Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 13/12/2011 17:0'(GMT+7)

Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nền tảng

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Công tác tuyên giáo trong bối cảnh hiện nay cần làm rõ cho mỗi người và mọi người hiểu rằng sau một phần tư thế kỷ đổi mới, những thành tựu và kinh nghiệm đã tạo ra cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước. Những thành tựu đạt được là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước bước đầu thực hiện thành công công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao…

Mặt khác, phải làm cho mỗi người và mọi người nhận thức đầy đủ, sâu sắc những thách thức, không thể coi nhẹ, xem thường. Chỉ có một Đảng cách mạng chân chính, đạo đức và văn minh, một Chính phủ vì dân, phục vụ dân, thật sự là công bộc của dân thì mới có bản lĩnh nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Bởi vì: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc, chắn, chân chính” (1).

Đó là những thách thức tụt hậu xa hơn về kinh tế, các vấn đề xã hội bức xúc, sự chống phá của các thế lực thù địch. “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp” (2). Đặc biệt là phải làm cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp thấy rằng chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nền tảng, mà quan trọng nhất là nền tảng tinh thần, những vấn đề về văn hóa, đạo đức, lối sống. Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ngày 16-9-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường. Tình trạng xuống cấp về phẩm chất đạo đức lối sống của một số cán bộ, đảng viên đã gây lo ngại cho Đảng, toàn dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Theo dõi tình hình thế giới những tháng gần đây chúng ta thấy những diễn biến phức tạp có nhiều nguyên nhân, nhưng căn nguyên sâu xa phải chăng là do sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức.

Ngày 15-8-2011, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng: “Nước Anh đang phải đối mặt một nền văn hóa lười biếng, vô trách nhiệm và ích kỷ - nguyên nhân chính làm bùng lên cuộc bạo loạn kéo dài 4 ngày qua khiến 5 người chết, hàng ngàn người bị truy tố tội hình sự, thiệt hại hàng trăm triệu USD” (3). Ông hứa sẽ đưa ra dự thảo các chính sách mới “nhằm giải quyết vấn đề suy đồi đạo đức mà ông cho là đang ẩn chứa sự rối loạn trật tự xã hội”. Phát biểu tại Trung tâm Thanh niên ở miền Nam nước Anh, Thủ tướng Cameron nói rằng: “Vụ bạo loạn vừa qua làm thức tỉnh cả nước, các vấn đề xã hội vốn âm ỉ hình thành nhiều thập kỷ qua đã bùng nổ ngay trước mắt mọi người. Chứng kiến cảnh bạo loạn trên đường phố, ai cũng muốn những vấn đề xã hội này được giải quyết và sự xuống cấp đạo đức bị đẩy lùi” (4).

Gần đây, Tạp chí Foreign Policy của Mỹ số tháng 7-8/2011 nhắc lại sự kiện Liên Xô sụp đổ, đăng bài viết Mọi điều người ta cho rằng mình biết về sự sụp đổ của Liên Xô đều sai lầm. Theo tác giả bài viết, sự sụp đổ của Liên Xô không hẳn vì lý do kinh tế, quân sự, chính trị hay sức ép từ bên ngoài, mà có nguyên nhân sâu xa từ sự suy thoái đạo đức và dối trá. Vì thế khi được châm ngòi, nó sẽ tạo ra sự công phá khủng khiếp từ bên trong. Tác giả dẫn bài viết của Thủ tướng Nikolai Ryzhkov (dưới thời Gorbachev) Tình trạng đạo đức của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng kinh hoàng nhất: “Chúng ta đánh cắp của chính chúng ta, nhận và đưa hối lộ, nói dối trong các báo cáo, trên báo chí, từ những bục giảng, đắm mình trong những lời dối trá của chúng ta, đeo huy chương cho nhau. Và tất cả điều này đã diễn ra - từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên” (5).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng với bản lĩnh chính trị của một đảng cách mạng chân chính, đã nhìn thẳng vào sự thật, phân tích, đánh giá hiện trạng của đất nước, những vấn đề nền tảng của sự phát triển nhanh, bền vững một cách thẳng thắn. Đảng ta chỉ rõ: “Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong một bộ không nhỏ cán bộ, đảng viên và những tiêu cực, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt” (6).

Những hạn chế, yếu kém, suy thoái nêu trên là những lĩnh vực thuộc nền tảng và gốc của sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Trước đây, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết, đó là “văn minh thắng bạo tàn”. Văn minh Người nói ở đây được hiểu là văn minh tinh thần, không phải là văn minh vật chất, tức là sức mạnh văn hóa, những giá trị tinh thần của con người Việt Nam. Sự tồn tại, chiến thắng và phát triển của bất kỳ quốc gia nào đều có dấu ấn khai sáng của văn hóa. Không phải văn minh vật chất mà chính là văn minh tinh thần mới thật sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh, nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Không quan tâm đến các khía cạnh của văn hóa, “vốn xã hội”, chúng ta mất nền tảng tinh thần vững chắc, mất sức mạnh nội sinh, nguồn lực xã hội to lớn, không có động lực của phát triển và phát triển không có mục tiêu.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng “cán bộ là gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. “Đạo đức là gốc của người cách mạng. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”. “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” (7). Di sản Hồ Chí Minh về dân là gốc thể hiện một triết lý về dân hết sức sâu sắc, vừa có hàm lượng khoa học cao vừa thể hiện tinh thần cách mạng triệt để. Những tố chất làm nên cái gốc trong dân là quyền hành, lực lượng, trí tuệ và lòng tin. Tất cả những vấn đề về cán bộ, đạo đức xét đến cùng liên quan đến lòng tin của nhân dân, nền tảng vững chắc nhất. Bởi vì “có dân là có tất cả”. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên” (8).

Đúng là hiện nay và trong những năm sắp tới, “nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta” (9). Tuy nhiên, xét về nền tảng, căn bản, lâu dài và cuối cùng thì thách thức về những vấn đề về đạo đức, văn hóa là nghiêm trọng và đáng lo ngại nhất.

Về tác hại của những căn bệnh về suy thoái đạo đức, Mác và Ăngghen đã từng cảnh tỉnh giai cấp vô sản rằng chủ nghĩa quan liêu có thể dẫn các Đảng Cộng sản cầm quyền đến chỗ “đánh mất một lần nữa chính quyền vừa giành được, “đi vào con đường tiêu vong như đã từng xảy ra đối với mọi loại hình Nhà nước từng xuất hiện từ trước tới nay”. V.I. Lênin cũng viết: “… chúng ta bị khốn khổ trước hết về tệ quan liêu. Những người cộng sản trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó (tức chủ nghĩa quan liêu–TG)” (10). Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn… thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững… Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu” (11). Phân tích sâu hơn bệnh quan liêu, Hồ Chí Minh cho rằng, làm việc theo cách quan liêu tức là “cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình, rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo” (12). Người kết luận: “Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại” (13). Chính trị mà Hồ Chí Minh đề cập đến ở đây là lòng tin của dân. Mất lòng tin của dân, chỗ dựa nền tảng, sớm muộn sẽ thất bại. Cũng như vậy, “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại” (14).

Theo tinh thần của Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng ta thì không ai có thể bôi nhọ được chúng ta ngoại trừ chúng ta tự bôi nhọ; không ai có thể thay đổi, xóa bỏ được chế độ chính trị ở nước ta ngoại trừ chúng ta tự thay đổi bằng chính sự coi nhẹ, xem thường cái gốc, cái nền. Không vun xới, đắp bồi cho cái nền, cái gốc vững chắc, mà cứ để tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống diễn ra phổ biến, không được ngăn chặn, đẩy lùi thì hậu quả về sự ổn định và phát triển của đất nước là khó lường.

Thiếu “vốn kinh tế”, chưa đủ lực về văn minh vật chất, thiếu khoa học-công nghệ, thì mất vài ba chục năm, chậm lắm là năm bảy chục năm, chúng ta sẽ thành một nước công nghiệp hiện đại. Nhưng một khi đã suy giảm “vốn xã hội”, xuống cấp, suy đồi về văn hóa, đạo đức, lối sống thì một thế kỷ, có khi nhiều thế kỷ mới có thể phục hồi, thậm chí không bao giờ. Trong khi đó, về lý thuyết cũng như thực tiễn, thì đất nước muốn phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng văn hóa và thước đo sự phát triển bền vững đó là sự thăng hoa của văn hóa./.

PGS. TS. BÙI ĐÌNH PHONG

________________________________


(1), (7), (8), (12), (13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.5, tr.261, 409-410, 293, 293, 293, 286.

(2), (6), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.185, 171-175, 184-185.

(3), (4) Báo Tiền phong, số 228, ngày 18-6-2011.

(5) Thành ủy Hà Nội - Ban Tuyên giáo: Tài liệu tham khảo đặc biệt phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, số 9-2011.

(10) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. TB, M, 1979, t.54, tr.235.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.489-490.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất