Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 28/1/2019 14:46'(GMT+7)

Danh và thực

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Không phải đến giờ người ta mới rộ lên những thông tin về việc đào tạo tiến sĩ một cách ồ ạt, tiến sĩ rởm, tiến sĩ từ xa, tiến sĩ sáu tháng, cấp tốc, lò ấp tiến sĩ, tiến sĩ giấy,… Từ xưa đã có hiện tượng này. Chính vì thế, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã phải thốt lên: Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/ Cũng gọi ông Nghè có kém ai/…/ Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ/ Cái giá khoa danh ấy mới hời (Tiến sĩ giấy).

Nếu chỉ quan sát và phê phán tình trạng đào tạo tiến sĩ một cách tràn lan, vô tội vạ, kiểu “mỗi ngày một tiến sĩ” là sự xuống cấp, tệ lậu của bậc giáo dục sau đại học e rằng chưa thực sự thấu đáo vấn đề. Và như thế, căn nguyên, cốt lõi, bản chất của hiện tượng này vẫn chưa được nhìn nhận một cách hợp lí. Đồng ý rằng, việc đào tạo tiến sĩ như ở ta hiện nay đang làm cho danh vị tiến sĩ trở nên rẻ rúng, tầm thường hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cũng phải thấy được vì sao lại có hiện tượng đó. Cái nhìn từ gốc, từ căn tính dân tộc, từ nền tảng lịch sử xã hội, văn hoá Việt Nam giúp chúng ta lí giải được nhiều hiện trạng xã hội, trong đó có hiện tượng “ra ngõ gặp tiến sĩ” như hiện nay.

Từ xưa, trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp, ông nghè, ông cống, ông cử, ông tú, ông đồ… luôn là những bậc đức cao vọng trọng trong xã hội. Có danh ắt có vị, có vị ắt có lợi (“phong kiến” vốn mang nghĩa là phong tước - danh vị và kiến địa - đất đai, quyền lợi). Bởi thế, dân gian vẫn truyền nhau câu nói: Tốt danh hơn lành áo. Thế rồi, có danh, nghĩa là có được vị trí. Trong xã hội Việt Nam, vị trí rất quan trọng: Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Bởi vậy, ai ai cũng đua chen để có được cái danh, để kiếm được vị trí giữa làng, đình trung, tiên chỉ,… để rồi có được cái lợi từ danh, từ vị. Người ta bằng mọi giá để có được danh. Người thì học hành thi cử đàng hoàng, sôi kinh nấu sử mong có ngày “vinh quy bái tổ”, nhưng cũng có người bằng những con đường khác mà có được danh, vị. Thế nên, trong xã hội xuất hiện tình trạng mua danh, bán tước. Âu cũng là lẽ thường của một xã hội vốn phát triển trên nền tảng trọng danh - vốn là tâm thức của cộng đồng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp lúa nước, nghèo túng và luôn bất an, lo âu.

Đặc tính trọng danh của xã hội Việt Nam (xưa) còn được tiếp sức bởi những thiết chế xã hội khác mà tiêu biểu nhất là hình thức “tập ấm” (những điều kiện cho phép con cháu tiếp tục được hưởng lợi từ danh vị của cha ông) khiến cho việc phấn đấu có được cái danh càng trở nên quan trọng đối với người Việt Nam. Có danh, nhất là danh vị từ việc học, biến một người trở thành tầng lớp trên của xã hội trong cơ cấu: sĩ - nông - công - thương (nhất sĩ nhì nông). Sĩ trong cơ cấu này là đẳng cấp trên, hưởng đặc quyền và là tầng lớp chăn dắt, giáo hoá đại chúng. Tâm lí này dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ cũng đang hiện diện trong xã hội hiện nay.

Nhưng tại sao xã hội Việt Nam lại trọng danh đến như thế? Người có danh, tốt danh được xã hội tôn kính, ngưỡng vọng, đi cùng với quyền lợi và các lợi ích hữu hình, vô hình khác. Người dân Việt Nam vốn sống trong không gian kinh tế, văn hoá lúa nước, phụ thuộc vào thiên nhiên, bị động hoàn toàn trước các điều kiện ngoại cảnh. Tâm lí bất an Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng luôn khiến cho cư dân nông nghiệp thấy cần phải có một sự đảm bảo, một sự che chở nào đó từ bên ngoài, bên trên (sùng kính tâm linh, siêu nhiên). Danh vị, chức tước và đẳng cấp cũng chính là một giá trị mà cư dân nông nghiệp luôn ngóng vọng nhằm cứu vớt, giải toả trạng thái lo âu vì cuộc sống bấp bênh, bất trắc, thấp cổ bé họng, con sâu cái kiến của mình. Từ đó, lập công, lập danh trở thành nhiệm vụ hàng đầu của con người thời phong kiến. Và, trong niềm khao khát ấy, cái tiêu cực có cơ hội trổ rễ, đâm cành - tệ mua quan, bán tước.

Trong không gian đương đại, tình trạng lạm phát tiến sĩ có căn nguyên từ tâm tính dân tộc đã nói ở trên. Nghĩa là xã hội vẫn truyền thừa tâm lí trọng danh từ xa xưa. Điều đó cho thấy tính chất nông nghiệp của xã hội Việt Nam rất nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hội nhập của đất nước. Có nhiều người cho rằng, thực tế, đô thị, thành phố ở Việt Nam cũng chỉ là một cái làng (siêu làng) mà thôi. Trong cơ cấu xã hội nặng căn tính nông nghiệp, làng xã ấy, cái danh tiến sĩ trở thành công cụ, phương tiện để người ta có được vị trí, chức tước và quyền lợi. Cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm dựa trên bằng cấp (bên cạnh những ưu điểm) có những nhược điểm như không chú ý đến năng lực, hiệu quả công việc. Người ta đua nhau đi học lấy bằng tiến sĩ, các cơ sở giáo dục đua nhau mở các mã ngành tiến sĩ, thạc sĩ. Học, thi không được thì mua, nhờ người học hộ, thi thay, làm luận văn, luận án hộ. Trên mạng còn có cả những địa chỉ công khai việc viết luận văn, luận án, đồ án thuê,… Những đề tài được thực hiện, bảo vệ xong thì xếp đó, thậm chí có những đề tài rất ngô nghê, buồn cười, không xứng tầm luận án (chỉ ngang một bài báo),… như báo chí đang chỉ ra. Dẫu như thế, người ta vẫn học, vẫn đào tạo, vẫn bảo vệ và bảo vệ thành công. Các tiến sĩ vẫn ra lò, vẫn đảm nhiệm nhiệm vụ và tiếp tục được cất nhắc vào các vị trí quan trọng, quan trọng hơn,… Tất cả những diễn biến ấy không gì khác là sự hiện diện của tâm lí trọng danh gắn với tính chất “phong tước kiến địa” của xã hội Việt Nam từ xưa.

Có lần, trong bài phỏng vấn của một báo nọ, phóng viên hỏi tôi: Anh nghĩ sao về câu nói cửa miệng “ra ngõ gặp tiến sĩ” hiện nay? Tôi trả lời rằng, tiến sĩ kia cũng có năm bảy đường, chiếc áo không làm nên thầy tu, đừng quá quan trọng việc bằng cấp, danh vị, tiến sĩ chỉ là một bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, hãy xem họ làm việc thế nào. Một người quen của tôi, hiện đang làm giám đốc một tổ chức phi chính phủ, nói rằng, chẳng dại gì đi nhận một vị tiến sĩ không làm được việc - dẫu có thể mình sẽ được lót tay kha khá, để rồi công ty thất thu không biết bao nhiêu từ việc người này không làm được việc, không đem lại hiệu quả, thậm chí làm mất uy tín của công ty (tài sản hữu hình và vô hình). Cái mất đó nhiều hơn rất nhiều so với cái được riêng tư, lén lút kia. Xã hội Việt Nam đang trên đường hội nhập. Chơi với thế giới phải biết luật (trong khi chúng ta vốn nặng về lệ và tục) và có đủ trình độ, năng lực. Bằng cấp thực sự rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn vẫn là khả năng thích ứng, đáp ứng và hiệu quả công việc mà một người lao động có thể thực hiện được. Cơ cấu lao động, ngành nghề, vị trí việc làm, các lợi ích gắn với người lao động thiết nghĩ cần phải dựa trên nền tảng năng lực của cá nhân trong tương quan với nhu cầu của xã hội, thời đại. Có như thế, cái danh mới (phải) gắn với cái thực, thực làm nên danh, và vị trí, quyền lợi phải xứng với danh và thực của người sở hữu danh vị./.

Nguyễn Thanh Tâm

(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất