Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 24/5/2013 20:52'(GMT+7)

Công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Là một trong 5 tỉnh của cả nước được chọn làm điểm, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sau hơn hai năm triển khai đã đạt được những kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã thành lập được ban chỉ đạo, quản lý, điều hành ở các cấp; quán triệt phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn cụ thể hóa các nội dung quy hoạch, kế hoạch và ban hành kế hoạch liên tịch, phát động phong trào thi đua xây dựng NTM. UBND tỉnh Phú Thọ và các huyện trong tỉnh đã ban hành Chương trình hành động và tổ chức Lễ phát động thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015”...

Qua kết quả rà soát, đánh giá, năm 2012 toàn tỉnh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM ở 247/247 xã; đã có 6 xã cơ bản đạt chuẩn NTM trong năm 2012, đó là các xã : Thụy Vân (TP. Việt Trì), Sơn Dương (huyện Lâm Thao), Thượng Nông (huyện Tam Nông), Đồng Luận (huyện Thanh Thủy), Gia Điền (huyện Hạ Hòa), Chí Đám (huyện Đoan Hùng).; 11 xã đạt 15-16 tiêu chí, chiếm 4,5% tổng số xã, cao hơn bình quân cả nước; 47 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 71 xã đạt 7-9 tiêu chí, 112 xã đạt dưới 7 tiêu chí...

Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn cũng như đời sống nông dân ở khắp các làng quê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có sự thay đổi rõ nét, tích cực. Có được kết quả đó phải khẳng định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền trong việc góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và khích lệ sự vào cuộc của người dân trong quá trình xây dựng NTM.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, trong quá trình giải phóng mặt bằng, toàn tỉnh đã có 14.283 hộ hiến 204,85 ha đất và tài sản tương đương gần 137 tỷ đồng để làm công trình. Tiêu biểu như xã Đông Thành (huyện Thanh Ba), trong vòng 3 năm trở lại đây có tới 5 dự án mở đường chạy qua địa phận xã với chiều dài hàng chục km, nhưng không tốn đồng kinh phí nào cho việc giải phóng mặt bằng, vì đã có 278 hộ hiến đất, tài sản, tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên các tổ chức, đoàn thể đã kêu gọi có hiệu quả sự hỗ trợ về mặt kinh phí, vật chất của con em vùng đất Tổ đang làm ăn và sinh sống trên khắp mọi miền đất nước, gửi về xây dựng quê hương. Đã có rất những tấm gương góp công, góp của trong xây dựng NTM trên quê hương Phú Thọ, tiêu biểu như ông Nguyễn Đức Hưởng - Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, đầu tư xây tặng xã nghèo Tình Cương (huyện Cẩm Khê) trạm y tế, trường học... trị giá nhiều tỷ đồng; ông Vi Văn Liên - Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân ủng hộ xã Đông Thành (huyện Thanh Ba) xây dựng cơ sở hạ tầng Nghĩa trang liệt sĩ của xã, số tiền gần 1 tỷ đồng…

 
 Nông dân xã An Đạo- huyện Phù Ninh tham gia làm đường giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới (Ảnh: Báo Phú Thọ).

Bên cạnh việc khích lệ được sự vào cuộc một cách nhiệt tình của người dân và sự ủng hộ đáng kể về mặt vật chất của con em quê hương, công tác tuyên truyền cũng đã góp phần tích cực vào việc thuyết phục các doanh nghiệp cùng phối hợp, hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Đã có nhiều đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cùng với chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng các các công trình NTM, tiêu biểu như Công ty cổ phần Cơ khí Phương Nam hỗ trợ xã Thạch Đồng (huyện Thanh Thủy) xây dựng 1 trường học; Công ty Chè Hà Trang phối hợp với xã Chân Mộng (huyện Đoan Hùng) xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong triển khai trồng, chế biến chè xuất khẩu; Công ty Đá Cự Đồng hỗ trợ vật tư cho xã Cự Thắng (huyện Thanh Sơn) làm 5km đường giao thông nông thôn; Công ty cổ phần Giống - Vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam cung ứng giống và vật tư nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất giống có hiệu quả tại nhiều xã như Thượng Nông (huyện Tam Nông), Đông Thành (huyện Thanh Ba).v.v..

Cùng với tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng cũng đã tăng cường tuyên truyền việc chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Sau hơn hai năm triển khai chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng xuất, sản lượng cây trồng, vật nuôi; áp dụng cơ giới hóa, giảm tối đa thất thoát hao hụt sau thu hoạch; kinh tế Hợp tác xã, kinh tế trang trại, dịch vụ phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn được quan tâm đầu tư, triển khai đồng bộ, bước đầu đạt kết quả tốt, tạo niềm tin trong bà con nông dân.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã xác định 8 chương trình sản xuất trọng điểm, tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân áp dụng và triển khai có chất lượng. Để hỗ trợ nông dân, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hàng năm, ngành nông nghiệp đã huy động được từ vốn ngân sách trên 40 tỷ đồng, hỗ trợ các xã nông thôn mới phát triển sản xuất.

Qua công tác tuyên truyền, đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai có chất lượng việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng năng lực nông thôn, đồng thời thực hiện có hiệu quả việc giải ngân các hạng mục công trình NTM. Thông qua các dự án đầu tư lồng ghép hàng năm với tổng mức khoảng 3.000 tỷ đồng (trong đó vốn hỗ trợ trực tiếp của Trung ương trên 200 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 71 tỷ đổng, huy động vốn tín dụng trên 10 tỷ, còn lại là các nguồn huy động xã hội hoá...), đến nay chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, vệ sinh môi trường, trường học, trụ sở xã, nhà văn hóa, trạm y tế, công trình điện, chợ… được làm mới và nâng cấp.

Đánh giá về mặt tổng thể, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên việc xây dựng NTM đã trở thành chương trình được cả hệ thống chính trị trong tỉnh quan tâm, tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời; tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, xác định rõ tiến trình thực hiện theo hướng việc dễ làm trước, việc khó từng bước tháo gỡ...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần được khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể là: Còn có biểu hiện nóng vội trong quá trình triển khai; hoạt động của một số ban chỉ đạo vẫn còn thiếu quyết liệt, sát sao; một bộ phận cán bộ và người dân chưa nhận thức đầy đủ nên chưa tạo được sự chuyển biến trong hành động; chưa chú trọng đến đầu tư phát triển sản xuất mà mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó, công tác phát triển sản xuất, cơ cấu sản xuất ở nhiều xã còn mang nặng tính tự phát; liên kết sản xuất giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học còn hạn chế... nguyên nhân của những hạn chế có một phần do công tác tuyên truyền còn thiếu sức thuyết phục, chưa khoa học và đi vào những vấn đề cụ thể, đặc biệt là việc phổ biến nhân rộng những điển hình, các làm hay còn chung chung...

Trong năm 2013, mục tiêu xây dựng NTM được tỉnh Phú Thọ đặt ra là tiếp tục triển khai sâu rộng tới toàn bộ các xã trong tỉnh; ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho 57 xã đã thực hiện tương đối tốt, nhằm cơ bản đạt chuẩn NTM vào năm 2015; tập trung hỗ trợ đầu tư đối với 10 xã: Đông Thành (huyện Thanh Ba); An Đạo (huyện Phù Ninh); Hiền Lương (huyện Hạ Hòa); Hương Nộn (huyện Tam Nông); Vĩnh Lại, Cao Xá, Sơn Vi (huyện Lâm Thao); Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy); Hùng Lô (TP. Việt Trì); Phú Hộ (Thị xã Phú Thọ) để phấn đấu cơ bản đạt chuẩn NTM trong năm nay...

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch, mục tiêu đã đề ra, tỉnh Phú Thọ xác định tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền; thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể nhân dân nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị...

Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phối hợp thực hiện chung sức xây dựng NTM cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh Phú Thọ chú trọng, quan tâm, phát huy trong thời gian tới. Từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã triển khai việc ký kết chương trình phối hợp thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Người cao tuổi tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh... cùng nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức lễ ký kết, thống nhất một số nội dung phối hợp thực hiện, như: tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên trong quá trình vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dưng NTM gắn các với phong trào thi đua yêu nước; tăng cường hoạt động khuyến nông - lâm - ngư và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, xanh, sạch và phát triển bền vững; tổ chức các hoạt động xây dựng mô hình điểm về phát triển kinh tế; dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ; xây dựng “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, người đơn thân, tàn tật..../.

Minh Thế - Hà Phương


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất