Thứ Sáu, 22/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Chủ Nhật, 11/6/2023 15:3'(GMT+7)

Công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang xây dựng các "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" nhân dịp Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022).

Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang xây dựng các "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" nhân dịp Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022).

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ. Đó là việc củng cố, tạo lập các giá trị văn hóa trên địa bàn thành phố (cả vật chất lẫn tinh thần) mà nền tảng là từ những giá trị của cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nói cách khác là làm cho môi trường sống của thành phố chứa đầy các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào văn hóa con người thành phố và trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, đặc thù của người dân thành phố.

Đây là chủ trương được Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đây vừa là vinh dự lớn, trách nhiệm lớn của Đảng bộ và Nhân dân thành phố mang tên Bác. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Dù trước đây, thành phố này được ví như “Hòn ngọc Viễn Đông” hay đầu tàu kinh tế cả nước, việc thành phố được mang tên Bác vẫn rất đặc biệt. Vì vậy, Đảng bộ và Nhân dân thành phố phải luôn thấy được niềm tự hào này, suy nghĩ làm sao để việc được mang tên Bác trở thành một động lực phát triển thành phố.

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, liên quan đến xây dựng văn hóa, con người thành phố, lĩnh vực cần được quan tâm đầu tư tương xứng. Điều này cho thấy sự nhận thức của Đảng bộ ngày càng toàn diện, sâu sắc, nếu làm tốt sẽ tạo nên nguồn lực tổng hợp để phát triển thành phố.

Thời gian qua, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có những kết quả đáng ghi nhận. Đó là việc xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa vật thể gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Các địa chỉ Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng, Di tích quốc gia Nhà số 5 đường Châu Văn Liêm và một số công trình nghệ thuật, tượng Bác được đặt ở những nơi trang trọng.

Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, chương trình nghệ thuật về Bác như thơ ca, nhạc kịch, điện ảnh, kịch, cải lương... rất hay và đi vào lòng người. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai nhiều năm qua đạt được những kết quả nhất định và có nhiều tấm gương điển hình sinh động.

Tuy nhiên, công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít, tác phẩm văn học nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác, việc học tập và làm theo Bác cần phải triển khai sâu rộng hơn nữa. Những hạn chế cho thấy cần nâng cao nhận thức và hành động, cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tổ chức thực hiện, cần phấn đấu để vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ trong tác phẩm văn học nghệ thuật, trong khắc họa hình tượng Bác...

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt trong bối cảnh mới, với việc xác định quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu rõ ràng. Đây được xem là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần phấn đấu để tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

1. Trước hết là xây dựng văn hóa, con người thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Điều này đòi hỏi Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị với ý thức trách nhiệm, yêu cầu nâng cao nhận thức gắn với hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lan tỏa trong đời sống xã hội trở thành lối sống đẹp đối với mỗi người dân, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu về việc học và làm theo Bác. Khuyến khích các hình thức biểu dương, quảng bá thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, kể cả có những phòng truyền thống, góc truyền thống ở các cơ quan, đơn vị, trường học...

2. Hoàn thành quy hoạch tổng thể Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong đó cần tập trung nâng cấp, mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, xây dựng không gian văn hóa công cộng gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bến Nhà Rồng là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911. Nơi đây trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Hàng năm Bảo tàng đã đón một lượng khách khá lớn trong nước và ngoài nước đến tham quan. Cùng với địa chỉ số 5, đường Châu Văn Liêm, Quận 5 là Di tích lịch sử Quốc gia - nơi ở của Bác trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh (cả nước có 5 bảo tàng, 9 di tích). Nơi đây mặc dù đã có sự đầu tư mở rộng (hiện có 1,4 ha), nâng cấp và bổ sung nhiều tài liệu, hiện vật quý giá nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng, cần phải được đầu tư nhằm tu bổ, mở rộng và nâng cấp. Bảo tàng đã có dự án trùng tu, tôn tạo, đổi mới hệ thống trưng bày hiện đại, trực quan, sinh động theo xu hướng bảo tàng thông minh. Theo kế hoạch đã được thống nhất, Cảng Sài Gòn sẽ giao thêm mặt bằng để mở rộng (để có diện tích gấp đôi hiện nay) nhằm có thêm không gian trưng bày chuyên đề, có nơi làm thư viện Hồ Chí Minh, mở rộng công viên Hồ Chí Minh và các hoạt động của Bảo tàng. Theo đề án có xây dựng mô hình khung cảnh khu vực Cảng Sài Gòn những năm 1911 cùng với việc phục chế tàu Amiral Latouche Tréville.

Ở phía Đông sông Sài Gòn, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong quy hoạch có dành cho việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với diện tích khá lớn, có thể triển khai nhiều công trình, hạng mục, trong đó có quảng trường, nơi biểu diễn nghệ thuật, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật...

3. Đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, phối hợp xây dựng các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có nội dung về Bác, về việc học tập và làm theo Bác, về những phẩm chất tốt đẹp của con người thành phố để có thể tổ chức biểu diễn thường niên và thường xuyên, không chỉ phục vụ các đợt lễ hội mà còn phục vụ du khách như nét văn hóa đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh. Các chương trình này, có thể phục vụ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có thể biểu diễn ở bến sông, trên sông, trên tàu thuyền du lịch, tại các không gian văn hóa công cộng.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tạo điều kiện để phát huy Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành nét đặc trưng văn hóa của Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hướng phấn đấu, thành phố xem xét có sự tăng cường đầu tư về lĩnh vực văn hóa, xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đối với các công trình kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, quan tâm đúng mức việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để trong tương lai không xa, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một điểm đến hấp dẫn toàn cầu, trong đó có nội dung đặc sắc về văn hóa Hồ Chí Minh, có công trình, điểm nhấn tiêu biểu của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng công trình, sản phẩm cụ thể, tạo sự lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc chuẩn hóa, đa dạng hóa giáo dục đạo đức, văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh. Phấn đấu mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, trường học... là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ. Kiên trì xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ứng xử có văn hóa của người dân trong cộng đồng, thực hiện văn hóa giao thông, xây dựng các công trình xanh – sạch – đẹp ở các khu phố, khu dân cư do các đoàn thể, người dân cùng chăm sóc như công viên, cây xanh, đường hoa... được tươi tốt quanh năm.

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Cần có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, của tất cả các hộ gia đình, trong đó Đảng bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị giữ vai trò nòng cốt. Cùng với phát huy vai trò quản lý nhà nước về văn hóa, tạo điều kiện để xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh - động lực thúc đẩy phát triển đi lên của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới./.

 

PHẠM PHƯƠNG THẢO

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất