Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 11/3/2010 15:50'(GMT+7)

Cụ rùa Hồ Gươm: Chỉ có 3 “người thân” trên khắp thế giới

Cá thể rùa Hòan Kiếm tại hồ Đồng Mô - ảnh: Tim McCormack

Cá thể rùa Hòan Kiếm tại hồ Đồng Mô - ảnh: Tim McCormack

Thông tin trên được ông Bùi Đăng Phong, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm, Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết hôm 10/3/2010, tại buổi lễ ra mắt Trung tâm thông tin về các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam.

Theo ông Phong, Có đến 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, cùng với 5 loài rùa biển phân bố ở Việt Nam chiếm 1/3 tổng số loài rùa ở châu Á và 1/10 loài rùa trên toàn thế giới. Mặc dù đã có mặt trên trái đất cách đây hàng trăm triệu năm, nhưng đến nay các loài rùa đang phải đối mặt với một tương lai rất đen tối. Nạn săn bắn và buôn bán rùa để đáp ứng nhu cầu của thị trường ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang đẩy các loài rùa ở nước ta đến bên bờ tuyệt chủng.

Thực tế là cả 25 loài rùa cạn và rùa nước ở Việt Nam, 16 loài được Sách đỏ Thế giới xếp vào mức “Rất nguy cấp” hoặc “Nguy cấp”, 7 loài được xếp vào mức “Sắp nguy cấp”.

Rùa Hoàn Kiếm: Nguy cơ tuyệt chủng đặc biệt nguy cấp

Theo ông Phong, loài rùa Hoàn Kiếm hiện là một trong các loài có nguy cơ tuyệt chủng đặc biệt cao. Tại Việt Nam, ngoài cụ rùa ở Hồ Hoàn Kiếm thì gần đây đã phát hiện thêm một cá thể nữa ở hồ Đồng Mô. Việc phát hiện được cụ rùa này cũng là cả một sự may mắn.

Theo lời kể của ông Tim McCormack - cán bộ chương trình nghiên cứu và bảo vệ rùa,,vào tháng 11/2008, trong trận lụt lịch sử gây vỡ đê bao hồ Đồng Mô, ngư dân ở đây đã bắt được một cá thể rùa mai mềm sống tại hồ này. Nguyên nhân là do cá thể rùa này nhân đập vỡ đã thoát khỏi hồ ra sông và bị sa lưới. Tuy nhiên, nhờ xử lý kịp thời, nhanh chóng của công an và các cán bộ kiểm lâm, người dân đã giao nộp cá thể rùa này cho cơ quan chức năng để mang trả lại hồ, nơi sinh sống của nó. Cá thể rùa này nặng 69kg, dài gần 1m.

Theo người dân sống quanh khu vực này thì khoảng 15 năm trở về trước, họ thường xuyên bắt gặp loại rùa này, tuy nhiên đến nay thì hầu như không còn nữa.

Mặc dù được đặc biệt quan tâm, nhưng tương lai của loài rùa quý hiếm này tại Việt Nam hiện vẫn chưa được đảm bảo. Theo ông Phong, hiện các nhà bảo tồn vẫn đang tiếp tục điều tra với hy vọng sẽ tìm thấy các cá thể rùa Hoàn Kiếm khác đang tồn tại ngoài tự nhiên. Nếu tìm được các cá thể rùa đực và cái, các nhà khoa học sẽ cho ghép đôi sinh sản.

Tuy nhiên, ngay cả khi có hai cá thể rùa khác “phái”, thì việc loài rùa này có thể duy trì được nòi giống là việc làm vô cùng khó khăn. Một minh chứng cụ thể là tại Trung Quốc, hai “người bà con” đặc biệt hiếm hoi của cụ rùa Hoàn Kiếm, rất may mắn, cũng chính là một “cặp” và hiện đang được nuôi nhốt và ghép đôi ở vườn thú Tô Châu. Mặc dù đã sinh được tới 300 quả trứng, nhưng các biện pháp kỹ thuật đều bó tay. Hiện chưa một chú rùa con nào của cặp đôi này được chào đời.

Bảo tồn rùa: Đòi hỏi sự kiên nhẫn

Theo các cán bộ tại trung tâm bảo rồn rùa Cúc Phương, phải mất ít nhất từ 4-7 năm chăm sóc, một chú rùa mới đủ sức đề kháng và được thả ra với thiên nhiên.

Mỗi năm, một cá thể rùa chỉ đẻ từ 2-4 trứng và phải mất từ 70 - 150 ngày (tùy từng loài, từng mùa), trứng mới nở ra rùa con. Tại Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phưong, các cán bộ ở đây dùng lồng ấp với nhiệt độ thích hợp để đảm bảo rùa có thể nở được. Đặc biệt, việc theo dõi nhiệt độ còn có thể giúp “định hướng” giới tính cho rùa. Vì dụ, nhiệt độ cao (trên 30 độ C) thường giúp nở ra rùa cái và nhiệt độ lạnh có thể tạo ra các chú rùa đực. Việc chăm sóc đặc biệt diễn ra trong khoảng ít nhất là 6 tháng.

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Ấp trứng rùa tại trung tâm cứu hộ

Các chú rùa này sau đó được phân chia thành các loại rùa nước và rùa cạn để đưa vào môi trường phù hợp, thường là các bể nhỏ. Việc cho ăn cũng phải hết sức cẩn thận, bởi rùa ăn rất ít. Thường thì hai ngày mới được cho ăn một lần, với lượng thức ăn vừa phải để tránh thức ăn thừa gây thiu thối, ô nhiễm.

Ảnh minh họa

Chăm sóc đặc biệt trong nhà cho đến khi được ít nhất 6 tháng

Ảnh minh họa

Nuôi trong bể thêm từ 4 - 7 năm...


Ảnh minh họa

Rồi mới thả về với thiên nhiên


Ảnh minh họa

Một chú rùa tai đỏ đang phơi nắng


Ảnh minh họa

"Bác" rùa này đã sống vài chục năm


Ảnh minh họa

Một tiết học ngoại khóa tìm hiểu về loài rùa của học sinh trường tiểu học trong vùng đệm của rừng Cúc Phương


Phải mất ít nhất 4 năm, thường là 6-7 năm, có loài lên tới 15 năm, một cá thể rùa mới có đủ sức đề kháng để tự sống trong môi trường tự nhiên và bắt đầu sinh sản.

Chính vì những lý do trên mà việc bảo tồn các loài rùa quý hiếm ở Việt Nam càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. “Sử dụng hôm nay, tuyệt chủng ngày mai” - đó là một khẩu hiệu được treo rất nhiều nơi trong rừng Cúc Phương nhằm nhắc nhở du khách về nguy cơ tuyệt chủng của các loài động thực vật trong sách đỏ, trong đó có các loài rùa.


Ảnh minh họa

Ông Bùi Đăng Phong, Phó GĐ Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm, Vườn quốc gia Cúc Phương đang giới thiệu với du khách

Ngày 10/3/2010, Vườn quốc gia Cúc Phương vừa khánh thành Trung tâm thông tin du khách đầu tiên của khu vực nhằm mục đích bảo vệ và bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam. Nằm trong khuôn viên của Trung tâm bảo tồn rùa thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, trung tâm thông tin trưng bày các bảng diễn giải, bể nuôi rùa nước ngọt, phòng ấp trứng, phòng nuôi rùa non, mô hình lều và các con đường mòn của thợ săn trong rừng.

Việc xây dựng hợp phần thông tin giáo dục trong Trung tâm bảo tồn rùa nhằm mục đích nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài rùa cho du khách tham quan Vườn quốc gia, ước tính khoảng 80.000 khách mỗi năm. “Chúng tôi hy vọng rằng, Trung tâm thông tin về rùa sẽ giúp cho cộng đồng hiểu rõ hơn về các loài rùa và những nguy cơ mà chúng đang phải đối mặt do nạn săn bắt và buôn bán trái phép hiện nay” – ông Bùi Đăng Phong, Phó GĐ Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm, Vườn quốc gia Cúc Phương nói.

VnMedia.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất