Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 29/1/2019 13:30'(GMT+7)

Cúng Rừng - nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Già làng Siu Tới, làng Ograng, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cùng bà con, dân quân tự vệ, lực lượng kiểm lâm đang tiến hành thực hiện nghi lễ cúng Rừng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Già làng Siu Tới, làng Ograng, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cùng bà con, dân quân tự vệ, lực lượng kiểm lâm đang tiến hành thực hiện nghi lễ cúng Rừng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong tục cúng Rừng - nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.

Già làng Siu Tới, làng Ograng, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, cho biết hằng năm, cứ đến Xuân mới, dân làng đều tập trung cúng Rừng. Đối với người Jrai, cuộc sống không thể tách khỏi núi rừng vì rừng cho thức ăn, nước uống và không khí trong lành để sống. Nét văn hóa này được truyền từ bao đời nay, qua đó giáo dục lớp con cháu không được vì lợi ích kinh tế mà phá rừng, đánh đổi môi trường sống.

Cũng như mọi năm, lễ cúng Rừng năm nay được bà con làng Ograng chuẩn bị khoảng một tháng trước. Già làng chọn một cây cổ thụ rồi sắp lễ vật gồm một con gà, một ghè rượu dưới gốc cây, sau đó tập trung dân làng, đọc lời khấn thần Rừng.

Xong nghi lễ, già làng uống ngụm rượu đầu tiên rồi đến những người có uy tín trong làng, sau đó đến lượt thanh niên, phụ nữ. Nơi cúng Rừng được chọn ngay gần Giọt nước để thuận tiện trong việc lấy nước làm lễ cúng Rừng cũng như sinh hoạt, ăn uống của bà con.

Lễ cúng Rừng của bà con làng Ograng năm nay có sự tham gia của đại diện cấp ủy, chính quyền xã Ia Pếch và huyện Ia Grai. Ông Siu Thunh, Bí thư Đảng ủy xã Ia Pếch cho biết với diện tích rừng lớn, để giữ được rừng, chúng tôi phải dựa vào ý thức của người dân.

Để phát huy tinh thần bảo vệ rừng, xã đã tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về lợi ích mà rừng mang lại. Bên cạnh đó, phát huy phong tục, tập quán của người dân tại chỗ, hàng năm, xã khuyến khích người dân tổ chức cúng Rừng để với mong muốn bà con cùng chính quyền chung tay bảo vệ tốt môi trường sinh thái, để có sức khỏe, kinh tế từ rừng mang lại.

Một lễ cúng Rừng giữa bạt ngàn cây nhưng bà con không ai dám chặt dù là một cây gỗ nhỏ để lấy đường đi mà chỉ cúi men theo lối mòn. Trước khi tổ chức lễ, Già làng đến báo cáo với lực lượng Kiểm lâm chặt vài cây lồ ô để đựng thực phẩm trong lễ cúng Rừng. Củi để nướng thịt cũng được người dân đi nhặt củi khô trong rừng. Những hành động nhỏ này cho thấy, ý thức bảo vệ rừng của người dân nơi đây rất cao.

Ông Lâm Văn Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, cho biết dân làng Ograng đã hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm rất nhiều trong công tác bảo vệ rừng. Nhiều vụ việc phá rừng đã được ngăn chặn từ nguồn tin báo của người dân.

Từ ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, năm 2018, xã Ia Pếch là địa phương có diện tích trồng rừng nhiều nhất huyện Ia Grai với 70ha keo lá tràm. Để tạo sinh kế cho đồng bào, ngành kiểm lâm huyện đã đưa bà con đi tham quan nhiều mô hình kinh tế để phát triển và nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng, dựa vào nguồn hoa keo nở quanh năm.

Sau vụ mùa bội thu, thóc lúa đầy kho, cuộc sống bình an, bà con các làng dân tộc thiểu số tại Gia Lai chuẩn bị cho một năm mới sum vầy, hạnh phúc. Để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho sự sung túc quanh năm, bà con dân làng lại tập trung về giữa cánh rừng già, về giữa đại ngàn để dâng lời cảm tạ thần./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất