Tiên Phước, Quảng Nam - mảnh đất “địa linh nhân
kiệt”, giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng
Nam, nơi sinh ra nhiều bậc đại khoa, chí sĩ yêu nước của dân tộc, trong
đó tiêu biểu nhất là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tấm gương đạo đức, suốt đời vì
dân vì nước của cụ mãi là niềm tự hào, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn
động viên chính quyền và người dân Tiên Phước.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm trong khu vườn rộng ở thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước do thân sinh của cụ Huỳnh xây dựng từ năm 1869. Ngôi nhà có diện tích hơn 90m2, xây dựng theo lối kiến trúc nhà rường xưa gồm ba gian hai chái. Nơi đây đang lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu, kỷ vật quý về cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng ở đầu thế kỷ 20, như bằng Tiến sĩ của cụ năm 1904, bức ảnh cụ Huỳnh trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến năm 1946, ảnh cụ Huỳnh với những người làm báo Tiếng Dân năm 1928, thư “Kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến” bằng chữ Hán năm 1946 của cụ Huỳnh, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Ông Huỳnh Văn Thoàn, 70 tuổi, người chắt họ của cụ Huỳnh Thúc Kháng là người trông coi nhà lưu niệm cho biết: Cụ Huỳnh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo. Cuộc sống của cụ nhiều khó khăn, sóng gió, nhưng bằng nghị lực của mình cụ đã vượt qua tất cả để học hành đỗ đạt. Năm 1900, cụ đỗ đầu kỳ thi Hương, năm 1904 cụ đỗ Tiến sĩ kỳ thi Hội, nổi tiếng vùng đất xứ Quảng ngày ấy. Sau khi đỗ Tiến sĩ cụ Huỳnh không ra làm quan mà đi dạy học, tìm hiểu nhiều sách báo có nội dung tư tưởng mới, nuôi chí hướng canh tân đất nước.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những người khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy Tân và sáng lập tờ báo Tiếng Dân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đã mời cụ Huỳnh tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, cụ Huỳnh được Bác Hồ tin tưởng giao Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác sang Pháp.
Phát huy tinh thần yêu nước của các bậc chí sĩ đi trước, xã Tiên Cảnh là nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Tiên Phước vào năm 1941. Ngay sau khi ra đời, chi bộ đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở huyện Tiên Phước. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiên Phước là hậu phương vững chắc của nhân dân tỉnh Quảng Nam. Trong 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, huyện Tiên Phước lại trở thành “mảnh đất thánh” của cách mạng khu V. Năm 1975, cùng với tiếng súng tiến công mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột, Tiên Phước được Khu ủy V chọn là nơi mở màn chiến dịch giải phóng hoàn toàn Quảng Nam - Đà Nẵng, tiến đến giải phóng toàn Khu V, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiên Cảnh hôm nay đang từng ngày đổi mới và là một trong ba xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Tiên Phước. Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh Nguyễn Phước Dương cho biết: Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân trong xã đã được nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của xã đạt 24 triệu đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa được đầu tư khang trang. Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, nâng cao hơn nữa mức sống của người dân để luôn xứng đáng là quê hương của nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990. Huyện Tiên Phước đang xin phép Trung ương để mở rộng không gian của Khu di tích nhằm tạo thuận lợi cho người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của cụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Phùng Văn Huy cho biết: Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng có một vị trí rất đặc biệt trong tình cảm của người dân Quảng Nam nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung. Thời gian qua, huyện đã tích cực tìm kiếm, sưu tầm những hiện vật của cụ Huỳnh và thực hiện tốt việc đón tiếp nhân dân đến tham quan Khu di tích.
Trong quá trình hoạt động yêu nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng từng 16 năm (1927- 1943) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút của báo Tiếng Dân, với 1.636 số báo đã xuất bản. Đây là tờ báo đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt ở Trung Kỳ. Báo Tiếng Dân đã góp phần quan trọng tuyên truyền, giáo dục quần chúng tích cực đấu tranh, chống thực dân phong kiến; đòi quyền lợi cho nhân dân, cho đất nước; tuyên truyền vận động nhân dân đi theo con đường cách mạng. Hiện nay, huyện Tiên Phước đã sưu tầm được gần 1.400 số báo và sẽ trưng bày những số báo này tại nhà lưu niệm để phục vụ người dân đến tham quan, nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng
Trong chiến tranh chống Mỹ, người dân ở xã Tiên Cảnh phải di tản đi nơi khác, nhiều ngôi nhà trong thôn bị giặc đốt cháy. Ngôi nhà của cụ Huỳnh cũng bị bỏ hoang, xuống cấp. Sau năm 1975, gia đình ông Thoàn quay lại quê hương cùng với sự giúp sức của bà con địa phương, đã sửa sang lại ngôi nhà để hương khói cho cụ Huỳnh, sau này trở thành nhà lưu niệm. Hàng năm, vào ngày giỗ của cụ Huỳnh ngoài con cháu trong họ tộc còn có rất đông người dân đến thắp hương tưởng nhớ cụ. Người dân ở xã Tiên Cảnh hiện vẫn còn lưu truyền những câu chuyện về sự hiếu học, thông minh của cụ Huỳnh.
Tại xã Tiên Cảnh, Trường tiểu học Mính Viên vinh dự được mang tên hiệu của cụ Huỳnh. Trung tâm huyện Tiên Phước cũng có Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng để vinh danh người con ưu tú của mảnh đất xứ Tiên. Hiện nay, phong trào hiếu học của huyện Tiên Phước phát triển rất sôi nổi với 465 chi hội, ban khuyến học. Từ phong trào xây dựng xã hội học tập, năm 2016 toàn huyện có 6.600 gia đình đăng ký phấn đấu đạt gia đình học tập, 55 dòng họ đăng ký trở thành dòng họ học tập. Để khích lệ, động viên các thế hệ học trò noi theo tấm gương học tập của cụ Huỳnh, huyện Tiên Phước đã thành lập Giải thưởng hiếu học Huỳnh Thúc Kháng. Qua hơn 10 năm hoạt động, giải thưởng đã vinh danh 428 học sinh có tinh thần vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập ./.
Đỗ Trưởng/TTXVN