Chủ Nhật, 27/10/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 25/1/2019 16:7'(GMT+7)

Làm quan cửa thánh

Di tích Cổ loa (Ảnh minh hoạ)

Di tích Cổ loa (Ảnh minh hoạ)

Quan chức là người làm việc cho nhà nước, còn “Quan đám” là người được chọn ra để “làm việc” nơi cửa thánh, tức là làm việc cho làng. Mặc dù công việc khác nhau nhưng để được làm hai quan này theo lệ cũ, cũng không dễ. Đối với quan chức thì nhất thiết phải thi rồi mới được làm quan. Thi đỗ cấp nào thì nhận chức theo cấp ấy, nghĩa là chức quan cũng theo bằng cấp mà ngồi. Lương bổng do nhà nước quy định. Niên hạn phục vụ cũng có nhưng không phải ai cũng giống ai, có người tại vị lâu đến phát ngán. Có người lại giữa đường đứt gánh, mất chức hoặc từ quan.

Còn “Quan đám” thì không thi viết lách, đố ngang, đố dọc... mà phải theo những tiêu chuẩn “sát hạch” do lệ làng đặt ra: Nam từ 60 đến 70 tuổi; không bệnh tật kinh niên, ốm đau vặt vãnh; tai thính, mắt tinh, sức khỏe dẻo dai. Có nếp ăn ở gọn gàng, sạch sẽ; đi đứng đàng hoàng, nói năng mạch lạc.

Từ tuổi thành niên đến lúc 60 - 70 tuổi không đâm chém, trộm cướp, không vướng vào tù tội. Thủy chung một vợ một chồng không có tính đàng điếm, tị hiềm với mọi người xung quanh, chấp hành lệ làng, luật nước nghiêm minh. Không sinh con một bề, gia thất hoà thuận, vợ chồng song toàn, cháu chắt nam nữ đủ cả. Kinh tế đủ ăn, không nợ nần túng bấn. Học vấn từ đọc thông viết thạo trở lên. Ba đời nối nhau không điều tiếng xấu. Đó là lệ cũ.

Ngày nay, thêm một điểm: gia đình phải đạt danh hiệu “gia đình văn hoá”.

Đó là 8 điểm cũ và 1 điều mới. 

Trăm họ, chọn lọc trong làng xã, người nào ứng với các tiêu chuẩn trên thì xướng tên lên Hội đồng. Hội đồng là các bậc đức cao vọng trọng, có cả đại diện chính quyền, mặt trận tham gia. Hội đồng xem xét cẩn trọng rồi chọn một ngày thích hợp mời toàn dân đến đình làng để nghe báo cáo, trên dưới một lòng, mới tuyên người trúng tuyển. Việc tuyển chọn “quan đám” là bước đầu. Quan đám cũng phải trải qua thử thách một thời gian nhất định như quan trường. Vượt qua thử thách, hội đồng mới ra quyết định tấn phong chức chính thức.

Công việc của “quan đám”: sớm tối ở đền miếu, hầu hạ các thánh, đèn nhang luôn sáng tỏ, quét dọn trong ngoài thật sạch sẽ, đồ đạc gọn gàng ngăn nắp, tránh mất mát. Tiền của, công đức phải rõ ràng, một xu cũng không được bỏ túi. Đón đưa khách tử tế, áo quần phải sạch sẽ, đi đứng đàng hoàng, tránh tiếp xúc bừa bãi, nhất nhất phải cung kính nơi cửa thánh.

THỬ THÁCH - VINH QUY BÁI TỔ

Người trúng tuyển nhằm vào ngày 14 tháng giêng, lên cửa thánh để nhập tịch. Con cái, họ hàng trống giong cờ mở, đội theo mâm cỗ (xôi, gà, rượu, chè, hoa quả) để làm lễ tế thần linh, thánh thần. Sau đó người trúng tuyển ở lại trong đền (miếu) thi lễ hầu thánh đúng 20 ngày. Đây là những ngày thử thách gay go nhất. Không được tự do đi lại, sớm tối quanh quẩn bên thánh. Đèn nhang, lễ bái, khách khứa phải chu toàn. Cơm ăn, áo mặc vợ con phải đưa lên, ốm đau tự chữa. Trong 20 ngày, nếu chẳng may gia đình có xảy ra đại sự đồng nghĩa với việc phải rời nơi đền miếu tức khắc.

Chuyện thử thách để lại nhiều giai thoại, có vị “quan đám” tâm sự: “Lâu nay quen sống, sinh hoạt tự do, giao tiếp ôn ào, ăn uống xô bồ. Nay “nhất cử nhất động” bó hẹp bên những bức tường. Đêm hôm chỉ nghe tiếng gió, mưa, không một bóng người bên cạnh. Ấy là chưa kể lúc trái nắng trở trời. Phải có nghị lực, sức bền mới vượt qua”. Lời tâm sự của tân quan không biết có làm cao lên vị thế “quan đám” hay không nhưng quả thực, không phải ai đến đây cũng trở thành “quan đám” một cách trơn tru. 

Vượt qua 20 ngày, không để trăm họ chê cười, cửa thánh thêm khang trang. Tân Quan được nhận sắc phong cùng bộ quần áo từ tay các vị trong hội đồng. Người ta bảo, đời người có nhiều cái vui, nhưng không vui bằng khi được làm “quan đám”. Cái vui đầy ắp niềm tự hào được đại diện cho ba đời trong một nhà, dòng họ đã hội đủ những yếu tố đẹp được thừa nhận một cách quang minh chính đại.

Sau khi nhận được sắc phong, con cháu, bạn bè, họ hàng, võng lọng rước quan đám về vinh quy bái tổ. Cỗ bàn bày ra thịnh soạn, chủ khách đều vui mừng. Không biết các tân quan trạng nguyên, tiến sĩ ngày võng lọng về làng có được trăm họ nghênh tiếp đón chào như vậy không? Nhưng chắc chắn dân làng khối người phải nấp sau cánh cửa để ngó nghiêng, trẻ con không được nô đùa, reo hò thả sức bởi đây là “quan của Nhà nước”, đại diện cho phẩm giá mà mọi người noi theo. Sau tiệc, họ hàng làng xóm võng lọng đưa quan đám đi làm chức phận của mình. Kể từ đây cho đến hết “nhiệm kỳ” một năm, “quan đám” phải ở trong cửa thánh, chăm nom hương khói không được lơ là; giữ mình, trong sạch, sớm hôm tận tuỵ, thay mặt dân làng phụng sự thánh thần. Sau một năm, vào ngày 20 tháng Chạp, “quan đám” được hội đồng của làng tuyên cáo trước bàn dân thiên hạ đã hoàn thành sứ mạng. Một lễ nữa, kính trời kính thánh, “quan” ra về, trong sự tiễn đưa long trọng của dân làng.

Làng xã lại bước vào những ngày vui như mở hội để tìm “quan đám” mới, cho kịp ngày 14 tháng giêng hàng năm.

Tôi được biết câu chuyện này trong dịp đi điền dã trên đất Cổ Loa cách trung tâm Hà Nội chỉ bằng câu hát gió đưa là đến. Mảnh đất còn in đầy thành xưa đền cũ, âm vang hào khí của cha ông dựng nước và giữ nước. Nếu có may mắn gặp ngày 14 tháng giêng, hay ngày 20 tháng chạp hàng năm, ta sẽ thấy tại đền An Dương Vương, Am Mị Châu người dân trong vùng nô nức kéo về đưa quan đám lên hầu Đức vương, và chăm lo tế lễ cho nàng công chúa của Ngài. Ta sẽ được sống trong cái lệ làng có từ xửa từ xưa nối tiếp nhau đến tận bây giờ, mọi thứ, mọi cái không khác nhau là mấy nhưng được tận mắt nhìn thấy người Cổ Loa kiêu hãnh và thánh thiện.

Hoạ sỹ Ngô Bình Thiểm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất