Ngày 5/3, Bộ Ngoại giao Cuba (Minrex) đã ra thông cáo phản đối quyết liệt quyết định của Chính phủ Mỹ cho phép việc kiện tụng và xét xử tại tòa án Mỹ các doanh nghiệp Cuba sử dụng các tài sản của công dân Mỹ gốc Cuba, vốn bị tịch biên sau Cách mạng 1959.
Thông cáo của Minrex nhấn mạnh việc áp dụng một phần, kể từ ngày 19/3
tới, Đề mục III của Luật Helms-Burton này là một bước leo thang mới
trong cách hành xử của Washington chống La Habana.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo quyết định cho phép tiến hành các
hành động pháp lý nói trên chống lại các đơn vị nằm trong danh sách “Các
tổ chức Cuba bị hạn chế”, do chính bộ này soạn thảo hồi tháng 11/2017
và cập nhật 1 năm sau đó. Danh sách này bao gồm các cơ quan, doanh
nghiệp và chi nhánh có liên quan tới an ninh, quốc phòng của Cuba, đặc
biệt là các cơ sở du lịch.
Sau khi nhận định danh sách này là “thiên lệch” và “phi pháp”, Cuba
khẳng định bước đi trên là nhằm thắt chặt lệnh bao vây, cấm vận kinh tế -
thương mại – tài chính mà Mỹ áp đặt chống đảo quốc Caribe này từ năm
1962 và mở rộng sự tác động của chính sách thù địch này ra ngoài lãnh
thổ.
Được ban hành năm 1996, Luật Helms-Burton trừng phạt các doanh nghiệp
nước ngoài thực hiện giao dịch với Cuba, trong đó Đề mục III cho phép
các công dân Mỹ gốc Cuba được kiện lên tòa án Mỹ những doanh nghiệp, tổ
chức, cá nhân nước ngoài và Cuba sử dụng - qua những thỏa thuận với
Chính phủ Cuba - tài sản từng thuộc sở hữu của họ bị quốc hữu hóa trước
đây.
Do tính chất pháp lý phức tạp của điều khoản này và sự phản đối của
cộng đồng doanh nghiệp muốn kinh doanh với Cuba, chủ yếu là từ Liên minh
châu Âu, từ trước tới nay các Tổng thống Mỹ đều miễn thi hành Đề mục
này mỗi khi gia hạn Luật Helms-Burton theo chu kỳ 6 tháng. Tuy nhiên vào
tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ hoãn thi hành đề mục
này 45 ngày, và hiện tại, quyết định áp dụng 1 phần và hoãn thi hành
toàn phần điều khoản thù địch này thêm 30 ngày.
Minrex nhấn mạnh việc chính quyền cách mạng Cuba đã thực hiện các biện
pháp quốc hữu hóa hoàn toàn theo luật pháp quốc tế và luôn sẵn sàng tiến
hành tiến trình đền bù “công bằng và thích hợp”, nhưng Washington luôn
từ chối xem xét. Bộ Ngoại giao Cuba chỉ rõ đạo luật này là “phi pháp,
không thể áp dụng và không có giá trị cũng như bất kỳ hiệu ứng pháp lý
nào” và mọi yêu cầu đền bù dựa theo luật này đều vô giá trị./.
(TTXVN)