1.
Nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay
có lẽ là một biểu hiện cụ thể, khó tránh khỏi trong tiến trình cạnh
tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa các nước lớn ở khu vực châu Âu -
Đại Tây Dương. Bản chất của cuộc xung đột là mâu thuẫn giữa việc Nga
muốn khôi phục địa vị “siêu cường” thế giới, trước hết tại khu vực châu
Âu, với nhu cầu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tham
vọng của Mỹ/đồng minh muốn duy trì một trật tự do Mỹ/Liên minh châu Âu
(EU)/Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thiết lập tại khu vực.
Nằm trên lục địa Âu - Á, với vị trí hết sức quan trọng là “vùng đệm tự
nhiên” giữa Đông và Tây, như cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Zbigniew
Brezinsky từng nhấn mạnh, ai kiểm soát được Ukraine sẽ kiểm soát được
lục địa Âu - Á, Ukraine trở thành chiến trường giữa một bên là Nga cùng
một số nước không hẳn là đồng minh, với một bên là Mỹ và đồng minh trong
một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”. Ý chí và quyết tâm của cả hai bên
khiến “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine trở thành
một cuộc chiến tranh truyền thống tàn khốc mà đến nay chưa tìm được lối
thoát.
Điều
này cũng đúng với mối quan hệ giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là
Mỹ cùng đồng minh, trong đó Trung Quốc quyết tâm thiết lập một trật tự
thế giới mới, trước hết là ở khu vực châu Á, trên con đường tiến tới trở
thành “siêu cường” toàn cầu. Đây là những mâu thuẫn đối kháng, không có
nhượng bộ, vì vậy xung đột xảy ra như một hệ quả tất yếu, diễn ra ở
những khu vực gắn với lợi ích địa - chiến lược thiết thân nhất của cả
Nga và Trung Quốc, mà trước hết là những khu vực cận biên của hai nước.
Hiện vẫn
khó có thể dự đoán sát kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine, tuy
nhiên có thể thấy, Nga dường như đang “đơn độc”. Mặc dù số đông áp đảo
chưa chắc đã là bên chiến thắng như đã từng thấy trong lịch sử hào hùng
bảo vệ nền độc lập của nước Nga, song tính chính danh trong mỗi thời kỳ
một khác. Chưa thể dự đoán được điều gì, nhưng nếu cuộc xung đột càng
kéo dài, nhiều dự đoán cho rằng, Nga có thể gặp khó khăn, trở ngại hơn
trên nhiều mặt.
2.
Cục diện thế giới từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay có thể
chia làm hai giai đoạn: 1) Giai đoạn “đơn cực”, với Mỹ là “siêu cường”
duy nhất, đơn phương áp đặt chiến lược trên toàn cầu ngay sau sự
kiện ngày 11/9/2001; 2) Giai đoạn “hỗn độn”, với sự phục hồi của Nga và
sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, có thể lấy mốc từ năm 2014 khi Nga sáp
nhập bán đảo Crime và Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự tại Biển
Đông. Bên cạnh đó là sự suy giảm vai trò của các thể chế và luật pháp
quốc tế trước những hành vi vụ lợi của các nước lớn. Chính vì vậy, giới
nghiên cứu bắt đầu bàn về một trật tự thế giới mới với các cụm từ, như
“vô cực” (hỗn loạn, vô tổ chức), “đa cực, đa trung tâm” (sự nổi lên của
Nga và Trung Quốc, có xu hướng ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau,
thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ), “lưỡng cực” (Mỹ và Trung
Quốc được đặt ở vị thế ngang bằng). Cũng có lập luận cho rằng không còn
khái niệm “cực” trong một thế giới mà lợi ích các nước đã tùy thuộc nhau
sâu sắc…
Cũng
có quan điểm cho rằng, thế giới đang diễn ra tiến trình “thế giới phân
ba” với sự dẫn dắt của Mỹ, Trung Quốc và Nga. Trong cục diện này, Trung
Quốc và Mỹ “chia đôi” châu Á - Thái Bình Dương, gắn với lập trường “châu
Á là của người châu Á” của Trung Quốc; còn Nga giành ảnh hưởng
chi phối tại châu Âu. Cả Mỹ, Trung Quốc và Nga đều muốn trở thành siêu
cường lớn nhất, chi phối toàn cầu. Tuy nhiên trong tiến trình này, về
tổng thể, Mỹ vẫn được xem là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất, nhưng vị thế
trên trường quốc tế tiếp tục đà suy giảm và vị thế số một thế giới về
kinh tế của Mỹ có khả năng bị soán ngôi vào năm 2030. Trung Quốc là
cường quốc có tiềm năng, thực lực mạnh nhất để cạnh tranh với Mỹ, trở
thành “một cực” quan trọng nhất trong thập niên tới nhờ sức mạnh tổng
hợp quốc gia tăng nhanh và ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong
tham gia giải quyết nhiều vấn đề quốc tế. Nga tiếp tục có những bước
chuyển quan trọng, từng bước khẳng định lại vai trò nước lớn trong các
vấn đề quốc tế, tuy nhiên dường như ngày càng khó khăn trong củng cố nền
tảng sức mạnh quốc gia, đặc biệt kể từ sau khi Nga tiến hành “chiến
dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, cùng với việc kinh tế và quan hệ đối
ngoại gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
3.
Tương lai của cục diện thế giới, trật tự quan hệ quốc tế trên toàn cầu
có thể được định hình trong vài thập niên tới. Tiến trình này có nhiều
đặc điểm, thể hiện qua một số nét chính sau:
Thứ nhất,
diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ở mọi khu vực, song “trận địa” chính nằm
ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và châu Á - Thái Bình Dương, với
trọng điểm là các khu vực cận biên của Nga và Trung Quốc. Đối với Nga,
kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine có lẽ là nhân tố quyết định đến
chiến lược của Nga. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, kết quả của tiến
trình giải quyết vấn đề eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và vấn đề Biển
Đông là những nhân tố chính yếu góp phần quyết định triển khai sức mạnh
của Trung Quốc.
Thứ hai,
ba chủ thể chính trong tiến trình định hình cục diện thế giới, trật tự
quan hệ quốc tế trên toàn cầu thời gian tới, bao gồm: 1) Quốc gia; 2) Liên quốc gia; 3) Phi quốc gia. Trong đó, chủ thể quốc gia đóng vai trò
quyết định, tập trung vào các nước lớn. Ở phạm vi toàn cầu, có thể thấy:
1) Ba chủ thể quốc gia lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nga; các chủ thể
quốc gia tầm trung, bao gồm: Anh, Pháp, Đức (châu Âu) hay Nhật Bản, Ấn
Độ, Australia (châu Á); 2) Chủ thể liên quốc gia, bao gồm: Liên hợp quốc
và các tổ chức khu vực, như EU, NATO, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)
hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…; 3) Chủ thể phi quốc gia
là những tổ chức, tập hợp có tính văn hóa, dân tộc, kinh tế - xã hội,
được thừa nhận hoặc không thừa nhận bởi quốc tế hoặc quốc gia, nhưng có
ảnh hưởng đáng kể đến trật tự quan hệ quốc tế ở cả tầm toàn cầu, khu vực
hay quốc gia.
Thứ ba,
đây là một tiến trình lâu dài, toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị,
kinh tế và an ninh, thể hiện trong chính sách, chiến lược của mọi chủ
thể. Tuy nhiên, lựa chọn lĩnh vực nào làm phương tiện, biện pháp chính
lại tùy thuộc vào chính sách và thế mạnh của từng chủ thể cũng như tình
hình cụ thể của chủ thể được áp dụng. Mỹ có xu hướng nhấn mạnh những
“mối đe dọa an ninh” để tập hợp lực lượng và tận dụng ưu thế sức mạnh
quân sự trong điều tiết các mối quan hệ quốc tế, trong khi Trung Quốc
nhấn mạnh phát triển kinh tế - xã hội để tập hợp lực lượng và sử dụng ưu
thế kinh tế để điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế.
Trong
cuộc chiến “thế giới phân ba” này, Nga được cho là có nhiều điểm hạn
chế hơn điểm mạnh: Bị bao vây, cấm vận toàn diện; hầu như không có đồng
minh thực sự; tính chính danh của việc triển khai “chiến dịch quân sự
đặc biệt” tại Ukraine chưa thực sự thuyết phục được cộng đồng quốc tế;
sự bền vững của cơ sở sức mạnh tổng hợp quốc gia vẫn là một câu hỏi...
Trung Quốc hiện nắm giữ một số điểm mạnh nền tảng, như sức mạnh của nền
kinh tế, khoa học - công nghệ, tinh thần dân tộc mạnh mẽ, tuy nhiên,
Trung Quốc cũng có điểm hạn chế là không có đồng minh thực chất, bền
vững và tính chính danh trong việc áp đặt các chiến lược đối ngoại trong
khu vực và trên thế giới. Mỹ tiếp tục là nhân tố hùng mạnh nhất, tuy
nhiên, khoảng cách so với Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp; sức hút về mô
hình phát triển vốn tạo nên hệ “giá trị Mỹ” đứng trước sự hoài nghi
ngày càng tăng; phạm vi lợi ích trải rộng dẫn đến sự phân tán sức mạnh,
nhất là hiện nay Mỹ gần như đã xa rời tư duy chiến lược truyền thống
“chiến đấu và chiến thắng cùng một lúc ở hai mặt trận lớn”. Thế nhưng,
Mỹ lại có mạng lưới liên minh, đồng minh, đối tác đông đảo nhất,
đặc biệt trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, là điều mà cả Nga và Trung
Quốc đều thiếu vắng.
Theo
một số chuyên gia nghiên cứu quốc tế, Trung Quốc đang là bên hưởng lợi
nhiều nhất trong cuộc xung đột địa - chiến lược kéo dài này, bởi ngoài
những mối lợi cụ thể như thương vụ mua số lượng lớn dầu mỏ và vũ khí tối
tân với giá rẻ từ Nga, Trung Quốc dường như đang gặp nhiều thuận lợi
trên con đường “chinh phục” châu Á - Thái Bình Dương. Điều này có cơ sở
nếu nhìn trong lịch sử, Trung Quốc thường mở rộng thành công ảnh hưởng
tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mỗi khi Mỹ và Liên Xô (trước
đây)/Nga vướng bận vào cuộc cạnh tranh địa - chiến lược. Tuy nhiên,
trong khi đặt ưu tiên cao vào Nga và châu Âu, dường như Mỹ cũng đặt giới
hạn cho sự can dự của mình, không để xao nhãng mục tiêu chính là Trung
Quốc và châu Á - Thái Bình Dương. Hơn nữa, cũng khó có thể chắc chắn sức
mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ sẽ suy yếu, khi cuộc khủng hoảng chính
trị Nga - Ukraine hiện nay đã và đang mang lại cho Mỹ không ít lợi thế
mà trong điều kiện bình thường Mỹ khó có thể đạt được, đó là châu Âu
lệ thuộc nhiều hơn vào Mỹ và NATO đang mở rộng nhanh chóng, giúp vai trò
lãnh đạo của Mỹ trên bình diện toàn cầu được tăng cường.
Cuộc cạnh
tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Nga cũng thúc đẩy hình thành những
xu hướng tập hợp lực lượng mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên
cạnh việc NATO đang được mở rộng, một số nước châu Âu từ bỏ đường lối
trung tập truyền thống có lịch sử hàng trăm năm để gia nhập NATO nhằm
đối phó với “mối đe dọa từ Nga”; xu hướng tập hợp lực lượng mới tại châu
Á - Thái Bình Dương cũng dần rõ hơn với sự củng cố, mở rộng và nâng cấp
cấu trúc “trục và nan hoa” của Mỹ cùng sự hình thành của Nhóm “Bộ tứ”,
nâng cấp các “nan hoa” Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Hàn
Quốc… và sự liên kết các “nan hoa” với nhau trong những vòng cung kiềm
chế Trung Quốc. Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong trong các tập hợp lực
lượng mang tính quốc phòng - an ninh, còn Trung Quốc có thế mạnh trong
các tập hợp về kinh tế - xã hội, trong khi Nga chưa thực sự có được thế
mạnh nào. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng một liên minh thực sự sẽ
được hình thành giữa Nga và Trung Quốc nếu Mỹ tiếp tục duy trì cùng lúc
hai mặt trận đối đầu như hiện nay. Và tiến trình này, nếu tiếp tục gia
tăng cũng kéo theo sự củng cố vững chắc một liên minh do Mỹ dẫn đầu, hạt
nhân là Nhóm “Bộ tứ” tại châu Á - Thái Bình Dương.
Tùy
thuộc vào kịch bản nào sẽ kết thúc đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine
và tiền lệ nào đặt ra đối với Trung Quốc tại khu vực châu Á mà cục
diện toàn cầu có thể được định hình trong tương lai. Tuy nhiên, có lẽ
vấn đề Ukraine đang đi đến chặng cuối và cục diện thế giới lâu dài sẽ
phụ thuộc chủ yếu vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai chủ thể Mỹ và
Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo giới chuyên gia, kết quả
của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc sẽ là nhân tố quyết định
trật tự quan hệ quốc tế mới hơn là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga. Các
cuộc tiếp xúc kín đáo giữa Mỹ và Nga nhiều khả năng sẽ dày đặc và sâu
sắc hơn để hai bên có thể tìm kiếm một giải pháp chính trị trung dung,
có thể chấp nhận được.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc hội đàm tại Moscow (Nga), ngày 22/3/2023. (Ảnh: AP)
4.
Với những diễn biến hiện nay, Mỹ và đồng minh đang phải tập trung cao
độ cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, vì vậy dù muốn hay không, châu Á -
Thái Bình Dương cũng sẽ bị xao nhãng và đây chính là cơ hội để Trung
Quốc củng cố, phát triển một môi trường đối ngoại tích cực; từ đó áp đặt
ở mức độ nhất định chiến lược của Trung Quốc tại Đông Á - Thái Bình
Dương. Giới quan sát cho rằng, khả năng Trung Quốc thành công không phải
là nhỏ nếu cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục diễn biến
như hiện nay, trong đó “vai trò trung tâm” của ASEAN cũng gặp nhiều
thách thức trước sự co kéo của các nước lớn.
Điểm
hạn chế nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay là sự thiếu
vắng những thể chế có tính ràng buộc giúp bảo đảm an ninh thông qua
việc ngăn chặn, xử lý khủng hoảng khi xảy ra. Việc NATO thúc đẩy sự
hiện diện tại Nhật Bản mới đây là dấu hiệu đáng chú ý, tác động hai
chiều thuận - nghịch tới cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều
này khiến “vai trò trung tâm” của ASEAN đứng trước nhiều thách thức,
đồng thời đặt ra những câu hỏi lớn về cách hành xử, lựa chọn chính sách
của ASEAN nói chung, các nước thành viên ASEAN nói riêng.
Là
trọng điểm tranh chấp chiến lược nước lớn, Đông Nam Á tập trung hai
“siêu cường” Mỹ, Trung Quốc và nhiều “cường quốc” khu vực, như Nhật Bản,
Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc… Nga tham gia “cuộc chơi” với vai trò đồng
minh trên thực tế của Trung Quốc. Sự cạnh tranh chiến lược tại Đông Nam Á
có thể giúp phân định vai trò của Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới
và sau đó, kéo theo hình thái cục diện thế giới mới. Tại Đông Nam Á, có
hai điểm tranh chấp chiến lược lớn là Biển Đông và Tiểu vùng sông
Mekong. Trong khi cả Mỹ và Trung Quốc đều coi cạnh tranh chiến lược tại
Biển Đông là nhân tố quyết định, thì Trung Quốc tìm cách gia tăng sức
ảnh hưởng tại Tiểu vùng sông Mekong, coi đây là điểm mấu chốt để mở rộng
ảnh hưởng đến toàn bộ Đông Nam Á. Tính toán này được cho là không phải
không hợp lý, nếu suy xét rộng hơn nguyên tắc “đất thống trị biển” trong
luật biển quốc tế. Trung Quốc dường như đang thành công trong tính toán
này trước sự “thờ ơ” của Mỹ, trong khi ASEAN dường như chưa đủ sự thống
nhất và vai trò của các cường quốc khác tại khu vực ở Tiểu vùng sông
Mekong vẫn còn nhỏ lẻ, tách biệt.
Đây
chính là không gian chiến lược quan trọng nhất đối với toàn bộ ASEAN.
Trong một vài thập niên gần đây, không gian này thực chất đang bị thu
hẹp khá nhanh chóng. ASEAN đang đứng trước thách thức rất lớn kể từ khi
ra đời đến nay, đòi hỏi cần có tư duy và hành động mang tính đột phá.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn, nhất là Mỹ -
Trung Quốc, còn chưa ngã ngũ, với việc cả hai bên tăng cường thúc đẩy,
thu hút tập hợp lực lượng, ASEAN cũng có cơ hội lớn để có thể chủ động
củng cố, phát huy vai trò “trung gian”, đóng vai trò “trung tâm” thực sự
trong tiến trình định hình cục diện khu vực, toàn cầu, trước hết là tại
châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là điều mà ASEAN đã từng thành công
trong những thời điểm khó khăn. ASEAN với “phương cách” riêng có, đang
là một tổ chức khu vực được đánh giá thành công nhất, một “điểm sáng”
trong tổng thể bức tranh khu vực và thế giới còn nhiều hỗn độn, phức
tạp./.
TS. Trung tướng ĐỖ LÊ CHI
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Công an, Bộ Công an
(Nguồn: TC Cộng sản)