Thứ Năm, 26/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 20/9/2008 7:26'(GMT+7)

Cung - cầu lúa gạo diễn biến khả quan

Báo cáo của các ngành chức năng cho thấy, không như một số thống kê chưa chính thức, thiếu chính xác được phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, tình hình cung – cầu lúa, gạo trong nước vẫn đang diễn biến theo chiều hướng khá khả quan. Tính đến thời điểm này, tại đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất cả nước, tổng sản lượng lúa cân đối theo năm lương thực (vụ Mùa 2007, Đông Xuân 2008, Hè Thu 2008) đạt 18,8 triệu tấn, tiêu dùng nội địa 9,6 triệu tấn, lúa hàng hóa là 9,2 triệu tấn – tương đương 4,6 triệu tấn gạo.

Trong khi đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua các doanh nghiệp đã tích cực thu mua lượng gạo tồn trong dân, đạt 678.000 tấn, vượt so với chỉ tiêu đặt ra là 504.000 tấn, đồng thời đẩy mạnh đàm phán, ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo. Đến thời điểm này, cả lượng gạo thực xuất và lượng gạo đã ký hợp đồng đạt 4,1 triệu tấn. Như vậy, với lượng gạo trong dân khoảng 400.000 tấn, lượng gạo trong kho 841.000 tấn (gồm cả lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu) và thời gian còn hơn 1 quý của năm, chỉ tiêu xuất khẩu 400.000 tấn để hoàn thành kế hoạch xuất khẩu cả năm 4,5 triệu tấn gạo xuất khẩu là nhiệm vụ khả thi.

Một diễn biến tích cực khác là trong mấy ngày qua, giá lúa gạo ở ĐBSCL đã bắt đầu tăng lên, báo hiệu một chu kỳ tăng mới của giá gạo thế giới sau thời gian đột ngột giảm. Nhiều doanh nghiệp đã nâng giá thu mua lên bình quân lên 4.550-4.850 đ/kg, cao hơn nhiều mức 4.000đ/kg hồi đầu tháng. Cộng với nhiều tín hiệu cho thấy nhu cầu thị trường sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục tăng tốc xuất khẩu gạo.

Tích cực tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiêu thụ gạo

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục thu mua lúa gạo trong dân, đồng thời đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo.

Để thực hiện mục tiêu này, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá xuất khẩu một cách linh hoạt, xem xét tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất khẩu cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ các vướng mắc về vốn vay, giảm bớt thủ tục, linh hoạt trong cơ chế cho vay và mua ngoại tệ. Bộ Tài chính xây dựng công thức tính giá thành sản xuất một cách thống nhất, nghiên cứu đưa ra cơ chế điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với loại gạo có chi phí giá thành cao, có gói bao bì. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, cân đối cung – cầu cho vụ Đông Xuân cũng như niên vụ tới, nhất là về cơ cấu giống.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý vấn đề thông tin đối với mặt hàng lúa gạo nói riêng và hàng hóa xuất khẩu nói chung thời gian qua: “Trên một số tờ báo có những thông tin phản ánh chưa đầy đủ, thiếu chính xác, không có lợi cho hoạt động kinh tế đất nước. Vì vậy, các Bộ, ngành, Hiệp hội cũng như doanh nghiệp phải tăng cường vai trò phát ngôn chính thức, đảm bảo thông tin trung thực, chính xác, phản ánh đầy đủ, đúng bản chất và tinh thần chỉ đạo, điều hành của Chính phủ”./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất