Theo ghi nhận của phóng viên tại các khu vực bỏ phiếu, các cử tri
đều mong muốn gửi trọn niềm tin thông qua lá phiếu của mình, bầu những
người đủ đức, đủ tài, vì nước, vì dân.
Gửi trọn niềm tin
Ghi nhận của phóng viên tại khu vực bỏ phiếu số 6 thôn Cao Bình đặt ở
Trường Mầm non Cao Bình (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình)
nơi có hơn 440 cử tri Công giáo tham gia đi bỏ phiếu.
Ngay từ sáng sớm, nhiều cử tri làng chài này đã tập kết về điểm bỏ phiếu
để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, để tham gia bỏ phiếu
đúng thời gian, số lượng nhiều ngư dân của làng chài Cao Bình đã cho
thuyền cập đất liền từ nhiều ngày trước đó để chờ đón đến ngày được cầm
lá phiếu trên tay, tham gia bầu cử.
Trước giờ phút bỏ phiếu, lựa chọn ra đại biểu ưu tú, thể hiện cho ý chí,
nguyện vọng của nhân dân, các cử tri đã đọc kỹ tiểu sử đại biểu được
niêm yết lên những nơi trang trọng.
Cha xứ Giuse Mai Văn Hòa, Quản nhiệm giáo xứ Cao Bình (xã Hồng Tiến) cho
biết: "Tôi mong rằng mình sẽ lựa chọn được người xứng đáng, có tài, có
đức để lo cho dân, cho nước được an vui, hạnh phúc và phát triển một
cách mạnh mẽ hơn."
Ông Phạm Văn Cầm, thôn Cao Bình, chia sẻ: "Ngày bầu cử, vợ chồng chúng
tôi đều tham gia bỏ phiếu đầy đủ để thực hiện quyền dân chủ và nghĩa vụ
của mình. Chúng tôi sẽ lựa chọn những người đi sát vào dân, chăm lo cuộc
sống của nhân dân; phải nắm chắc lý lịch, tiểu sử của đại biểu, chúng
tôi mới bầu."
Tâm trạng phấn khởi, vui vẻ, tin tưởng của cử tri tham gia bỏ phiếu ở
làng chài Cao Bình cũng là tâm trạng chung của cử tri ở các khu vực bỏ
phiếu khác trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình.
Anh Nguyễn Văn Du, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, chia sẻ:
"Dù phải đi làm ăn xa nhà nhưng trong ngày hội lớn của non sông, tôi
cũng thu xếp công việc, tranh thủ về để đi bỏ phiếu, bầu ra đại biểu
mình cân nhắc lựa chọn, gửi gắm. Mong sao đại biểu tôi lựa chọn bầu ra
sẽ giúp kinh tế địa phương ngày một phát triển."
Anh Vũ Tiến Phòng, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, cho
biết: "Đây là lần thứ hai tôi tham gia bầu cử, cảm giác rất vui, phấn
khởi đối với bản thân. Phiếu bầu của tôi, tôi tin là đã lựa chọn ra đúng
đại biểu có năng lực, có đức, có tài để điều hành, lãnh đạo đưa cuộc
sống nhân dân phát triển, no ấm hơn."
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Thái Bình, tỉnh có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc
hội với tổng số được bầu 9 đại biểu (trong đó có 5 đại biểu cư trú và
làm việc tại địa phương, 4 đại biểu do Trung ương giới thiệu); 16 đơn vị
bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với tổng số được bầu 67 đại
biểu; 70 đơn vị bầu đại biểu Hội đồng nhân cấp huyện với tổng số được
bầu 339 đại biểu; 1.915 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã
với tổng số được bầu là 7.383 đại biểu; tổng số hơn 1,46 triệu cử tri,
trong đó có gần 11.000 cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu.
Đội mưa đi bầu cử
Mặc dù, trời mưa rất to nhưng tại các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, thị xã
Phước Long (Bình Phước)... đông đảo cử tri đã đi bỏ phiếu bầu cử đại
biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2016-2021 trong không khí vui tươi, phấn khởi.
Cử tri Đoàn Thị Mia, khu phố 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long, cho
biết: "Qua những lần tiếp xúc, tìm hiểu thông tin, tôi và các cử tri
khác trong khu sẽ bầu cho các ứng cử viên ngoài yếu tố có tài, đức, thì
cần thực hiện đúng chương trình hành của mình, bởi có thế, khi trúng cử
những ứng cử viên sẽ biết cách chăm lo cho bà con nhân dân."
Tại xã Đức Hạnh, xã Bù Gia Mập, trời mưa khá nặng hạt, người dân mặc áo mưa đến điểm bầu cử đúng thời gian như đã thông báo.
Cử tri Điểu Keng, thôn Sơn Trung, phấn khởi cho biết: “Bà con chúng tôi
rất phấn khởi đi bầu cử. Dù trời mưa nhưng đây là cơn mưa giải hạn giúp
bà con thoát cảnh khô hạn”. Cùng trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tại xã
Phú Nghĩa, người dân “đội” mưa đi bầu rất đông đảo.
Cử tri Điểu Vinh, thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa, cho biết: “Đến ngày
chính thức đi bầu cử, bà con chúng tôi vui lắm nên hôm nay trời mưa
nhưng bà con vẫn đi rất đông.”
Ông Nguyễn Minh Hóa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Hạnh phấn khởi cho
biết: “Chúng tôi rất mừng khi thấy dù trời mưa nhưng bà con đi bầu cử
đông đảo. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, triển khai bầu cử được thực
hiện đúng theo quy định.”
Cử tri công giáo nô nức đi bầu cử
Vui mừng, phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng vào các đại biểu xứng đáng là tâm trạng chung của các cử tri huyện Kim Sơn, Ninh Bình.
Có mặt từ rất sớm tại địa điểm bầu cử số 4 - Nhà thờ họ thôn Hàm Phu, xã
Chính Tâm, cử tri công giáo Nguyễn Thị Thơm, thôn Hàm Phu, cùng nhiều
bà con công giáo khác tranh thủ xếp hàng lấy phiếu bầu cử.
Chị Nguyễn Thị Thơm vui vẻ: “Trước ngày bầu cử tôi đã nghiên cứu, tìm
hiểu rất kỹ danh sách các ứng cử viên. Tôi hy vọng các đại biểu mà tôi
lựa chọn sẽ có đủ tài, đủ đức để giúp người dân cũng như đất nước ngày
càng phát triển.”
Trực tiếp có mặt hướng dẫn người dân các thủ tục bầu cử, ông Trần Quang
Nhận, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 4, xã Chính Tâm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh
Bình, cho biết tổ bầu cử số 4 đã tổ chức khai mạc đúng thời gian quy
định. Tổ có 267 cử tri, trong đó 82% là đồng bào công giáo. Ngay sau lễ
khai mạc, cử tri nói chung và cử tri công giáo nói riêng đã đến các địa
điểm bỏ phiếu rất đông.
Tại xã Xuân Thiện, huyện Kim Sơn - địa phương có 85% cử tri là đồng bào
công giáo trong tổng số 1.913 cử tri, không khí ngày bầu cử rất rộn
ràng. Là một trong những cử tri công giáo đến bỏ phiếu cuối cùng của tổ
bầu cử số 2 thuộc thôn Dũng Thúy, xã Xuân Thiện, bà Lưu Thị Lợi chia sẻ:
"Đi bầu cử là cơ hội để tôi thực hiện quyền công dân của mình. Người
dân thôn chúng tôi đã vận động nhau sắp xếp công việc để dành thời gian
đi bầu cử và sáng suốt lựa chọn ra những người xứng đáng, đại diện cho
nhân dân và nói lên tiếng nói của người dân.”
Đến trưa 22/5, toàn xã Xuân Thiện đã có hơn 90% cử tri đi bầu cử. Ông
Lưu Văn Khoa, Bí thư xã Xuân Thiện khẳng định được sự tuyên truyền, vận
động của Ban bầu cử, cử tri trong xã đã nhận thức rõ được quyền lợi,
nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong việc đi bầu cử nên bà con đi bầu
cử rất đông và phấn khởi.
Tại xã miền núi Cúc Phương, huyện Nho Quan, trên khắp các nẻo đường rợp
cờ và biểu ngữ chào mừng, tiếng loa phát thanh tuyên truyền về ngày bầu
cử vang vọng khắp thôn bản làm cho không khí ngày bầu cử thêm rộn ràng,
vui tươi.
Ngay từ sáng sớm, mặc dù có mưa nhỏ nhưng hơn 2.200 cử tri, trong đó có
1.880 cử tri là người dân tộc Mường đã gác lại công việc hằng ngày,
khoác lên mình bộ quần áo mang bản sắc riêng, cùng nhau đi đến nơi bỏ
phiếu.
Đến điểm bầu cử từ trước 7 giờ sáng, cử tri Đinh Thị Loan, thôn Nga 2,
xã Cúc Phương lần đầu đi bỏ phiếu chia sẻ: “Tôi đã tìm hiểu thông tin về
các ứng cử viên rất kỹ và đặt nhiều kỳ vọng vào những ứng cử viên trẻ,
ưu tú, đại diện cho tầng lớp thanh niên. Tôi mong sau khi trúng cử, các
đại biểu sẽ làm tròn trách nhiệm của mình và chuyển tải tới Quốc hội các
vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, chống ô nhiễm môi trường.”
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cúc Phương cho biết xã có
địa hình phức tạp, dân cư phân bố không tập trung, có những điểm bản
cách xa trung tâm xã. Vì vậy, xã đã tập trung làm tốt công tác chuẩn bị
nên bầu cử diễn ra khá thuận lợi.
Cử
tri dân tộc Mường tìm hiểu thông tin các ứng cử viên để bỏ phiếu bầu
tại tổ bầu cử số 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)
Đến 10 giờ sáng, tại 6 tổ bầu cử trên địa bàn, hơn 90% cử tri đã đi bầu
cử. Tại các điểm bỏ phiếu, không khí bầu cử diễn ra nghiêm túc.
Từ sáng sớm 22/5, tại điểm bỏ phiếu số 4, phường Phúc Thành, thành phố
Ninh Bình, đông đảo cử tri đã đi bỏ phiếu. Cử tri tham gia ngày hội non
sông với tinh thần trách nhiệm cao.
Bà Hán Thị Vân chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần được thực hiện quyền công dân
khi tham gia bầu cử các nhiệm kỳ trước. Mỗi lần cầm lá phiếu trên tay,
tôi luôn cảm thấy phấn khởi, tự hào và nhận thấy trách nhiệm của mình
khi quyết định bỏ phiếu để tìm ra những người đủ đức, đủ tài. Chúng tôi
rất mong muốn các ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng
nhân dân các cấp thực sự là những người đại diện cho ý chí, quyền lợi và
nguyện vọng của nhân dân; những người trúng cử ở từng vị trí, vai trò
của mình đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.”
Cử tri vùng biển phấn khởi trong ngày hội lớn
463.895 cử tri ở 956 tổ bầu cử trong toàn tỉnh Quảng Trị tiến hành bầu
cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại các khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh Quảng Trị đã có bình
quân 90% cử tri đã tham gia bỏ phiếu; 14/141 xã, phường, thị trấn có
100% cử tri đi bỏ phiếu. Đặc biệt, huyện đảo Cồn Cỏ từ 8 giờ 10 phút đã
hoàn thành việc bỏ phiếu. Cử tri trong tỉnh tích cực hưởng ứng tốt cuộc
bầu cử, mọi người dân rất hăng hái, nhiệt tình đi bầu cử đại biểu Quốc
hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại các điểm bầu cử xã Hải Khê, những nụ cười, niềm tin ánh lên trong
đôi mắt của người dân nơi đây. Đối với những người dân vùng bãi ngang,
cuộc sống của họ chỉ dựa vào biển, mặc dù đang chịu nhiều khó khăn và
thiệt hại về kinh tế sau vụ cá chết nhưng họ vẫn tin tưởng vào đường
lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Chị Trần Thị Thương (sinh năm 1984), thôn 2, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng,
chia sẻ: “Cả tháng nay bà con chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho ngày
bầu cử của quốc gia. Đây không chỉ là ngày hội lớn của địa phương và của
đất nước, tôi mong muốn sao lá phiếu của mình sẽ góp phần chọn ra được
những vị đại biểu có đức, có tài đại diện cho ý chí và nguyện vọng của
người dân có những chính sách đúng đắn xây dựng quê hương ngày càng phát
triển.”
Đến 11 giờ, việc bỏ phiếu bầu cử ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh
Quảng Trị cơ bản đã hoàn thành. Xã Hải Khê có trên 3.500 nhân khẩu, hơn
80% người dân làm nghề biển, tại xã này có 6 tổ bầu cử, đến thời điểm
này 3 tổ đã hoàn thành việc bỏ phiếu. Hải Khê là một trong 16 xã ven
biển chịu thiệt hại nặng sau tình trạng cá chết hàng loạt tại các bãi
biển. Thế nhưng vượt qua những khó khăn trước mắt, người dân vùng biển
rất hào hứng cầm trong tay lá phiếu để bầu ra những người lãnh đạo có
đức, có tài, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của ngư dân xây dựng đất
nước ngày càng đi lên.
Ông Phan Văn Giao (77 tuổi), xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho biết: “Xã
sống dựa vào nghề biển, bà con luôn động viên nhau cố gắng vượt qua
những khó khăn. Chúng tôi tin tưởng Đảng, Nhà nước sẽ có chính sách đúng
đắn để hỗ trợ ngư dân. Trong ngày bầu cử hôm nay, rất nhiều tàu, thuyền
trên địa bàn xã đã sắp xếp lịch trình về đúng ngày để bầu cử.”
Tại các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông nơi tập trung đông đồng bào
dân tộc Pakô, Vân Kiều sinh sống, để công tác bầu cử diễn ra thuận lợi,
chính quyền địa phương phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đến
từng bản làng vận động; mở các tổ bầu cử ngay tại các thôn, làng để bà
con có thể thuận tiện bỏ phiếu.
Ông Hồ Văn Linh (50 tuổi), thôn TaLu, xã Đakrông, huyện Đakrông cho
biết: “Gần 2 tháng nay, các cán bộ biên phòng đến tận nhà tuyên truyền
mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử. Hôm nay, tôi rất vui và phấn khởi khi
được cầm lá phiếu trên tay để bầu những vị đại biểu có đức, có tài.
Mong rằng những vị đại biểu trúng cử sẽ quan tâm đến đời sống của người
dân, đặc biệt có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.”
Để tạo được không khí rộn ràng, sôi nổi trong ngày bầu cử, huyện Vĩnh
Linh đã có các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử một cách kỹ lưỡng, đúng
tiến độ, đúng luật định. Ủy ban bầu cử huyện đã phân công từng thành
viên về các địa phương kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn,
vướng mắc. Từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức
động viên cử tri tích cực tham gia ngày bầu cử đông đủ.
Đối với các xã miền núi, xa xôi, cách trở như Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà,
huyện Vĩnh Linh đã cử 3 đoàn công tác để hỗ trợ các xã tổ chức bầu cử,
tạo điều kiện tốt nhất cho trên 2.600 cử tri, phần lớn là đồng bào dân
tộc Vân Kiều thực hiện quyền bầu cử của mình, trong đó có việc đảm bảo
cập nhật thông tin bầu cử về trung tâm huyện.
Tại mỗi khu vực bỏ phiếu ở huyện Vĩnh Linh, các tổ bầu cử đều chuẩn bị
hòm phiếu phụ nhằm tạo điều kiện cho các cử tri ốm đau, già yếu, tàn
tật không thể đến phòng bỏ phiếu thực hiện nghĩa vụ công dân của
mình.
Ngày hội non sông của cử tri vùng cao Phú Yên
Cách thành phố Tuy Hòa gần 100 km, từ sáng sớm, 1.981 cử tri là người
đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na và Chăm H’Roi ở vùng cao Phú Mỡ thuộc
huyện miền núi Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) đã nô nức đi bầu cử tại 6 khu
vực bỏ phiếu.
Là địa bàn giáp ranh với các xã vùng Tây Nguyên thuộc tỉnh Gia Lai,
thường xuyên bị chia cắt bởi những con sông, suối khi có mưa lớn. Tuy
nhiên, từ 6 giờ ngày 22/5, dưới cờ, hoa rực rỡ, từ các buôn làng, đồng
bào các dân tộc thiểu số xã Phú Mỡ trong trang phục truyền thống, hồ hởi
gọi nhau đổ ra đường, hướng về các khu vực bỏ phiếu ở nhà sinh hoạt
cộng đồng và các điểm trường học.
Hầu như ai cũng trong tâm trạng háo hức đợi đến giờ được tự tay cầm lá
phiếu bầu những người đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí, tâm tư, nguyện
vọng của nhân dân vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Cử tri bỏ phiếu bầu tại khu vực bầu cử số 5, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình. (Ảnh: TTXVN)
Em Đoàn Thị Thanh phấn khởi nói: “Lần đầu tiên em đi bầu cử, gặp trời
mưa, đường sá đi lại khó khăn, nhưng với trách nhiệm công dân, nên đã
hoàn thành việc bỏ phiếu từ sáng sớm.”
Còn bà La O Thị Hương vui vẻ cho biết, dù trời mưa to, nhưng không có gì
trở ngại, bà con vẫn phấn khởi đi bỏ phiếu từ sáng sớm để còn về đi làm
nương rẫy.
Sau lễ khai mạc, hơn 1.980 cử tri xã Phú Mỡ phấn khởi, đồng loạt thực
hiện quyền, tránh nhiệm công dân, gửi trọn niềm tin tuyệt đối vào những
người do mình tín nhiệm, trúng cử làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân
dân các cấp, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước của dân, do dân và vì
dân.
“Bà con tập trung tại các khu vực bỏ phiếu từ rất sớm. Ai cũng mang tâm
trạng phấn khởi, tự tin chọn cho mình những người có đức, có tài, có bản
lĩnh chính trị và tâm huyết, xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân
dân các cấp khóa mới để đưa đất nước mình phát triển nhanh, bền vững,
ngày càng ổn định an sinh xã hội và đời sống nhân dân cả nước nói chung,
xã Phú Mỡ nói riêng,” già làng Ma Minh nói.
Ông La O Hóa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Mỡ cho biết, đến hơn 10
giờ, 100% cử tri xã Phú Mỡ hoàn tất việc bỏ phiếu. Đồng bào các dân tộc
sau khi bỏ phiếu đã vui vẻ trở về tiếp tục lo việc đồng áng, sản xuất
nương rẫy vụ Hè Thu.
Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Phú Yên
cho biết, là tỉnh có cả vùng miền núi, ven biển và đồng bằng. Nhờ sự
tuyên truyền, vận động tích cực, cử tri nhận thức tốt quyền, trách nhiệm
công dân, nên đã chủ động tham gia bầu cử sớm. Không khí cử tri đi bầu
cử trên đường phố, đến các tuyến đường liên xã, thôn, điểm bầu cử rất
sôi nổi và tập trung cao, nhất là cử tri vùng biển, miền núi và vùng
đồng bào dân tộc thiểu số./.
(TTXVN)