Chủ Nhật, 22/9/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 18/12/2012 12:35'(GMT+7)

Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở ở Kim Động - Hưng Yên

Chăm sóc sức khỏe cho người dân (Ảnh minh họa)

Chăm sóc sức khỏe cho người dân (Ảnh minh họa)

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 06-CT/TW ngày 22/01/2002 “Về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 07/6/2006 “Về đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân trong tình hình mới”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, ngành Y tế huyện đã phổ biến, tuyên truyền tới các tổ chức chính trị-xã hội, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ cùng toàn thể nhân dân trong huyện, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khỏe nhân dân. Đồng thời, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch về củng cố và hoàn thiện các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia y tế; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại..., quyết tâm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị quyết của Tỉnh ủy, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực cho nhân dân huyện nhà.
 
Trên cơ sở xác định thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã là phải đầu tư một cách toàn diện trên tất cả các mặt, ngành Y tế huyện cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng công tác y tế cơ sở, sau đó tập trung đầu tư nguồn lực để thực hiện các tiêu chí theo quy định. Ngoài nguồn ngân sách Trung ương, của tỉnh, huyện đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, ngành Y tế huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa về y tế, đã thu được những kết quả tích cực.

Theo đó, 9 xã được Tổ chức Tầm nhìn thế giới đầu tư cho công tác y tế; Trạm Y tế xã Đồng Thanh được đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng mới từ nguồn xã hội hóa… Từ năm 2005, đã có 11/19 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; đến 2006 là  19/19 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ngành Y tế huyện tiếp tục đầu tư kinh phí để nâng cấp, hiện đại hóa các trạm y tế xã, thị trấn. Năm 2011, đầu tư gần 4 tỷ đồng tu sửa, mua trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã, thị trấn; đang xây dựng mới Trạm Y tế xã Nhân La với kinh phí gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn của huyện và xã; khởi công xây dựng Trạm Y tế xã Chính Nghĩa với trị giá 3 tỷ đồng do Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tài trợ.

Để đội ngũ cán bộ y tế đạt chuẩn, từng bước đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, ngay từ những năm đầu triển khai Chỉ thị, cấp ủy, chính quyền và ngành Y tế đã đặc biệt coi trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y bác sĩ, nhất là bác sỹ tại các trạm y tế. Từ năm 2004 đến nay, đã có 16 người được cử đi đào tạo. Ngoài ra, công tác tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên toàn ngành cũng được triển khai thường xuyên; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành được quan tâm gắn với việc tích cực hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền” của Bác bằng những việc làm thiết thực cụ thể. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của huyện tăng về số lượng và chất lượng. Đến tháng 10/2012, cán bộ Ngành Y tế toàn huyện có 156 người, trong đó 17 bác sĩ; 13/19 trạm y tế có bác sĩ công tác tại trạm, 194 cộng tác viên dân số, 122 nhân viên y tế thôn, đảm bảo mỗi thôn, làng đều có nhân viên y tế.

Những năm qua, các cơ sở y tế trong toàn huyện đã khám, điều trị cho 135.815 lượt bệnh nhân, bình quân 19.500 bệnh nhân/năm. Từng bước kết hợp Đông – Tây y trong điều trị, theo đó, 19/19 trạm y tế đều xây dựng vườn thuốc nam và có cán bộ y tế phụ trách công tác y học cổ truyền với 25% số bệnh nhân được khám, chữa theo phương pháp này.

Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai nhân rộng, đạt kết quả cao, trong đó tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ Vacxin phòng bệnh truyền nhiễm hàng năm đạt trên 99%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được uống Vitamin A hàng năm đạt trên 95%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm từ 23% (2002) xuống còn 15,5% (2012); tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm chủng Vacxin phòng bệnh uốn ván bình quân đạt trên 85%. Công tác phòng, chống các bệnh xã hội luôn được quan tâm triển khai thực hiện; 100% các xã, thị trấn thanh toán được bệnh phong; 100% người dân sử dụng muối Iot phòng bệnh bướu cổ. Hoạt động tư vấn, truyền thông phòng chống HIV/AIDS, quản lý chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng được triển khai trong toàn xã, thị trấn. Chương trình mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho người dân được thực hiện thường xuyên. Các hoạt động truyền thông nâng cao chất lượng dân số được đẩy mạnh, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%, tỷ số giới tính khi sinh giảm dần.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị quyết của Tỉnh ủy, ngành Y tế huyện Kim Động đã thu được những kết quả quan trọng, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, nhất là sự quan tâm sâu sát, kịp thời, thường xuyên của Ban thường vụ Huyện ủy Kim Động; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân.

Để phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW và Nghị quyết 02-NQ/TU, ngành Y tế huyện xác định trong thời gian tới cần phải:

 - Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhân thức cho các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội về tầm quan trọng của các hoạt động y tế;.

- Tiếp tục quan tâm để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị y tế cho trạm y tế xã, thị trấn theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, nâng cao vai trò hoạt động của Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu xã, thị trấn và hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể, huy động các đơn vị, tổ chức và cộng đồng tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các bác sĩ, y sĩ nhất là tuyến xã, thị trấn.

-  Đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo nghiêm túc các quy định về y, dược tại các đơn vị khám, chữa bệnh…

Hữu Chất - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng yên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất