, niềm tin thành nhiệt huyết, hành động; khơi nguồn động lực, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, hiện thực hóa mục tiêu. Thực tế cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền gắn liền với cổ vũ, động viên thì nhận thức, niềm tin của người dân được nâng cao, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế được triển khai nhanh và bền vững, kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Cùng với việc cung cấp những kiến thức về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những kinh nghiệm thành công ở các địa phương, công tác tuyên truyền cũng đã kịp thời giải đáp những khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó phát sinh trong tổ chức thực hiện.

Nâng cao nhận thức, xây dựng niềm tin chính là tiêu chí, thước đo quan trọng nhất đánh giá tính đúng đắn, hiệu quả của nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện tuyên truyền.

Bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó các phương tiện kỹ thuật số đang là điều kiện quan trọng để công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả ở Tây Bắc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải cân nhắc, lựa chọn những nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện truyên truyền phù hợp, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Không nên lệ thuộc hoàn toàn vào công nghệ, phương tiện kỹ thuật mà coi nhẹ hoặc bỏ qua những phương pháp, cách thức truyền thống, nhất là những hình thức tuyên truyền mang tính đặc thù, đặc trưng ở những cộng đồng, địa bàn vùng cao.

Trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tuyên truyền không chỉ để “tuyên truyền”, mà còn góp phần phát hiện những hạn chế, bất cập liên quan cơ chế, chính sách. Đồng thời phát hiện và nhân rộng những kinh nghiệm quý trong tổ chức thực hiện, những mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp từ chính người dân. Cùng với việc nêu gương để đồng bào học tập kinh nghiệm, công tác tuyên truyền đã cơ bản làm tốt việc biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt để tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao tính “cạnh tranh”, thi đua trong cộng đồng và giữa các địa phương.

Công tác tuyên truyền còn góp phần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc nói chung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói riêng.

Thứ ba, “chuyển hóa” nhận thức thành hành động tích cực.

Trên cơ sở từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết, các hoạt động tuyên truyền đã hướng tới mục tiêu thúc đẩy hành động tích cực của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. “Chuyển hóa” sự thụ động, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước thành ý thức chủ động, tự giác, sáng tạo trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, coi đó là công việc của bản thân, gia đình và địa phương mình; chủ động thay đổi cách thức sản xuất cũ, tìm tòi sáng tạo các cách thức sản xuất mới; chủ động phát huy nội lực và tinh thần cộng đồng; tự giác đóng góp công sức, vật chất, cơ sở trong triển khai xây dựng công trình giao thông, công trình phúc lợi xã hội...

Ngoài trách nhiệm cùng tham gia làm công tác tuyên truyền, đa số cán bộ, đảng viên ở mỗi cơ sở, địa phương đã tích cực chủ động, gương mẫu “làm trước” “đi trước” để quần chúng nhân dân noi theo; tích cực tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến; chủ động tổ chức thực hiện và giám sát quá trình triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội...

Thứ tư, trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khó khăn nhất là “phá bỏ” được những hủ tục, thói quen đã “ăn sâu bám dễ” trong đồng bào, trong đó có cả cán bộ, đảng viên là người bản địa. Vì thế, công tác tuyên truyền đã từng bước “tìm mọi cách” để uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm, hành động bảo thủ, sai trái; đấu tranh với những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là ở các địa bàn xa xôi hẻo lánh, trình độ dân trí thấp.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các tỉnh vùng Tây Bắc thời gian qua đã cơ bản làm thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; từng bước thay đổi những thói quen lạc hậu, khơi dậy tính tích cực, sáng tạo trong các cộng đồng... Sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị là nguyên nhân quan trọng để công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả, đưa đến những kết quả chung của chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số nơi, công tác tuyên truyền vẫn chỉ là “làm cho có”, còn nặng về tính hình thức, chưa có chiều sâu, thiếu trọng tâm, trọng điểm...

QUAN TÂM THỰC HIỆN MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các tỉnh Tây Bắc, cần tiếp tục quan tâm thực hiện một số vấn đề sau:

Một là, trên cơ sở đổi mới toàn diện, cần chú ý đến tính trọng tâm, trọng điểm trong công tác tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thực chất đổi mới công tác tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các tỉnh Tây Bắc là quá trình tuyên truyền, giáo dục, quán triệt một cách phù hợp, “đúng việc đúng người” đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm mục đích thay đổi nhận thức, củng cố niềm tin, thúc đẩy hành động và khơi dậy ý thức tự giác. Quá trình này bao gồm nhiều khâu, nhiều bước, nhiều nội dung, hình thức phương pháp tổ chức thực hiện; bên cạnh theo hướng dẫn “lộ trình chung”, cần chú ý đến tính trọng tâm, trọng điểm.

Theo đó, đổi mới công tác tuyên truyền phải mang tính toàn diện, đồng bộ, không được bỏ qua hoặc coi nhẹ một khâu, một bước, một nội dung, hình thức, phương pháp nào. Tuy nhiên, mỗi đơn vị, địa bàn, lĩnh vực cụ thể lại có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau. Vì thế, việc xác định khâu nào, bước nào là trọng tâm, trọng điểm để đầu tư lực lượng, thời  gian cho phù hợp là rất cần thiết; tránh dàn trải, chung chung, thiếu thiết thực, kém hiệu quả.

Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng địa phương phải xác định nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền theo hướng chủ động, kịp thời, nhạy bén, sâu sắc, hiệu quả.

Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền phải phù hợp với đặc điểm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Đặc điểm rõ nét nhất của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các tỉnh Tây Bắc là diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng. Tuy nhiên, so với các địa phương trong cả nước, thì việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhìn chung vẫn còn thiếu chiều sâu, mất cân đối, chất lượng và tính bền vững thấp; trình độ phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng chưa đồng đều; tăng trưởng kinh tế còn “bấp bênh”; năng suất và “hàm lượng” đóng góp của khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao đối với sản phẩm còn hạn chế; chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trườngsử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất... Do đó, cần tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền để khơi dậy nguồn lực tại chỗ, phát huy tối đa lợi thế so sánh của địa phương, tạo thành phong trào sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực, tránh hình thức...

Chú trọng xây dựng những phương hướng, biện pháp cụ thể trên cơ sở đặc điểm và “hoàn cảnh cảnh lịch sử” của mỗi tỉnh, ngành, lĩnh vực, địa phương, cộng đồng tộc người; chú trọng đổi mới, vận dụng những hình thức tuyên truyền “đặc thù”. Nghiên cứu nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân theo nhóm đối tượng và từng khu vực, đặc biệt vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để có phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Thực hiện lồng ghép các nội dung tuyên truyền vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng năm và từng giai đoạn của mỗi ngành, địa phương; động viên, phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo, phản biện, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư.

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Là một bộ phận của công tác tư tưởng của Đảng, công tác tuyên truyền là khâu then chốt để chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế thực sự đi vào cuộc sống xã hội cũng như ý thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vùng Tây Bắc. Trên cơ sở những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các tỉnh Tây Bắc trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ để tạo nên sức mạnh tổng hợp từ các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên ở cơ sở - những người gần dân, sát dân, hiểu dân nhất, nắm tình hình kinh tế - xã hội của địa phương nhất.

Bên cạnh tính lan tỏa, tích cực đưa chủ trương của Đảng đến với nhân dân, công tác phối hợp tuyên truyền phải kịp thời nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, tham mưu “đúng và trúng” cho cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể trong quá trình xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện các bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Đồng thời, có biện pháp xử lý, giải tỏa kịp thời ngay từ cơ sở, sớm ổn định tình hình tư tưởng chính trị, không để phát sinh “điểm nóng” phức tạp.

Thông qua nhiều kênh, nhiều tổ chức, nhiều hình thức để tiến hành đưa thông tin trực tiếp tới các đối tượng khác nhau; phát huy vai trò của các đoàn thể, hội quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, câu lạc bộ. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan trong “binh chủng” tuyên truyền và các địa phương. Nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền trên cả 4 loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Phát huy vai trò của các loại hình văn hóa - văn nghệ vào công tác tuyên truyền, biểu dương những nhân tố mới.../.

 ThS. NGUYỄN XUÂN THẮNG

 Trường Cao đẳng Sơn La

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất