Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 30/12/2011 15:37'(GMT+7)

Củng cố vững chắc thế trận lòng dân

Bộ đội giúp dân gặt lúa. (Ảnh minh hoạ).

Bộ đội giúp dân gặt lúa. (Ảnh minh hoạ).

Quốc phòng, theo nghĩa rộng là công cuộc giữ nước của một quốc gia bao gồm tổng thể các hoạt động đối nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học… của Nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, với sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt… Tuy nhiên, một nền quốc phòng tối ưu là giữ được nước mà không phải tiến hành chiến tranh.

Theo quan niệm của một số quốc gia thì sức mạnh quốc phòng chính là sức mạnh quân sự; sức mạnh quốc phòng còn là sức mạnh của sự liên minh giữa hai hoặc một nhóm nước.

Thực tế của quá trình lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy, xây dựng quốc phòng không thể chỉ dựa vào sức mạnh quân sự, và trong bối cảnh mới của thế giới hiện nay thì không thể trông chờ vào sự liên minh từ bên ngoài, mà xuyên suốt trong sự nghiệp giữ nước của chúng ta là dựa vào sức mạnh của toàn dân. Lịch sử trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược của dân tộc Việt Nam đã chứng minh sức mạnh vô địch của nhân dân, sức mạnh đó chính là ý chí, là tinh thần đoàn kết, tự tôn dân tộc…

Với đất nước chúng ta, “xây dựng nền quốc phòng không phải nhằm để tiến hành chiến tranh, mà trước hết và chủ yếu là ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột, nguy cơ chiến tranh; đập tan các âm mưu và hành động chống phá, lật đổ của các thế lực thù địch; giữ vững môi trường hoà bình và ổn định để xây dựng và phát triển toàn điện đất nước. Đó chính là mục tiêu cao nhất, xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta, nhân dân ta trong thực hiện chủ trương tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”(1).

Xây dựng một nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, trong đó củng cố vững chắc thế trận lòng dân là một trong những nội dung cơ bản, quan trọng trong Chiến lược quốc phòng của chúng ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ khi giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nền quốc phòng của nước ta đã mang tính toàn dân và toàn diện sâu sắc. Có nghĩa nền quốc phòng đó do toàn dân xây dựng và dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân, từ đó tạo nên sức mạnh giữ nước vô địch (bao gồm cả chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá…). Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”(2). Có nghĩa nền quốc phòng đó là sự hợp lực của tất cả các tiềm lực chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hoá, khoa học, công nghệ… Trong đó, tăng cường tiềm lực về chính trị - tinh thần là thế mạnh, là cơ sở để phát huy tốt các tiềm lực khác. Trước hết, cần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, trọng tâm là xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, gắn bó mật thiết với nhân dân; tuyên truyền, giáo dục nhân dân thấm nhuần sâu sắc mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng.

Một trong những vấn đề cơ bản để tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần là xây dựng củng cố vững chắc thế trận lòng dân. Thế trận lòng dân chính là ý chí, quyết tâm của nhân dân, của toàn xã hội được bồi đắp, tạo thành sự đồng thuận cao, hướng đến mục tiêu chung trong sự nghiệp quốc phòng. Thế trận lòng dân không chỉ là nhân tố cơ bản của tiềm lực chính trị - tinh thần, mà là nhân tố quyết định sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân. Thực tiễn cuộc sống đã chứng tỏ không thể giữ nước vững chắc, bền chặt nếu thiếu sự tham gia của nhân dân; không ai giữ nước tốt hơn, thường xuyên hơn bằng mỗi người dân sinh sống trên từng vùng quê của Tổ quốc. Để xây dựng thế trận lòng dân phải đồng thời làm tốt nhiều việc: phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện an sinh xã hội, chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp nhân dân, các vùng miền.

Muốn xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, trước hết phải nhận thức rõ nội dung yếu tố lòng dân. Đây là vấn đề thuộc phạm trù ý thức xã hội, thường đi liền và đặt trong mối quan hệ với khái niệm đất nước, Tổ quốc, Nhà nước… Nội dung cơ bản của lòng dân là lòng yêu nước thương nòi, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; là lòng tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách, thể chế chính trị… của giai cấp lãnh đạo đất nước.

Một quan điểm quan trọng của Đảng ta là: quốc phòng gắn liền với an ninh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm bảo về Tổ quốc, giữ gìn hoà bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại”(3). Giặc ngoại xâm và kẻ địch trong nước đều là kẻ thù của dân tộc và giai cấp, vì vậy bất cứ nhiệm vụ nào của quốc phòng và của an ninh đều phải kết hợp chặt chẽ với nhau, quan hệ mật thiết với nhau. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua, xác định: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Xây dựng thế trân quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận, khoa học an ninh nhân dân…”.

Trong bối cảnh mới, xây dựng thế trận lòng dân để đáp ứng yêu cầu tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc chính là quá trình xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho mọi tầng lớp nhân dân không chỉ yêu quý thiết tha chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, mà còn gắn bó với Đảng, với chế độ XHCN; có ý thức tự giác về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi công dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. .

Củng cố vững chắc thế trận lòng dân cũng có nghĩa là cần phải tuyên truyền, giải thích để nhân dân nắm rõ, hiểu đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc; không để nhân dân rơi vào các âm mưu kích động, chia rẽ của các thế lực thù địch, đặc biệt là trước những vấn đề thời sự mà nhiều người quan tâm, thậm chí bức xúc: “Đặc biệt, trong giải quyết những tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, phải nắm vững nguyên tắc: vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhắt và toàn vẹn lãnh thổ, vừa duy trì và giữ vững môi trường hoà bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Mọi tranh chấp trên biển Đông và những vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại phải được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, thông qua đối thoại và dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế. Kiềm chế tới mức cao nhất, tránh gây xung đột và tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước, ý thức dân tộc, kích động chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế… Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã tích luỹ và đúc kết nhiều bài học có giá trị vè độc lập tự chủ và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Những kinh nghiệm quý báu đó cần được nghiên cứu và vận dụng nhuần nhuyễn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong từng vấn đề cụ thể cần vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để mang lại hiệu quả cao nhất”(4)./.

TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ

_________________________

(1), (4) Đại tướng Phùng Quang Thanh: Sức mạnh quốc phòng, sức mạnh toàn dân tộc, Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 23-8-2011.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, t.4. tr.77.

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8. tr.118.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất