Thứ Sáu, 29/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 26/10/2014 10:27'(GMT+7)

Cử tri Bra-xin với lá phiếu quyết định tương lai

Đương kim Tổng thống Đ.Rút-xép (bên phải) và ứng cử viên A.Nê-vết.

Đương kim Tổng thống Đ.Rút-xép (bên phải) và ứng cử viên A.Nê-vết.

Cuộc trưng cầu dân ý đối với đảng PT

Kết quả bầu cử vòng một cho thấy, bà Đ.Rút-xép đã về nhất với 41,59% phiếu ủng hộ trong khi ứng cử viên nặng ký A.Nê-vết giành vị trí á quân với 33,55%. Cuộc bầu cử năm nay được xem như một cuộc trưng cầu dân ý đối với 12 năm cầm quyền của đảng PT trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất khu vực Mỹ La-tinh này đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế.

Năm 2010, dưới sự dẫn dắt của cựu Tổng thống Lu-la Đa Xin-va (Lula da Silva), bà Đ.Rút-xép đi vào lịch sử với tư cách là nữ Tổng thống đầu tiên của Bra-xin. Lên cầm quyền trong những điều kiện thuận lợi, bà Đ.Rút-xép thừa hưởng được hào quang của người tiền nhiệm và cũng là người đỡ đầu cho sự nghiệp chính trị của mình, ông Lu-la Đa Xin-va. Bà Đ.Rút-xép cùng với đảng PT tập trung phát triển kinh tế song song với thực hiện công bằng xã hội. Chính sách này cho phép Bra-xin có thời điểm vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 6 thế giới, hơn 40 triệu người nghèo gia nhập tầng lớp trung lưu, tỷ lệ bần cùng giảm 75%, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm một nửa và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5%, mức thấp nhất trong lịch sử của đất nước với hơn 200 triệu dân. Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong tạo công ăn việc làm, trợ cấp tài chính và xây dựng hàng triệu ngôi nhà cho những người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, trong 4 năm qua, bức tranh kinh tế của Bra-xin không còn tươi sáng như trước. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đang từ 4% dưới thời cựu Tổng thống Lu-la Đa Xin-va nay chỉ còn khoảng 1,5%/năm. Lạm phát lại bùng lên hơn 6,5%. Từ tháng 6-2013, nhiều phong trào xã hội lên tiếng phản đối giới lãnh đạo tham ô, bất tài. Bên cạnh đó, hàng loạt đòi hỏi về xã hội đã nảy sinh. Người dân đòi chính quyền cải thiện hệ thống giáo dục, y tế hay đơn giản hơn là nâng cấp các phương tiện giao thông công cộng. Cùng với việc Bra-xin trở thành nước yếu nhất trong câu lạc bộ các nền kinh tế mới nổi (BRICS), uy tín của Tổng thống Đ.Rút-xép cũng không còn được như xưa. Ở thời điểm cuối năm 2012, bà từng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục 78%, nhưng làn sóng biểu tình hồi tháng 6-2013 phản đối dịch vụ công yếu kém và chi phí khổng lồ cho World Cup đã khiến uy tín của bà và Chính phủ Bra-xin sụt giảm xuống mức tồi tệ 30%.

Ván cờ chính trị của bà Đ.Rút-xép còn trở nên phức tạp hơn sau bê bối tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Bra-xin, Petrobras. Vụ việc đã gây sóng gió trên chính trường Bra-xin sau khi nguyên Giám đốc Petrobras, Pao-lô Rô-bớt-tô Cô-xta (Paulo Roberto Costa) bị bắt hồi tháng 3-2013 và tiết lộ danh sách khoảng 40 chính trị gia hàng đầu đã nhận tiền "hoa hồng" từ các thỏa thuận dầu khí. Đối với bà Đ.Rút-xép, đây thực sự là một thảm họa khi mà vào thời gian vụ việc xảy ra, bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Petrobras.

Gam màu mới

Trong khi đó, ứng cử viên sáng giá A.Nê-vết là nhà kinh tế theo tư tưởng mới, người chủ trương ôn hòa và được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ hết mình. Nhân vật này có quan điểm khác biệt với Chính phủ hiện nay về kinh tế cũng như chính sách đối ngoại nhưng đều cam kết tiếp tục, thậm chí mở rộng những chương trình xã hội hiện hành, điều mà đương kim Tổng thống Đ.Rút-xép cho là những hứa hẹn "sáo rỗng". Sau khi về thứ hai trong cuộc bầu cử Tổng thống Bra-xin ngày 5-10, Thượng nghị sĩ A.Nê-vết đã kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri đảng Xã hội (PSB) trong cuộc bầu cử vòng hai quyết định trước bà Đ.Rút-xép để mang đến một hy vọng thay đổi cho Bra-xin.

Ông A.Nê-vết muốn chấm dứt vai trò điều tiết của chính phủ đối với hoạt động của các doanh nghiệp và ngân hàng quốc doanh, thúc đẩy một mô hình kinh tế dựa vào tư nhân hóa và cắt giảm mạnh chi tiêu để khôi phục sự tăng trưởng. Ông cũng chủ trương giảm tỷ lệ lạm phát xuống 3%, bất chấp cái giá phải trả là thất nghiệp tăng.

Đương nhiên những đề xuất trên của ông A.Nê-vết đã bị Tổng thống Đ.Rút-xép chỉ trích kịch liệt, bởi nó đã được áp dụng khi PSDB cầm quyền giai đoạn 1995-2002 dưới thời Tổng thống Phéc-nan-đô Ên-rích-kê Các-đô-xô (Fernando Henrique Cardoso) và đem lại hậu quả thảm khốc: Nhiều doanh nghiệp nhà nước bị tư nhân hóa, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 12,5%, lãi suất ngân hàng tăng lên mức kỷ lục 45%/ năm. Với chính sách tự do mới được PSDB áp dụng, Bra-xin ba lần bị “phá sản” và phải tìm kiếm các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo bà Đ.Rút-xép, PSDB trong quá khứ chỉ phục vụ quyền lợi của thiểu số giàu có, đặc biệt là các doanh nhân và chủ nhà băng lớn và "những kẻ đầu sỏ" chính trị, phớt lờ lợi ích của số đông người nghèo trong xã hội.

Quyết định khó khăn

Với cam kết củng cố và mở rộng những thành tựu xã hội mà PT đã đem lại cho đất nước trong hơn một thập niên qua thông qua các biện pháp như tăng lương tối thiểu, duy trì trợ cấp cho người nghèo, tăng cường xây dựng nhà xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế, cung cấp dịch vụ internet băng thông cho tất cả người dân, đương kim Tổng thống Đ.Rút-xép vẫn giành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri. Ba ngày trước cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, các cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 23-10 cho thấy, Tổng thống sắp mãn nhiệm Đ.Rút-xép bứt lên dẫn từ 6 tới 8 điểm trước ứng viên đối lập A.Nê-vết về sự ủng hộ của cử tri.

Tuy nhiên, cuộc đua giành ghế tổng thống lần này là cuộc bầu cử khó dự đoán kết quả nhất tại Bra-xin kể từ năm 1989. Dư luận chưa quên vòng 1 cuộc bầu cử đã ghi nhận bất ngờ khi ứng cử viên A.Nê-vết vượt lên đối thủ Ma-ri-na Xin-va (Marina Silva) để giành quyền đua tiếp vòng hai. Kết quả này được đánh giá là sự đổi ngôi ngoạn mục khi trước thềm bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông A.Nê-vết không được cử tri ưu ái nhiều so với bà M.Xin-va.

Việc cử tri Bra-xin bỏ phiếu chọn người sẽ làm chủ Dinh Planalto lần này cũng đồng nghĩa với lựa chọn khó khăn khi họ phải quyết định giữa hai đường lối hoàn toàn khác biệt, một bên đưa đất nước của những vũ điệu Samba theo con đường thân phương Tây và áp dụng chính sách phát triển kinh tế theo tư tưởng tự do mới của ông Nê-vết, một bên là tiếp tục con đường của PT phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, ưu tiên liên kết khu vực và thúc đẩy quan hệ với các nước thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS. Tuy nhiên, dù ai thắng cử đi nữa, các nhà phân tích đều thống nhất rằng, một trong những thách thức lớn nhất mà tân tổng thống Bra-xin phải đương đầu là đưa ra những biện pháp cần thiết để ngăn đà suy giảm của nền kinh tế lớn nhất Mỹ La-tinh trong bối cảnh quốc tế bất lợi như hiện nay./.

(QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất