(TG)- Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu của công ty là tiếp tục khẳng định
khả năng tự chủ trong sản xuất khí tài thông tin quân sự của Quân đội
nhằm mở ra hướng đi chiến lược cho ngành chế tạo thiết bị quân sự, thiết
bị công nghệ cao của Việt Nam, góp phần đưa Viettel trở thành đưa công
ty trở thành Tổ hợp nghiên cứu, sản xuất Công nghệ cao của Việt Nam.
Ngày 12/3/2015, tại Hà Nội, Công ty Thông tin M1 (Viettel) đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) lần thứ hai. Trước đó, với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Công ty đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1985. Tham dự buổi lễ có đồng chí Thượng tướng Trương Quang Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Quân ủy TW, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; đồng chí Phạm Hồng Hải – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện các cơ quan bộ, ban, ngành Trung ương và TP Hà Nội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thượng tướng Trương Quang Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Quân ủy TW đã trao tặng danh hiệu AHLLVTND cho Công ty Thông tin M1 thuộc tập đoàn Viettel. Danh hiệu là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Quân đội đối với những thành tích đặc biệt xuất sắc của Công ty M1 trong nghiên cứu, sản xuất khí tài thông tin quân sự; góp phần vào sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp Quốc phòng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Trương Quang Khánh ghi nhận sự trưởng thành và những đóng góp của Công ty thông tin M1 cho nền quốc phòng Việt Nam: “Sau 70 năm, Công ty thông tin M1 thuộc Tập đoàn Viettel đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng doanh nghiệp từ chỗ trung đại tu các thiết bị thông tin quân sự, trở thành doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu, nắm bắt khoa học công nghệ quân sự tiên tiến của thế giới để phục vụ sản xuất các thiết bị thông tin quân sự và đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao cho các binh chủng thuộc Bộ Quốc phòng, góp phần thực hiện chiến lược Quân đội cách mạng, chính quy hiện đại.”
Từ ngày 01/01/2010, từ một nhà máy trực thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc, Nhà máy M1 chuyển về đội hình của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên thông tin M1. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác thông tin, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo Công ty M1 thực hiện mục tiêu: Tự chủ sản xuất, không phụ thuộc vào nguồn cung của các cường quốc về vũ khí, khí tài thông tin quân sự để đảm bảo bí mật,trực tiếp nâng cao tiềm lực quốc phòng cho đất nước. Chỉ trong 4 năm, M1 đã nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thành công 11 loại khí tài thông tin vô tuyến điện quân sự đảm bảo thông tin liên lạc cấp chiến thuật, chiến dịch, chiến lược cho các đơn vị Lục quân, Phòng không – Không quân và Tăng thiết giáp. Tính đến cuối năm 2014, Công ty đã cung cấp cho Bộ Quốc phòng trên 6.000hàng ngànbộ máy Thông tin vô tuyến điện sóng ngắn, sóng cực ngắn với tiêu chuẩn chất lượng tương đương với một số cường quốc quân sự trên thế giới. Sự kiện đã được Chính phủ và Bộ Quốc phòng đánh giá cao vì đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công máy thông tin quân sự, hoàn toàn làm chủ công nghệ đảm bảo tính chủ động, bí mật, an toàn và đem lại giá trị kinh tế cao, tiết kiệm cho ngân sách của Quân đội 46%/bộ máy.
Bên cạnh đó, Công ty Thông tin M1 là đơn vị tiêu biểu dẫn đầu trong phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, bồi dưỡng nhân lực góp phần thực hiện nhiệm vụ SXKD và nhiệm vụ QPAN. Từ năm 2003 đến nay, Công ty có 700 sáng kiến, ý tưởng, mang lại giá trị làm lợi trên 500 tỷ đồng. Sau 12 năm, đến nay số lượng CBNV trong công ty đã tăng lên gấp 3 lần với gần 1.000 CBNV. Trong đó,tỉ lệ CBNV có trình độ đại học và trên đại học là 60%, Công ty M1 luôn đảm bảo phát triển và gìn giữ đội ngũ cán bộ có chất lượng cao cho Quân đội, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin liên lạc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao.
Bên cạnh những thành tựu về quân sự, M1 cũng khẳng định được sức mạnh của người lính trên mặt trận kinh tế. Từ năm 2003 đến năm 2014 doanh thu tăng 28 lần (từ 38,9 tỷ đồng năm 2003 lên 1.100 tỷ đồng năm 2014); Lợi nhuận trước thuế tăng 73,6 lần (từ 1,28 tỷ đồng năm 2003 lên 94,3 tỷ đồng năm 2014); Nộp ngân sách tăng 52 lần (từ 2,04 tỷ đồng năm 2003 lên 106,7 tỷ đồng năm 2014); thu nhập bình quân người lao động tăng 12 lần; đặc biệt từ năm 2012 đến năm 2014 doanh thu năm sau cao gấp đôi năm trước.Kết quả kinh doanh của M1 đã góp phần khẳng định vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và sự dẫn dắt của Lãnh đạo Tập đoàn và tập thể Công ty qua các thời kỳ, công ty M1 đã góp phần từng bước thay đổi toàn diện vũ khí trang thiết bị của ba quân chủng Lục quân, Hải quân và Không quân. Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu của công ty là tiếp tục khẳng định khả năng tự chủ trong sản xuất khí tài thông tin quân sự của Quân đội nhằm mở ra hướng đi chiến lược cho ngành chế tạo thiết bị quân sự, thiết bị công nghệ cao của Việt Nam, góp phần đưa Viettel trở thành đưa công ty trở thành Tổ hợp nghiên cứu, sản xuất Công nghệ cao của Việt Nam.
Bảo Long