Chuyến công du nước ngoài tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 4 (GMS 4) và thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công tốt đẹp trên cả hai phương diện: Thúc đẩy hợp tác ngày càng thực chất hơn giữa 6 nước Tiểu vùng Mekong và thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Myanmar.
GMS 4 khép lại với một Tuyên bố chung hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược sau năm 2012. Điều này một lần nữa khẳng định lãnh đạo 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Myanmar cùng chung tay quyết tâm thúc đẩy hợp tác GMS vượt qua thách thức và khó khăn, hướng tới một khu vực Mekong hội nhập, thịnh vượng, phát triển hài hòa và bền vững.
Để thực hiện mục tiêu này, các nhà lãnh đạo GMS đã thông qua Khung Chiến lược GMS giai đoạn 10 năm tới làm cơ sở và định hướng cho phát triển hợp tác kinh tế tiểu vùng với nhiều biện pháp cụ thể, nhất là huy động nguồn lực thực hiện các chương trình dự án ưu tiên; bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững cũng như huy động sự tham gia tích cực của các địa phương để hiện thực hóa các hành lang kinh tế…
Sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tập trung chuyển đổi hành lang giao thông thành hành lang kinh tế nhận được sự đồng tình cao của lãnh đạo GMS.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định: “Chúng ta mong muốn không chỉ hợp tác xây dựng các tuyến giao thông nối các nước GMS mà cần chuyển sang giai đoạn hợp tác sâu hơn nhằm khai thác các lợi thế từ các hành lang giao thông để biến nó thành các hành lang, các trục kinh tế. Ở Việt Nam có 3 trục lớn trong hành hang kinh tế đó là hành lang Bắc-Nam, Đông-Tây và hành lang kinh tế phía Nam…Đây là các tuyến giao thông quan trọng mà Việt Nam có thể tích cực tham gia xây dựng các hành lang kinh tế, một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược hợp tác GMS…”.
Trên cơ sở khung chiến lược hợp tác giai đoạn 10 năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo GMS cũng đã thảo luận sâu rộng và nhất trí khung chương trình hợp tác trong từng gia đoạn liên quan đến môi trường trọng điểm, hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; trọng tâm hỗ trợ nông nghiệp; chiến lược và Lộ trình của Du lịch GMS.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên báo của của GMS |
6 nước Tiểu vùng Mekong cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp hành động nhằm giảm thiểu tác động của HIV đối với đi lại của dân cư; hợp tác phát triển hệ thống siêu xa lộ thông tin và thành lập Hiệp hội Vận tải GMS.
Một vấn đề quan trọng nữa tại Hội nghị GMS lần này, đó là trước bối cảnh thiên tai lũ lụt gây hậu quả nặng nề đối với các nước Tiểu vùng, nhiều nhà lãnh đạo GMS và Ngân hàng ADB bày tỏ đồng tình trước đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển chung của khu vực.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết thêm: “Lũ lụt xẩy ra trên phạm vi lớn, diện rộng với quy mô ngày càng lớn gây hậu quả nặng nề không chỉ ở Thái Lan mà còn ở Campuchia, Việt Nam, Lào. Đây chính là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nói chung nhưng cũng bắt nguồn từ việc quản lý và sử dụng nguồn nước sông Mekong có vấn đề. Hiện nay nguồn nước này đang có nguy cơ sử dụng không thống nhất gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất là đối với các nước ở vùng hạ lưu, cho nên việc đề nghị các nước ở thượng nguồn và hạ nguồn tham gia vào việc đưa ra những khung hợp tác trong quả lý và sử dụng nguồn nước Mekong là một vấn đề hết sức quan trọng và cơ bản mà Chính phủ Việt Nam cũng như chính phủ một số nước đề nghị đưa vào khung khuôn khổ hợp tác này…”.
Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Myanmar sau Hội nghị GMS 4, Tổng thống Thein Sein một lần nữa đánh giá cao những đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam vào thành công chung của hội nghị, đồng thời khẳng định chuyến thăm Myanmar lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng góp phần quan trọng củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.
|
Lãnh đạo hai nước thăm mô hình hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Myanmar |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh chia sẻ câu nói của Tổng thống Thein Sein với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Lần đầu Ngài Thủ tướng đến thăm Myanmar với chúng tôi là khách, lần thứ hai Ngài đến thăm với chúng tôi là bạn và lần này, lần thứ 3 Ngài Thủ tướng đến thăm Myanmar chúng ta đã trong một gia đình….”. Điều này thể hiện sự tin cậy rất lớn giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Tổng thống Thein Sein còn khẳng định: Việt Nam là người bạn, đối tác tin cậy số một của Myanmar trong ASEAN và khu vực…
Trong không khí thắm tình hữu nghị, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và trên cơ sở tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Thein Sein nhất trí tiếp tục dành ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, trong đó phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 500 triệu USD vào năm 2015.
Hai nhà lãnh đạo cũng chỉ thị ngay cho các Bộ trưởng liên quan xúc tiến xây dựng các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp, giống cây trồng, cũng như nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; đầu tư xây dựng các khu công nghiệp ở Myanmar, hợp tác đầu tư xây dựng cầu kết nối đường bộ giữa Myanmar – Lào - Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như hàng không, du lịch, viễn thông, dầu khí, đồng thời tiếp tục tăng cường hợp tác ngoại giao, an ninh, quốc phòng...
Chính phủ Myanmar đặc biệt khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp. Ông U Kyaw Win - Tổng Vụ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar khẳng định: “Việt Nam là nước đi đầu trong xuất khẩu gạo và có nhiều thế mạnh trong các lĩnh vực sản xuất lúa gạo, cây ăn quả, chế biến thực phẩm. Myanmar mong muốn học tập kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất lúa giống, gạo, mía đường, bông và một số cây công nghiệp, qua đó góp phần thiết thực vào phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ NN&PTNT hai nước đã ký bản ghi nhớ hợp tác và phía Việt Nam viện trợ kỹ thuật không hoàn lại 250.000 USD giúp Myanmar kỹ thuật và đào tạo trong lĩnh vực này.
Ủy ban hợp tác và đầu tư Myanmar cũng đã trao giấy phép hai dự án đầu tư liên quan đến sản xuất dược phẩm và xây dựng khách sạn 5 sao trị giá hàng trăm triệu USD cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là một trong những hành động cụ thể minh chứng cho triển vọng hợp tác thiết thực, hiệu quả cùng có lợi giữa Việt Nam và Myanmar trong hiện tại và tương lai./.
(Theo: VOV)