Mặc dù công tác bảo vệ môi trường đã được lồng ghép trong các văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, song việc triển khai thực hiện trên thực tế còn hạn chế nên môi trường ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện đáng kể, nhất là môi trường đất đang có xu hướng bị ô nhiễm và suy thoái ngày càng nghiêm trọng.
Hiện nay ở khu vực nông thôn, môi trường đất chủ yếu bị ô nhiễm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thiếu bền vững. Hàng năm ước tính tổng lượng phân bón vô cơ sử dụng trong canh tác nông nghiệp vào khoảng 2,5-3 triệu tấn, trong đó có đến 50-70% không được cây trồng sử dụng thải ra môi trường.
Còn ở các vùng quanh đô thị, khu công nghiệp và làng nghề, môi trường đất cũng bị ô nhiễm do các chất thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Hiện chỉ có 60% khu công nghiệp có có hệ thống xử lý nước thải. Hầu hết nước thải sinh hoạt đô thị đều không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường nên hàm lượng kim loại nặng trong đất ở một số làng nghề đã xấp xỉ hoặc vượt tiêu chuẩn cho phép.
Đặc biệt, môi trường đất ở một số nơi đang bị ô nhiễm do chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Cụ thể như tại sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay Phù Cát (Bình Định) vẫn còn tồn dư hàng trăm nghìn m3 đất và bùn bị nhiễm chất độc da cam với hàm lượng dioxin gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần so với nồng độ cho phép, tiếp tục tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường tại các khu vực lân cận. Ngoài ra còn có 335 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trên cả nước đã được xác định, nhưng chưa giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, đất canh tác nông nghiệp nhiều nơi đang bị suy thoái do sạt lở, rửa trôi, xói mòn, hoang mạc hóa, mặn hóa và phèn hóa.
Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với lượng đất bị xói mòn hàng năm lên tới 33,8-150,5 tấn/ha. Đồng thời còn có khoảng 9,3 triệu ha đất, chiếm 28% diện tích tự nhiên có liên quan đến hoang mạc hóa, trong đó 2 triệu ha đang sử dụng bị thoái hóa nặng và 2 triệu ha khác đang có nguy cơ thoái hóa cao. Đó là chưa kể dải hoang mạc cát ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận lên đến 419.000 ha. Cộng thêm hiện tượng mặn hóa, phèn hóa, xâm thực mặn ở các cửa sông và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trở lên gay gắt trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu gây nên./.
Châu Minh/TTXVN