Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 28/2/2013 21:59'(GMT+7)

Cung cấp thông tin góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

(Ảnh: chinhphu.vn)

(Ảnh: chinhphu.vn)

Chương trình có sự tham dự của các vị khách mời: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên; Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa; Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế Dương Đăng Huệ; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý Nguyễn Văn Cương.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều đổi mới và rút gọn so với Hiến pháp năm 1992, từ 12 chương, 147 điều thành 11 chương, 124 điều và được bổ sung nhiều nội dung mới. Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội, việc tiến hành lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang diễn ra sôi nổi trên cả nước.

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận, phân tích nội dung dự thảo cũng như các điểm mới để người dân dễ dàng tiếp cận, hiểu thấu đáo; từ đó có thể gửi ý kiến đóng góp xác đáng đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Bảo đảm quyền lực trong tay nhân dân và vì lợi ích của nhân dân


Theo các chuyên gia, so với Hiến pháp hiện hành, trong nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nguyên tắc chủ quyền nhân dân và phương thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân đã được quy định rõ ràng hơn. Quyền của nhân dân được mở rộng nhiều và nhân dân đủ phương thức để thực hiện quyền lực của mình.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, một bản hiến pháp được xây dựng cơ bản trên nguyên tắc chủ quyền nhân dân, tức là nhân dân giao quyền cho nhà nước, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Dự thảo sửa đổi lần này quy định rõ hơn: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thông qua các cơ quan nhà nước khác. Một điểm rất mới trong Dự thảo là khẳng định, dù các cơ quan nhà nước khác không do nhân dân trực tiếp bầu ra, mà do người đại diện của nhân dân bầu ra thì họ cũng là một trong những chủ thể thực hiện quyền lực của nhân dân.

Bà Nguyễn Kim Thoa cũng làm rõ thêm: Hiến pháp trước quy định nhân dân thực hiện quyền của mình là qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, nhưng rõ ràng trên thực tế rất nhiều cơ quan khác được thực hiện và được ủy quyền của nhân dân.

Một điểm mới khác trong Dự thảo là đã bổ sung nội dung về kiểm soát quyền lực khi quy định tại Điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp." Các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung nội dung này là rất cần thiết nhằm thể chế hóa tinh thần đổi mới của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập và phù hợp với tinh thần hội nhập quốc tế. Nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì sẽ có nguy cơ lạm dụng.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nêu lên 3 lý do cần thiết bổ sung nội dung này, đó là: Điều 2 thừa nhận Nhà nước pháp quyền, mà nhà nước pháp quyền ra đời trong điều kiện xã hội dân chủ, mục tiêu là phát triển dân chủ bảo đảm quyền lợi của con người trong xã hội dân chủ, điều này đặt ra tất yếu phải kiểm soát quyền lực để chống tình trạng lạm quyền, độc quyền. Thứ hai, có quyền lực là có nguy cơ lạm quyền, lộng quyền và tha hóa quyền lực. Khi trao quyền lực cho ai đó, phải có cơ chế kiểm soát. Thứ ba, người dân đã giao quyền lực cũng phải có cơ chế kiểm soát, để bảo đảm quyền lực trong tay nhân dân và vì lợi ích của nhân dân.

Khi đã bổ sung yếu tố kiểm soát, cũng cần có cơ chế hiến định để bảo đảm thực hiện, thể hiện qua các yếu tố: Nhân dân kiểm soát bằng hệ thống quyền dân chủ trực tiếp và hệ thống các cơ quan, tổ chức xã hội do nhân dân lập ra. Đồng thời, giữa các nhánh quyền lực phải có mối quan hệ như thế nào để bảo đảm quyền lực được thực hiện hài hòa. Mặt khác, thiết lập một số thiết chế độc lập chuyên trách kiểm soát.

Phân biệt quyền con người và quyền công dân


Một trong những chương mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là Chương về quyền con người, quyền và nghĩa cụ cơ bản của công dân. Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, điểm mới của Chương này là đã tách quyền con người với quyền công dân. Ngoài ra, đã bổ sung một số quyền mới như nhân quyền có nghĩa là quyền sống, quyền sống trong môi trường lành mạnh.

Điểm mới nữa quan trọng hơn là trước đây khi nói đến quyền công dân đều có thành tố quyền này được đảm bảo thực hiện bằng pháp luật. Như vậy, quyền được Hiến pháp quy định lại được bảo đảm bằng văn bản pháp luật sẽ khó kiểm soát được. Chính vì vậy, khi quyền đã được Hiến pháp quy định, phải được bảo đảm bằng luật của Quốc hội, chứ không thể quy định bởi các cơ quan khác. Một quy định mới và rõ ràng nữa là quyền con người được giới hạn thực hiện trong một số điều kiện nhất định, để tránh tùy tiện trong quá trình thực hiện, ví dụ vì lý do an ninh, quốc phòng, sức khỏe của cộng đồng… Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có những điều bắt buộc và những điều khuyến nghị. Do đó, phải tách quyền chính trị dân sự với quyền kinh tế-xã hội vì quyền chính trị dân sự phải bắt buộc thực hiện còn các quyền khác tùy theo điều kiện để thực hiện.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, Chương quyền con người rất được quan tâm, thể hiện ở việc đưa lên vị trí số 2. Tuy nhiên, theo ông Dương Đăng Huệ, điều đáng quan tâm là tính thực thi. Chẳng hạn, Điều 21 ghi nhận mọi người có quyền sống. Đây không phải là tuyên ngôn đơn thuần. Ví dụ, người bị thương khi vào bệnh viện phải được cứu chữa, Nhà nước phải chịu trách nhiệm cho việc cứu chữa này - đó là quyền sống. Đồng tình với ý kiến này, bà N guyễn Kim Thoa cho rằng Hiến pháp là đạo luật cơ bản nên mọi quy định đều phải bảo đảm thực hiện. Do vậy, việc sửa đổi lần này phải xác định rõ những quyền con người nào bắt buộc phải thực hiện, quyền công dân được ghi nhận và tuyên bố chính trị cam kết thực hiện, nhưng cũng phải lưu ý về nguồn lực kinh tế để thực hiện.

Khẳng định sự bình đẳng của các thành phần kinh tế


Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khi quy định về mô hình nền kinh tế ở nước ta là mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã không định danh cụ thể số lượng và tên của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế như quy định Hiến pháp hiện hành. Bên cạnh đó, Điều 54 của Dự thảo khẳng định rõ sự bình đẳng của các thành phần kinh tế.

Bình luận về vấn đề này, ông Dương Đăng Huệ cho rằng ban soạn thảo đã đi đúng hướng khi gộp các vấn đề kinh tế lại thành một chương, không liệt kê nữa và không định vị nữa. Tuy nhiên, Dự thảo không có chỗ nào nói đến các hình thức sở hữu; ngoài ra, cần phải ghi rõ, các hình thức sở hữu được nhà nước bảo hộ như nhau bằng các phương tiện như nhau.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nói rõ thêm, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế và đã có nền kinh tế thị trường, những yếu tố trước kia đưa ra không còn phù hợp phải xóa đi để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và không phân biệt đối xử, bảo đảm cam kết với quốc tế. Còn việc bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa như thế nào sẽ có chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, khi liệt kê thì e rằng có thể sẽ không thể đầy đủ bởi sự biến động liên tục về thành phần sở hữu, khiến cho Hiến pháp phải sửa đổi nhiều trong khi đây là đạo luật gốc, có sức sống lâu dài.

Bước phát triển về tổ chức bộ máy nhà nước

Bình luận về những điểm mới cơ bản trong các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng có 3 điểm mới. Thứ nhất, minh bạch hóa cơ quan nào là cơ quan hành pháp, cơ quan nào là cơ quan tư pháp, sẽ là cơ sở để phân công rành mạch, phối hợp nhịp nhàng. Thứ hai là đưa kiểm soát quyền lực là yếu tố hiến định để có thiết chế thực hiện. Thứ ba là thành lập một số cơ quan thiết chế hiến định độc lập như Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp, là điểm rất mới.

Dự thảo lần này bỏ quy định về thẩm quyền quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Quốc hội; thay vào đó, Quốc hội chỉ quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu lớn. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ lập kế hoạch để thực hiện. Ngoài ra, chỉ quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương sẽ giao về cho địa phương, đó là cách để tăng quyền tự chủ cho Hội đồng Nhân dân. Về công ước quốc tế, quy định Quốc hội phê chuẩn công ước quốc tế nhà nước trong các phạm trù: hòa bình, chiến tranh, biên giới quốc gia… còn lại phân định rõ cho Chủ tịch nước.

Một vấn đề quan trọng nữa là Quốc hội xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Điều này là cơ sở hiến định để tiến hành cải cách tư pháp. Dự thảo cũng quy định Quốc hội chỉ bầu Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm các Ủy ban. Trước đây, Quốc hội bầu cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên.

Theo bà Nguyễn Kim Thoa, sửa đổi Hiến pháp lần này có bước phát triển về tổ chức bộ máy nhà nước. Thời gian qua, vấn đề về tổ chức bộ máy đã có nhiều bước tiến nhưng vẫn còn hạn chế khiến sự phát triển chưa được như mong muốn.

Trong lần sửa đổi này đã bổ sung thêm chức năng của Chính phủ là cơ quan hành pháp, bên cạnh chức năng là cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Theo bà Nguyễn Kim Thoa, nếu giao cho Chính phủ quyền hành pháp, chức năng nhiệm vụ của Chính phủ cũng cần có sự thay đổi. Bên cạnh đó, cần bóc tách rõ ràng thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ.

Đề cập vấn đề mô hình tổ chức chính quyền, ông Nguyễn Văn Cương cho rằng, D ự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có những bước tiến rất quan trọng khi khẳng định không nhất thiết các đơn vị hành chính lãnh thổ đều phải tổ chức theo mô hình hành chính giống nhau, Ủy ban Nhân dân không nhất thiết phải do Hội đồng Nhân dân bầu. Điều này sẽ củng cố thêm cho chủ trương thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội năm 2008. Theo ông Nguyễn Văn Cương, nếu vẫn giữ tên gọi cơ quan hành chính ở địa phương là Ủy ban Nhân dân, trong Hiến pháp cần có những quy định có thể dự báo được những thay đổi về cơ cấu tổ chức cơ quan hành chính địa phương trong tương lai, kể cả khi áp dụng chế độ thủ trưởng trong điều hành cơ quan hành chính địa phương.

Bà Nguyễn Kim Thoa cho rằng, hiện nay, trong Dự thảo vẫn còn thiếu một nguyên tắc quan trọng trong phân cấp đối với chính quyền địa phương, đó là nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với những vấn đề mà chính quyền địa phương được phân cấp. Nên phân định rõ những công việc, lĩnh vực mà mỗi cấp chính quyền được làm và phải tự chịu trách nhiệm về những công việc được giao./.

(Thanh Hòa/TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất