Công trình Panorama “bốn không” ở Mã Pí Lèng, Hà Giang mở ra tầm nhìn
hiếm có cho các du khách, nhưng câu chuyện về nó cũng đang đặt ra những
đòi hỏi về trách nhiệm đến cùng và tầm nhìn xa hơn, rộng hơn của các cơ
quan quản lý.
Trong diễn biến mới nhất liên quan, ngày 8/10, UBND tỉnh Hà Giang cho
biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công trình nhà nghỉ, nhà
hàng Panorama xây dựng trái phép tại đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.
Cho đến nay, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, đây vẫn là công trình “4
không”: Không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền
phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).
Báo cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn ký đã nêu
rõ, công trình này nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng
cảnh Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo Điều 36, Luật Di sản văn hóa và Luật
sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, công trình
này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường -
sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó cần có ý kiến thẩm định bằng
văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Về hồ sơ công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama chưa có cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng. UBND tỉnh Hà
Giang xác định trách nhiệm ban đầu thuộc UBND huyện Mèo Vạc trong công
tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.
Để xác minh cụ thể vụ việc trên, hiện UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo
các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra công trình xây dựng tại
khu vực Mã Pì Lèng, yêu cầu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 9/10/2019.
Quan điểm và phương hướng giải quyết vấn đề này của UBND tỉnh Hà
Giang là không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức,
cá nhân có liên quan. Đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng
công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng theo đúng
các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với các vấn đề xác định ảnh
hưởng cảnh quan, môi trường, UBND tỉnh Hà Giang báo cáo xin ý kiến của
Bộ VHTT&DL và mời các chuyên gia đánh giá giúp làm cơ sở để xử lý
các vi phạm theo quy định.
Trước đó, Bộ VHTT&DL cũng đã có thông tin chính thức liên quan
đến công trình này. Tương tự như quan điểm của UBND tỉnh Hà Giang, Cục
Di sản văn hóa cũng cho rằng việc xây dựng công trình nói trên không
thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích,
không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, do đó,
phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và các quy định liên
quan.
Tuy nhiên, Điều 36, Luật Di sản văn hóa quy định: “Khi phê duyệt dự án
cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích
quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu
đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì
phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
về văn hóa, thể thao và du lịch”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định, cho đến trước khi vụ
việc trở nên “nóng” trong dư luận, Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản
nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình
xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.
Tại cuộc họp báo sau đó, Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái
Bình cho biết thêm, theo quan điểm của Bộ, bất cứ công trình nào, nằm
trên địa điểm du lịch hay trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nếu xây dựng trái
phép thì cũng sẽ phải bị xử lý nghiêm. Cũng trong ngày 8/10, Đoàn công
tác của Bộ do Cục Di sản văn hoá chủ trì đã lên Hà Giang thanh, kiểm tra
việc xây dựng công trình trên.
“Các di tích, di sản văn hoá cần phải có biện pháp bảo vệ, tránh
những nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Nguyễn Thái Bình khẳng định.
Dù là công trình có tính chất khuyến khích, thúc đẩy du lịch phát triển
nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, Bộ không ủng hộ. “Chúng ta phải
có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt nhất danh lam thắng cảnh quốc gia Mã
Pì Lèng”, ông Bình nói.
Như vậy, các cơ quan có liên quan đều đã thể hiện quan điểm rất rõ
ràng về tính chất của vụ việc cũng như hướng xử lý. Tuy nhiên, việc xử
lý cụ thể đối với công trình Panorama này vẫn đang tiếp tục thu hút
những ý kiến khác nhau, không chỉ từ khía cạnh pháp lý rằng người dân,
doanh nghiệp được làm gì và không được làm gì, mà còn từ khía cạnh kiến
tạo phát triển: Cơ quan nhà nước nên và cần phải làm gì để xử lý bài
toán khó là hài hoà lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản
và phát triển du lịch?
Câu chuyện về công trình Panorama trước hết đặt ra vấn đề về kỷ
cương, kỷ luật, về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong
quản lý xây dựng. Nếu các quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc
ngay từ đầu thì rất khó để “con voi chui lọt lỗ kim” và cơ quan quản lý
cũng không phải đau đầu tìm cách xử lý “việc đã rồi” như hiện nay.
Xa hơn, câu chuyện ở Mã Pí Lèng đặt ra vấn đề về tầm nhìn phát
triển. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu
thông điệp mạnh mẽ về tinh thần “kiến tạo phát triển” và điều đó đòi
hỏi các cấp, các ngành cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa.
Nói riêng ở Mã Pí Lèng, cung đường đèo nổi tiếng này vẫn chưa có điểm
dừng chân ngắm cảnh toàn cảnh hẻm vực Tu Sản, Mã Pì Lèng và cuối năm
2018, theo báo cáo của tỉnh Hà Giang, Giáo sư Guy Martini, Tổng Thư ký
Ban điều phối Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã khuyến
nghị tỉnh Hà Giang xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách tại chính
khu vực xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng Panorama nêu trên. Tuy nhiên, một
việc có thể nói là không quá khó và cũng không quá lớn như vậy lại chưa
được quan tâm đúng mức, với cách làm phù hợp.
Cuối tháng 7 vừa qua, dự một hội nghị về di sản do Bộ VHTT&DL tổ
chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, chúng ta phải quán triệt
tinh thần “cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được
nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Mặt khác, chúng ta có nhiệm vụ
làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích, rằng phải luôn sáng tạo,
năng động để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại, di
sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững.
Rõ ràng, các cấp chính quyền cần hết sức năng động và sáng tạo để
giải quyết các bài toán rất cụ thể được cuộc sống đặt ra hằng ngày, hằng
giờ./.
Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) được mệnh danh "Đệ nhất hùng quan", một
trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Đèo là đoạn quốc lộ 4C dài khoảng
20 km nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đỉnh đèo cao 2.000 mét, là
con đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá
Đồng Văn, một bên là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho
Quế. Ngày 16/11/2009, Bộ VHTT&DL đã quyết định xếp khu vực đèo Mã Pì
Lèng Hà Giang là danh lam thắng cảnh quốc gia.
Trong bài viết vừa được báo chí đăng tải, kiến trúc sư
Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm, trong câu chuyện nhà hàng 7 tầng xây
trái phép trên đỉnh đèo, có thể thấy có 4 "tầng trách nhiệm". Trách
nhiệm đầu tiên của chủ đầu tư do xây không phép.
Thứ hai, huyện Mèo Vạc có trách nhiệm bởi đã không dừng
công trình từ manh nha, để nó ngang nhiên mọc lên. Và cũng không loại
trừ khả năng ai đó có chức quyền đã dung túng cho chủ đầu tư theo kiểu,
xây đi rồi sẽ lo giấy phép.
Trách nhiệm thứ ba lớn hơn thuộc tỉnh Hà Giang. Đó là
trách nhiệm phải tổ chức quy hoạch của khu vực di sản và lân cận, xác
định rõ khu nào không được xây dựng, khu nào xây được để phục vụ du
khách, bảo tồn chỗ nào, đầu tư chỗ nào.
Quan trọng hơn, tỉnh Hà Giang phải gấp rút làm quy hoạch
toàn bộ khu vực, đưa ra giải pháp cụ thể và chi tiết về bảo tồn và phát
triển mà không cần chờ điều chỉnh Luật Di sản vì sẽ quá chậm.
Và cuối cùng là trách nhiệm thuộc về Bộ VHTT&DL. Bởi
thực tế, ai cũng thấy nhà hàng nằm ở vị trí đẹp nhất trong quần thể, vi
phạm di sản một cách ngang nhiên, nhưng chính quyền chỉ có thể phạt lỗi
xây dựng không phép chứ không đủ cơ sở pháp lý để phạt lỗi vi phạm di
sản. Có kẽ hở này là do Luật Di sản hiện hành có lỗ hổng. Nếu điều chỉnh
được Luật Di sản, chúng ta không chỉ cứu một mình Mã Pí Lèng mà còn cứu
hàng nghìn di sản khác trên toàn quốc.
|
Hà Chính (VGP)