Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 17/5/2009 15:10'(GMT+7)

Cúm A (H1N1): Những điều cần biết và nên tránh

   Trong tuần lễ cuối tháng 4 năm 2009, tin tức về cúm A (H1N1) đã được các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin, trao đổi và thảo luận. Nhân dân quan tâm theo dõi. Các cơ quan y tế công cộng trên toàn thế giới đã nhóm họp khẩn cấp tại Geneve để thảo luận về tình trạng khẩn cấp của cúm A (H1N1) ở loài người hiện đang xảy ra tại một số quốc gia Bắc Mỹ và tìm biện pháp đối phó. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Bà Margaret Chan tuyên bố: “Đây là một vấn đề sức khỏe công cộng khẩn cấp có tính chất toàn cầu vì virus gây ra cúm A (H1N1) tại Mexico là loại mới lạ, rất nguy hiểm và có khả năng gây dịch cho nhiều quốc gia”.

1. Một số hiểu biết về cúm A (H1N1)

   Cúm A (H1N1) là bệnh hô hấp do các virus nhóm cúm A gây ra. Virus cúm thường có hình cầu, với đường kính từ 90 đến 100 nm. Virus cúm thuộc chi cúm (gồm cúm A, B và C), họ Orthomyxoviridae, là những virus có genome là RNA đối mã (negative-sense RNA) gồm 8 đoạn RNA mã hóa cho nhiều loại protein khác nhau, trong đó, có các protein của enzyme phiên mã trên khuôn RNA cần thiết cho sự sao chép của loại virus RNA đối mã trong tế bào. Virus cúm sau khi đi vào tế bào sẽ đi vào nhân để sử dụng bộ máy phiên mã của nhân cho việc tạo ra các RNA virus mang mã.

Cũng như các virus khác, một người khi đã nhiễm virus cúm và hồi phục thì sẽ miễn nhiễm đối với loại virus cúm đó. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm của virus cúm khiến cho việc sản xuất vaccine cúm không bao giờ thành công triệt để là khả năng tích lũy các đột biến nhỏ (antigenic drift) và hình thành các đột biến lớn (antigenic shift). Tốc độ bị đột biến của các đoạn RNA của virus cúm chỉ sau HIV, tuy nhiên, vì virus cúm có 8 đoạn RNA khác nhau nên quá trình “đóng gói” trở nên rất kém hiệu quả, nhưng chính điều này giúp cho virus cúm dễ dàng tạo nên các thể tái tổ hợp (reassorted virus) khi nhiều chủng virus cúm cùng nhiễm vào một tế bào vật chủ. Chính các thể tái tổ hợp này, cộng với khả năng bị đột biến nhanh của các kháng nguyên giúp virus cúm thoát khỏi sự kiểm soát của hệ miễn dịch kể cả những người từng bị bệnh. Một trong những cơ chế virus cúm gây đại dịch ở người là sự tái tổ hợp của virus cúm chim (avian flu) và virus cúm người ở lợn (có khả năng bị nhiễm cả hai loại virus này) tạo nên loại virus mới có khả năng nhiễm ở người, khiến cho nhiều người “bị bất ngờ” trước loại virus mới này. Gần đây, loại virus H5N1 từ gà đã nhiễm thẳng sang người mà không thông qua lợn, gây lo lắng cho các nhà khoa học bởi đây có thể là dấu hiệu của một đại dịch mới sắp xảy ra.

Virus cúm nhiễm vào các tế bào ở họng và khí quản, tức phần trên của hệ hô hấp. Tuy nhiên, nó có thể gây nên các biến chứng như viêm phổi hoặc những triệu chứng có nguy cơ gây tử vong khác. Trên thực tế, virus cúm đã từng gây ra một đại dịch khủng khiếp vào năm 1917, gọi là cúm Tây Ban Nha, khiến cho hơn 20 triệu người bị chết trên thế giới. Trên thực tế con số này được ước đoán khoảng chừng 40-50 triệu bởi Ấn Độ bị mất một thế hệ và nhiều cộng đồng ở Trung Quốc và Nga bị xóa sổ. Virus cúm thường gây tử vong ở những đối tượng bị suy giảm miễn dịch hoặc hệ miễn dịch không hoàn hảo như người già, trẻ em, người bị nhiễm HIV hoặc những người đang hoặc có nguy cơ viêm phổi.

2. Mức độ nguy hiểm của bệnh cúm A (H1N1)

   Cũng giống như bệnh cúm mùa Đông, tình trạng bệnh của cúm A (H1N1) có thể nhẹ hoặc trầm trọng.

Từ năm 2005 tới tháng 1 năm 2009 đã có 12 trường hợp cúm A (H1N1) ở người được khám phá tại Hoa Kỳ và không có tử vong.

Tuy nhiên, cúm A (H1N1) cũng có thể trầm trọng. Vào tháng 8 năm 1988, tại tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ, một phụ nữ khỏe mạnh 32 tuổi đang có thai mắc cúm A (H1N1) được vào bệnh viện điều trị sưng phổi và tử vong sau đó 8 ngày.

Năm 1976, dịch cúm A (H1N1) bùng phát tại căn cứ quân sự Fort Dix, New Jersey, Hoa Kỳ, gây bệnh cho hơn 200 người với một số trường hợp tử vong.

Từ đầu năm cho tới ngày 28 tháng 4, số người bị xác định bị bệnh cúm A (H1N1) ở Mỹ là 7 trường hợp tại California, 2 trường hợp ở Texas, 2 trường hợp ở Kansas, một số học sinh tại New Yorrk và nhiều trường hợp nghi ngờ, tuy nhiên, không có tử vong.

Tại Mexico, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ tháng 3 tới 13 tháng 4 năm 2009 đã có khoảng gần 2000 người được nhập viện với triệu chứng bệnh tương tự như cúm, 149 tử vong nhưng mới chỉ có 20 trường hợp được thử nghiệm xác định bị cúm A (H1N1). Tổng thống Mexico đã ban hành nhiều biện pháp để bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có việc cách ly người nghi ngờ cúm.

Đến ngày 12/5/2009, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới đã có trên 30 nước chính thức thông báo ghi nhận gần 5.000 trường hợp mắc, dương tính với cúm; hàng ngày tiếp tục xác nhận thêm các nước mới có trường hợp mắc bệnh cúm A (H1N1), số trường hợp dương tính với cúm A (H1N1) có xu hướng tăng nhanh.

Hiện nay tình trạng báo động dịch của WHO đang ở cấp độ 5, sẽ chuyển sang cấp độ 6 khi dịch xảy ra trên phạm vi toàn cầu.

3. Lan truyền bệnh cúm A (H1N1)?

   Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (CDC), virus cúm A (H1N1) rất dễ truyền nhiễm và có thể lây lan sang người bằng hai cách:

- Qua sự tiếp cận với heo bị cúm hoặc với môi trường nhiễm với virus cúm A (H1N1).

- Qua sự tiếp xúc với người mắc bệnh cúm A (H1N1). Sự lây lan này cũng tương tự như lây lan cúm, tức là khi người bệnh ho, hắt hơi, nhả virus vào không khí rồi truyền sang người khác. Người mắc bệnh cúm A (H1N1) có khả năng lây lan trong suốt thời gian có triệu chứng bệnh và một tuần lễ sau khi phát bệnh. Riêng với trẻ em, thời gian truyền bệnh lâu hơn.

Một điểm cần ghi nhận là bệnh cúm mùa Đông người thường xảy ra ở người thật trẻ hoặc hơi già, còn cúm A (H1N1) lại xuất hiện ở tuổi trung niên từ 25-45 tuổi, khỏe mạnh.

Cúm A (H1N1) ở người trước đây cũng rất hiếm và thường hay thấy ở những người tiếp xúc trực tiếp với heo bị bệnh đường hô hấp.

Cúm A (H1N1) thường xuất hiện vào mùa Thu và mùa Đông, nhưng cũng có thể lưu hành suốt năm.

Xin nhấn mạnh là dù có ăn thịt lợn bị cúm cũng không lây bệnh vì virus cúm A (H1N1) không lây lan qua thực phẩm. Tuy nhiên, nên nấu chín thịt ở nhiệt độ 700C (1580F) và cất giữ đúng cách để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

4. Triệu chứng của bệnh

   Cúm A (H1N1) có các triệu chứng tương tự như bệnh cúm thường của người và gồm có nóng sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi, đau họng, nhức xương cốt, mệt mỏi, run lạnh, đôi khi có tiêu chảy, nôn mửa. Cũng đã có nhiều trường hợp cúm A (H1N1) trầm trọng ở người với một vài tử vong.

Nhiễm cúm A (H1N1) cũng có thể khiến cho các bệnh mạn tính đang có trở nên trầm trọng hơn.

5. Điều trị

   Cơ quan CDC đề nghị dùng thuốc Tamiflu và Relenza dạng nước, viên, hít để phòng tránh và điều trị cúm A (H1N1).

Các thuốc này có tác dụng tiêu diệt, không cho virus tăng sinh trong cơ thể người bệnh, làm cho bệnh nhẹ, mau bình phục hơn cũng như có thể tránh được các biến chứng quan trọng của bệnh.

Để thuốc có công hiệu, cần uống ngay sau khi vị bệnh, trong vòng 2 ngày sau khi thấy có dấu hiệu bệnh.

6. Dự phòng bệnh

   Hiện nay chưa có vacxin phòng virus bệnh cúm A (H1N1).

Theo các nhà chuyên môn, vaccin ngừa cúm mùa Đông dường như không có tác dụng với virus cúm A (H1N1).

Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng tránh sự lây lan virus gây bệnh bằng các cách sau:

- Che miệng và mũi với một miếng giấy hoặc khăn lau mỗi khi ho hoặc hắt hơi để virus không bay ra không khí.

- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước nhất là sau khi ho, hắt hơi. Các sản phẩm có cồn để lau tay cũng có tác dụng diệt virus.

- Cố gắng giới hạn sự tiếp xúc với người đang bị bệnh cúm.

- Nếu đang bị bệnh thì nên ở nhà để nghỉ và chữa bệnh. Như vậy sẽ tránh được việc lây nhiễm bệnh cho người khác.

- Tránh dụi tay lên mắt, tay sờ lên mũi, miệng vì đây là phương thức lan truyền của virus.

7. Việt Nam đã làm gì để dự phòng đại dịch này?

   Cho đến nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người bệnh cúm A (H1N1). Song, ngay từ cuối tháng 4 năm 2009, khi dịch bùng phát ở Mehico và một số nước Bắc Mỹ, Bộ Y tế phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm đã tiến hành các biện pháp cần thiết để dự phòng bệnh lay lan vào Việt Nam và lan truyền trong cộng đồng; Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố để chủ động phòng, chống dịch bệnh; Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhanh chóng ban hành công văn hướng dẫn Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ tham mưu cho Thường trực tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố về việc huy động hệ thống chính trị của tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế và Ngành Nông nghiệp theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm A (H1N1) và báo cáo kịp thời khi phát hiện trường hợp bệnh hoặc nghi bệnh, đồng thời chỉ đạo các tổ chức Đảng cơ sở, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Ngành Y tế và Ngành Nông nghiệp thông tin, tuyên truyền khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền về tình hình dịch bệnh theo tinh thần chính xác, đầy đủ, khách quan để người dân nắm được các thông tin dịch, đồng thời đưa tin đúng mức để tránh tình trạng hoang mang, hoảng sợ, lo lắng trong nhân dân.

Bộ Y tế đã và đang thực hiện việc giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ và chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đáp ứng với dịch cúm A (H1N1) trong trường hợp dịch xâm nhập vào Việt Nam; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế 63 tỉnh, thành phố về các nội dung giám sát, điều trị, tuyên truyền về phòng chống dịch cúm A (H1N1); tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống thông tin đại chúng; dự trữ và phân phối thuốc, vật tư, trang thiết bị hỗ trợ chống dịch kịp thời.

Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam để theo dõi sát tình hình và triển khai các biện pháp phòng chống không để dịch xâm nhập và lây lan tại Việt Nam.

Trong thời đại hội nhập và giao lưu quốc tế mạnh mẽ, nguy cơ lan truyền cúm A (H1N1) vào nước ta là rất lớn. Mặc dù, cho đến nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người bệnh cúm A (H1N1) nào, song chúng ta không được chủ quan và phải luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra để hạn chế đến mức thấp nhất mọi tổn thất do dịch bệnh cúm A (H1N1) có thể gây ra.

  •  PGS.TS Đào Văn Dũng (Vụ Trưởng Vụ Các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo TW)

Tài liệu tham khảo:

1. Các thông báo của Bộ Y tế về dịch cúm A (H1N1).

2. Various CDC & WHO 2003-2006 reports & recommendation on avian influenza (refer to the websites of CDC and WHO).

3. Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, Texas, Hoa Kỳ.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất