Gần đây, tại TP. Hồ Chí Minh phát hiện hàng loạt cửa hàng bán xăng “rởm”. Người tiêu dùng bị móc túi công khai, đem lại số tiền khổng lồ cho một số đơn vị, cá nhân.
Vừa qua, 11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở TP HCM vừa bị phát hiện gian lận bán xăng “rởm”, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cụ thể, loại xăng A83 có chỉ số octan thấp, nhưng lại bán mức giá của xăng A92 và A95. Như vậy, mỗi lít xăng, họ hưởng lợi bất chính từ 500 đồng đến trên 1000 đồng/ lít.
Dư luận băn khoăn: Trong tổng số trên 500 cây xăng ở thành phố, mới chỉ kiểm tra 1 phần 10 thôi mà con số vi phạm đã như vậy, thử hỏi cả nước, con số ấy là bao nhiêu?
Theo các chuyên gia, có ba cách để hiện tượng gian lận “bài bản” này tồn tại. Thứ nhất: Hiện nay trên thị trường, vẫn còn doanh nghiệp đầu mối được phép sản xuất và lưu thông xăng A83, nên các đại lý, cửa hàng bán lẻ có thể trộn xăng A83 với xăng A92, A95 để bán. Thứ hai, các đại lý, doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tự mua chất bán thành phẩm xăng, pha chế thêm một số hóa chất khác để tạo ra một sản phẩm có chỉ số octan thấp với giá rẻ, rồi bán cho người tiêu dùng. Và, loại thứ ba gian lận rõ nét hơn là mua xăng A83 từ cơ sở sản xuất, rồi “tự đổi tên” thành xăng A92, A95 bán cho khách hàng, hưởng chênh lệnh.
Trả lời báo chí về công tác điều hành, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Cẩm Tú cho biết: “Xăng A83 đã không được nhập khẩu và Bộ Công Thương từng đề xuất loại bỏ xăng A83 ra khỏi danh mục mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam (tức là không cho phép doanh nghiệp nào tại Việt Nam sản xuất xăng A83 nữa). Thế nhưng, do không có sự thống nhất chung của các bộ, ngành nên việc sản xuất xăng A83 vẫn được tiếp tục”.
Như vậy, người tiêu dùng đã nhìn thấy các nhóm lợi ích trong việc bán xăng “rởm” ra thị trường. Đó là: Nhóm lợi ích của những nhà sản xuất. Nhóm lợi ích thứ hai là những nhà phân phối, bán lẻ. Nhóm lợi ích thứ ba (không loại trừ) là những nhà làm chính sách (ủng hộ cho việc tồn tại của xăng A83 trên thị trường).
Và, cuối cùng phải kể đến nhóm lợi ích của một bộ phận làm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu. Đây là kẽ hở lớn, là môi trường thuận lợi cho gian lận kinh doanh xăng dầu tồn tại. Vậy nên, hàng loạt câu hỏi đại loại như: Số lượng xăng “rởm” đã tung ra thị trường từ khi nào? Mỗi cửa hàng kinh doanh xăng dầu bất chính thu lời bao nhiêu? … đến nay chưa cơ quan có thẩm quyền nào trả lời xác đáng.
Về phía người tiêu dùng, họ không thể biết một cách chính xác mình đang bị “móc túi” nếu cơ quan chức năng không kiểm tra và công bố? Họ không thể biết là đúng, bởi sự gian lận có tính toán, có nghề, dựa vào kỹ thuật cao và không loại trừ hành vi gian lận đó đã được “che chắn”.
Bởi, khi mua hàng hóa khác, họ có thể nhìn thấy, sờ thấy, có thể so sánh với hàng cùng chủng loại. Nhưng với xăng dầu thì họ không làm được điều đó mà phải đặt niềm tin hoàn toàn vào người bán. Và, những cửa hàng xăng dầu gian lận kia đã phụ lòng tin của họ.
Khi thảo luận về dự án luật Đo lường, có vị Đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên rằng: “Hành vi móc túi khách hàng ngang nhiên mà không biết kêu ai. Buông lỏng thanh tra, kiểm tra; buông lỏng quản lý chất lượng hay “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đều là những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên những hành vi móc túi khách hàng. Còn chuyện chế tài chưa đủ mạnh chỉ là một lý do”. Nói như vậy là đúng, bởi cứ có hoạt động thương mại sẽ có gian lận, nhưng ở mỗi vùng, mỗi địa phương có mức độ gian lận khác nhau là tùy thuộc vào năng lực của cơ quan quản lý.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được nhà nước quản lý nghiêm ngặt. Để có lãi hoặc giảm lỗ, những người làm ăn bất chính có hai cách: hoặc là sản xuất và bán xăng chất lượng kém; hoặc là đong thiếu cho khách hàng.
Cả hai cách làm này không chỉ làm méo mó thị trường, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người tiêu dùng và những đơn vị làm ăn chân chính. Muốn dẹp tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, chỉ cần tạo ra cơ chế xử lý triệt để những nhóm lợi ích tồn tại bấy lâu nay./.
(Theo: VOV)