Thứ Hai, 9/12/2024
Nghiên cứu
Thứ Năm, 24/6/2021 7:59'(GMT+7)

Một số kinh nghiệm từ công tác tuyên truyền của Trung Quốc

Phát ngôn viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lập Kiên

Phát ngôn viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lập Kiên

Tuyên truyền là một bộ phận quan trọng trong công tác Đảng của Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập vào năm 1921 thì đến năm 1924 Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập. Chủ tịch Mao Trạch Đông từng chỉ ra rằng “việc thắt chặt kiểm soát truyền thông là điều kiện tiên quyết” để duy trì ổn định chính trị và ví việc “kiểm soát ngòi bút” quan trọng như “kiểm soát ngòi súng”. Trong suốt một trăm năm thành lập và phát triển vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi tuyên truyền và quản lý thông tin là ưu tiên hàng đầu, dành nguồn lực vật chất và bộ máy nhân lực đáng kể cho công tác tuyên truyền. 

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ vươn lên trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, công tác tuyên truyền và tư tưởng càng được Đảng Cộng sản Trung Quốc quan tâm, chú trọng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: Xây dựng kinh tế là công tác trọng tâm của Đảng, công tác tư tưởng là công tác cực kỳ quan trọng của Đảng. Làm tốt công tác tư tưởng hay không liên quan đến vận mệnh tương lai của Đảng, liên quan đến thời kỳ hòa bình lâu dài của đất nước, liên quan đến sự đoàn kết, thủy chung của dân tộc. Đồng thời, với việc tập trung sức người, sức của để tiến hành xây dựng kinh tế, cũng không thể trong chốc lát mà buông lỏng công tác tư tưởng. Hiểu sâu sắc tác dụng quyết định của cơ sở kinh tế đối với kiến trúc thượng tầng nhưng cũng cần hiểu sâu sắc tác động ngược trở lại của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở kinh tế, phải có cả quyền lực cứng và quyền lực mềm, vừa làm tốt công việc phát triển kinh tế, cung cấp cơ sở vật chất vững chắc để làm tốt công tác tư tưởng, ngược lại phải làm tốt công tác tư tưởng, bảo đảm vững chắc cho công tác phát triển kinh tế.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng lý tưởng và niềm tin là “chất vôi” cho tinh thần của người đảng viên Cộng sản. Nếu không có lý tưởng và niềm tin, hoặc nếu lý tưởng và niềm tin không vững vàng, thì có thể có sự “thiếu hụt canxi” về tinh thần, có thể dẫn đến “còi xương”, và có thể dẫn đến suy thoái chính trị, tham lam kinh tế, suy đồi đạo đức và băng hoại cuộc sống. Niềm tin vững chắc là nhân tố quyết định lập trường chính trị vững vàng trong cán bộ, đảng viên, chống lại mọi cám dỗ. Trong điều kiện hiện nay, môi trường, chỉ tiêu, phạm vi, phương thức tuyên truyền, công tác tư tưởng đang có nhiều thay đổi, nhưng nhiệm vụ cơ bản của công tác tư tưởng là không thay đổi và không thay đổi được. Công tác tuyên truyền, tư tưởng phải củng cố vị trí chỉ đạo của chủ nghĩa Mác trong lĩnh vực tư tưởng và củng cố cơ sở tư tưởng chung cho cuộc đấu tranh đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân.

Giáo dục lý tưởng và niềm tin không chỉ được phát động trong đảng viên, cán bộ mà phải được phát động trong toàn xã hội. Các trường Đảng, học viện cán bộ, học viện khoa học xã hội, học viện giáo dục đại học, trung tâm nghiên cứu lý luận,... đều đưa chủ nghĩa Mác trở thành môn học bắt buộc, trở thành chiến trường quan trọng để học tập, nghiên cứu và tuyên truyền chủ nghĩa Mác. Để làm tốt công tác tuyên truyền, tư tưởng, phải chấn hưng tinh thần của nhân dân, phải lấy nhân dân làm trung tâm, gắn phục vụ quần chúng với giáo dục, hướng dẫn quần chúng; tuyên truyền nhiều hơn các bài báo về những gương điển hình, những mô hình, việc làm cảm động trong nhân dân, làm phong phú thêm thế giới tinh thần của nhân dân, củng cố sức mạnh tinh thần của nhân dân, thoả mãn nhu cầu tinh thần của nhân dân. 

Tại Hội nghị Trung ương về công tác tuyên truyền và tư tưởng năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh định hướng công tác tuyên truyền nhằm hiện hóa “Giấc mộng Trung Hoa”, coi nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền và tư tưởng trong hoàn cảnh mở cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài là hướng dẫn mọi người hiểu về Trung Quốc đương đại và đối phó với thế giới bên ngoài một cách toàn diện và khách quan hơn.

Tại Hội nghị Trung ương về công tác tuyên truyền và tư tưởng năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trọng tâm công tác tuyên truyền là “Kể câu chuyện tốt và xây dựng hình ảnh đẹp của Trung Quốc”, cho rằng cùng với sự hội nhập ngày càng sâu hơn của Trung Quốc vào sân khấu thế giới, cần phải đem mặt trận tư tưởng của Trung Quốc hội nhập sâu hơn với thế giới, kể câu chuyện tốt, lan tỏa tiếng nói tốt đẹp, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của Trung Quốc. Câu chuyện tốt của Trung Quốc được kể bắt nguồn từ thành công về kinh tế cũng từ bề dày truyền thống văn hóa của Trung Quốc. Kể câu chuyện tốt của Trung Quốc đòi hỏi đổi mới và sáng tạo, đổi mới các khái niệm tuyên truyền, mở rộng các kênh thông tin, sử dụng nhiều phương pháp, tăng cường tính chuyên nghiệp, bổ sung năng lực truyền thông quốc tế, tăng nguồn lực, chuyển “chúng tôi muốn nói” thành “khán giả muốn nghe” và từ “khán giả muốn nghe” thành “chúng tôi muốn nói”, để công tác tuyên truyền trở nên sáng tạo, có cảm xúc và lan truyền mạnh mẽ hơn(1).

Gần đây nhất trong cuộc họp Bộ Chính Trị ngày 31/5/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu các nhà lãnh đạo quảng bá về thể hiện một hình ảnh "Trung Quốc đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính". Chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc cải thiện khả năng giao tiếp quốc tế của Trung Quốc, thể hiện tiếng nói trên diễn đàn ngôn luận quốc tế phù hợp với sức mạnh quốc gia và vị thế quốc tế của Trung Quốc.

Những định hướng đó được cụ thể hóa trong thực tiễn triển khai với nhiều thành công:

TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ QUẢN LÝ, LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều bước tái tổ chức bộ máy tuyên truyền, tăng quyền kiểm soát trực tiếp của Đảng đối với công tác tuyên truyền. Từ năm 2018, Trung Quốc đã giải thể Cục Quản lý Nhà nước về Báo chí, Xuất bản, Điện ảnh và Truyền hình và về cơ bản tách các ngành công nghiệp phát sóng bao gồm phát thanh và truyền hình khỏi các ngành in ấn và điện ảnh. Ngoài việc tách ra, các đài phát thanh và truyền hình chính của nhà nước như: Đài Quốc gia Trung Quốc, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc bao gồm cả chi nhánh quốc tế, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc đã được hợp nhất thành Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc (CMG) với hơn 14.000 nhân viên. Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc là một tổ chức cấp bộ được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung Quốc. Trách nhiệm quản lý đối với phim ảnh, báo chí và xuất bản đã được chuyển ra khỏi bộ máy của Chính phủ và chuyển sang sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, cụ thể là dưới sự quản lý của Cục Điện ảnh Quốc gia và Văn phòng Báo chí và Xuất bản Quốc gia thuộc Ban Tuyên giáo. Các cơ quan của Nhà nước giám sát các ngành công nghiệp báo chí và xuất bản từ năm 1970 và ngành công nghiệp điện ảnh từ năm 1949 đã được chuyển giao sang sự quản lý trực tiếp của Đảng(2). Như vậy, trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và phim ảnh đều được chuyển về Ban Tuyên giáo của Đảng. Ban Tuyên giáo trực tiếp thực hiện các định hướng về công tác tuyên truyền của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngày 31/8/2019, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành thông tư về Quy chế công tác tuyên truyền của Đảng. Thông tư nêu rõ công tác tuyên truyền là một công việc vô cùng quan trọng của Đảng và là truyền thống tốt đẹp, lợi thế chính trị để Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân không ngừng nắm bắt thắng lợi của cách mạng, xây dựng và cải cách. Việc ban hành Quy chế thể hiện tầm quan trọng to lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong công tác tuyên truyền, là nòng cốt, đánh dấu một bước tiến mới trong công tác chuẩn hóa khoa học và thể chế hóa công tác tuyên truyền. Thông tư kêu gọi các cấp ủy Đảng (tổ chức đảng) các cấp học tập và thực hiện Quy chế là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nỗ lực diễn giải, giám sát tốt công tác tuyên truyền, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo chung của Đảng đối với công tác tuyên truyền, bảo đảm việc ra quyết định chủ yếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tuyên truyền được triển khai trong thực tiễn(3).

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ, NGUỒN LỰC CHO CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Theo báo chí quốc tế, quy mô và phạm vi đầu tư hàng năm hiện nay của Trung Quốc cho các hoạt động tuyên truyền lớn đến mức không thể đưa ra được tổng ngân sách chính xác. Riêng với tuyên truyền đối ngoại, các báo cáo quốc tế đã trích dẫn các con số từ 7 đến 10 tỷ đô la Mỹ, nhưng chỉ bao gồm các khoản trợ cấp cho các phương tiện truyền thông nhắm vào người nước ngoài không phải là người Trung Quốc. Chuyên gia Mareike Ohlberg, Quỹ Marshall Đức cho biết, nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc tại nước ngoài tăng mạnh từ năm 2019. Theo Giáo sư David Shambaugh, Đại học George Washington, Trung Quốc dành đến 10 tỷ USD mỗi năm cho việc tuyên truyền trên phạm vi quốc tế, trên mọi mặt trận từ truyền thông, mạng xã hội đến quảng cáo. Năm 2009, Tân Hoa Xã đã tăng số lượng văn phòng ở nước ngoài từ 100 lên 186 đơn vị, đến nay, có 230 văn phòng trên toàn thế giới, phát tin bằng 11 ngôn ngữ. Chi tiêu của Tân Hoa xã cho tin tức đã tăng hơn 18% từ năm 2013 đến năm 2017, tăng từ 4,9 tỷ nhân dân tệ (719 triệu USD) lên 5,8 tỷ nhân dân tệ (851 triệu USD).

Cũng theo một số báo quốc tế, tài chính năm 2015 của Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng vọt khoảng 433% lên 2,5 tỷ nhân dân tệ (400 triệu USD). Sự thay đổi này phù hợp với mô hình chuyển giao trách nhiệm ra quyết định từ Nhà nước sang Đảng. Ngân sách tuyên truyền của thành phố Thượng Hải đã tăng đáng kể từ 2,5 tỷ nhân dân tệ (362 triệu đô la) vào năm 2017 lên 3,6 tỷ nhân dân tệ (563 triệu đô la) vào năm 2018, tăng hơn 40% hàng năm. Trong số 3,6 tỷ nhân dân tệ ngân sách tuyên truyền của Thượng Hải vào năm 2018, gần 90% (3,2 tỷ nhân dân tệ) được dự kiến dành cho các hoạt động tuyên truyền trong “văn hóa, thể thao và truyền thông”. Trong số 3,2 tỷ nhân dân tệ chi tiêu này, 25,5 triệu nhân dân tệ (3,7 triệu đô la) dành cho “địa điểm biểu diễn nghệ thuật”, 503 triệu nhân dân tệ (73,5 triệu đô la) cho “nhóm biểu diễn nghệ thuật” và hàng tỷ còn lại được coi là “các mục khác”, bao gồm chi cho báo chí, trang web tin tức, đài phát thanh và truyền hình, và phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành phố Thượng Hải(4).

Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành phố Thượng Hải(4).

“MƯỢN LỰC” BÊN NGOÀI CHO CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Trong bài viết có tiêu đề “Trung Quốc dùng tuyên truyền tấn công thế giới” ngày 3/6/2021, báo Le Figaro (Pháp) nhận định Trung Quốc đang ồ ạt đầu tư cho công tác tuyên truyền. Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc - CMG dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tuyển dụng nhà báo quốc tế và sẽ thành lập một cơ sở mới tại Brussels - trái tim Châu Âu, trở thành mũi nhọn mới về phát thanh và truyền hình nhằm bổ sung cho lực lượng báo chí chính thức hùng hậu của Trung Quốc đã có mặt tại nhiều quốc gia trong Liên minh Châu Âu. Ngoài thông báo tuyển dụng tại Brussels, CMG còn tìm cách mở rộng mạng lưới tại 8 chi nhánh khác ở Nairobi, London, Sao Paolo, Moskva… Từ cuối tháng 12/2020, CMG đã tuyển thêm 264 vị trí, trong đó có 82 nhân sự chuyên trách về “tuyên truyền quốc tế”. Các ứng cử viên phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất cụ thể, phải là “những nhà báo thật giỏi nghề, giao tiếp tốt, có thể tạo quan hệ với mọi giới ở phương Tây để ca ngợi Trung Quốc”(5).

Trong những năm qua, Đài Quốc gia Trung Quốc, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã tiếp tục mở rộng và ngày càng “địa phương hóa” - tức là sử dụng một số lượng lớn các chuyên gia truyền thông nước ngoài trong khi vẫn giữ quyền kiểm soát biên tập. Đài Truyền hình Trung ương đã mở các chi nhánh lớn ở Washington (Mỹ) và Nairobi (Kenya). Các chương trình phát sóng của kênh hiện xoay vòng giữa trụ sở chính ở Bắc Kinh và các studio ở Washington và Nairobi. Chương trình mới có giá trị sản xuất cao. Tuy nhiên, những câu chuyện, bài viết liên quan đến Trung Quốc phải tuân theo sự kiểm duyệt của Văn phòng Tuyên truyền Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Trung Quốc có kinh nghiệm hay trong “sử dụng sức mạnh nước ngoài để thúc đẩy Trung Quốc”, tạo dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ cùng có lợi với những nhân vật nước ngoài nổi tiếng có thể mang lại lợi thế thương mại hoặc chính trị cho Trung Quốc - những người như cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hay cựu thủ tướng Anh Tony Blair… Tại mỗi quốc gia, đều có một số nhân vật nổi bật được Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ định là “bạn của Trung Quốc”, thường xuyên được các hãng tin Trung Quốc yêu cầu viết các bài báo tích cực cho các phương tiện truyền thông Trung Quốc và tham gia các sự kiện ủng hộ các sáng kiến sức mạnh mềm của Trung Quốc.

Cách tiếp cận khác Trung Quốc sử dụng từ lâu được gọi là “mượn báo nước ngoài”. Từ những năm 2000, hoạt động này đã được mở rộng bao gồm việc đưa các bài báo của chính Trung Quốc lên các tờ báo nước ngoài hàng đầu. Ví dụ, mỗi tháng một lần, tờ Bưu điện Washington xuất bản một phụ lục trả phí từ China Daily. Tương tự, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc thực hiện chương trình trên các đài phát thanh và truyền hình nước ngoài không nói tiếng Trung(6). 

Từ những năm 1980, Trung Quốc đã thúc đẩy việc nghiên cứu tiếng Trung trên toàn thế giới, với hy vọng rằng những người học ngôn ngữ này sẽ có sự đồng cảm hơn với các quan điểm của Trung Quốc. Chỉ từ năm 2004, khi Trung Quốc bắt đầu mở các Học viện Khổng Tử, nơi giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trong các trường đại học bên ngoài lãnh thổ. Đến năm 2015, đã có 1.086 Viện và lớp học Khổng Tử trên toàn thế giới. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

CÔNG NGHỆ HÓA, CHỦ ĐỘNG DẪN ĐẦU TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Một sự kiện được coi có tác động mạnh đến định hướng, đổi mới công tác tuyên truyền của Trung Quốc là các cuộc cách mạng do truyền thông kỹ thuật số điều khiển vào Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Cũng giống như cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất giai đoạn 1990-1991 đã làm khởi đầu cho việc nhấn mạnh nhu cầu nâng cấp công nghệ trong quân đội Trung Quốc, “Mùa xuân Ả Rập” đặt ra với Trung Quốc yêu cầu cảnh giác cao độ cần phải chủ động nâng cấp hoạt động tuyên truyền - cả về nội dung và cách truyền tải cho thế kỷ 21...(7)

Phát biểu tại hội nghị Công tác Thông tin và An ninh Mạng quốc gia sau Đại hội Đảng 18, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc phải nhạy bén nắm bắt cơ hội lịch sử của sự phát triển thông tin hóa, tăng cường tuyên truyền tích cực trực tuyến, bảo vệ an ninh mạng, thúc đẩy đột phá về công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực thông tin, củng cố vai trò chỉ đạo của thông tin hóa trong phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập quân dân - quân sự trong lĩnh vực an ninh mạng và lĩnh vực thông tin hóa, tích cực tham gia vào các quá trình quản trị không gian mạng quốc tế, tiến tới xây dựng Trung Quốc như một siêu cường không gian mạng thông qua đổi mới bản địa. Những định hướng có tầm nhìn và đầu tư lớn đã giúp Trung Quốc quản lý, phát huy tốt, hình thành những công ty Internet lớn như Baidu, Alibaba và Tencent đã đứng vào hàng ngũ những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, và thường xuyên được giới thiệu với tư cách là nhà vô địch đổi mới sáng tạo quốc gia. 

Nhiều hình thức mới tuyên truyền về Trung Quốc như thông qua phim ảnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Một phần trong chiến lược tuyên truyền của Trung Quốc là hợp tác với truyền thông nước ngoài để tạo ra các bộ phim và phim tài liệu ủng hộ Trung Quốc. Nhiều công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc hiện đang đầu tư vào các bộ phim của Hollywood. Do đó, nhiều phim Hollywood gần đây đã thêm các tài liệu tham khảo ủng hộ Trung Quốc, trong khi những bộ phim khác (chẳng hạn như bộ phim Người sắt 3 năm 2013) đã xóa các yếu tố cốt truyện có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và sự nhạy cảm chính trị đối với Trung Quốc(8)…

TS. Nguyễn Phú Trường

Ban Tuyên giáo Trung ương

------------------------------------------

(1) Beijing, Aug. 26 (Xinhua) - Telling a good Chinese story and presenting China's image -- Five Theories on Learning and Implementing General Secretary Xi Jinping's important speech at the National Conference on Propaganda and Thought

(3) Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc: Điều lệ công tác tuyên truyền của Trung Quốc

(5) TTX Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, ngày 4/6/2021

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất